Đã 48 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ cách mạng vĩ đại của nhân dân Việt Nam, nhà văn hóa lỗi lạc của nhân loại, vĩnh biệt chúng ta (2-9-1969 - 2-9-2017). Nhưng, sự nghiệp cách mạng của Người, trí tuệ và đạo đức của Người, tình cảm mênh mông và tấm gương vĩ đại của Người vẫn sống mãi với chúng ta.
Hiếm thấy trong lịch sử có con người nào mà tên tuổi và sự nghiệp lại gắn bó với vận mệnh của cả dân tộc, đất nước như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có thể tìm thấy hình ảnh của Người trong từng hơi thở của người dân và cũng có thể tìm thấy số phận của mỗi người dân trong từng ý nghĩ của Người.
“Bác Hồ” đó là tên gọi trìu mến nhất, thiêng liêng nhất mà cả dân tộc đã dành để gọi vị lãnh tụ kính yêu của mình. Bác giản dị và gần gũi, không có khoảng cách nào giữa một người dân bình thường với lãnh tụ. Sinh thời, Bác đã trở thành lẽ sống, không thể thiếu được trong đời sống chính trị và tinh thần của đất nước. Người là một cá nhân, nhưng Người cũng là tất cả. Đã có biết bao nhiêu anh hùng liệt sĩ, cán bộ, đảng viên và người dân trong đấu tranh cách mạng trước giờ phút hy sinh đã hô lớn “Hồ Chủ tịch muôn năm!”, “Bác Hồ muôn năm”. Lời hô kính yêu và tha thiết ấy trên chiến trường, ở pháp trường như một lời thề đầy khí phách “tận trung với nước, tận hiếu với dân”.
Đó cũng là niềm tin tưởng thắng lợi của cách mạng, lời cầu chúc sức khỏe và mong Bác sống lâu. Nhưng sức khỏe của Bác lại nằm ngoài ý muốn của toàn Đảng, toàn dân ta.
Vào giữa những năm 1960 cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đang ở vào giai đoạn quyết liệt nhất, tàn khốc nhất trong lịch sử dân tộc, tin tức về những người dân vô tội bị giết hại trở thành nỗi đau nhức nhối thường xuyên của Bác. Cùng với tuổi tác, sức khỏe của Bác cứ mỗi ngày một suy giảm.
Năm 1962, khi phái đoàn đầu tiên của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra thăm miền Bắc, trước khi trở về, thay mặt cho 14 triệu đồng bào miền Nam lúc đó, đoàn chỉ có một yêu cầu với Trung ương Đảng và nhân dân miền Bắc: “Phải cố gắng chăm sóc giữ gìn sức khỏe của Bác cho thật tốt, để đồng bào miền Nam có thể gặp được Người, khi nước nhà hoàn toàn giải phóng”.
Giữa năm 1966, sau một chuyến đi thăm địa phương trở về, Bác bị rối loạn tuần hoàn máu não, liệt nhẹ nửa người bên trái. Sang năm 1967, mắt trái của Người bị mờ, tay trái nắm không thật vững, tiếng nói yếu, giọng hơi bị khản. Bộ Chính trị rất lo lắng với sức khỏe của Bác.
Tháng 5-1967, sau lễ mừng thọ nhân ngày sinh thứ 77 của Bác, Bộ Chính trị đã triệu tập một cuộc họp bất thường để bàn việc bảo vệ sức khỏe của Bác và chuẩn bị giữ thi hài của Người lâu dài sau khi Bác qua đời. Cuộc họp do đồng chí Lê Duẩn chủ trì.
Hội nghị đã xác định phải bảo đảm hai yêu cầu: tuyệt đối giữ bí mật, nếu không nhân dân sẽ hoang mang, lo lắng và Bác sẽ phê bình Bộ Chính trị và không cho phép thực hiện; chọn một số cán bộ y tế giỏi gửi sang Liên Xô học tập về gìn giữ thi hài. Nhân sự cụ thể giao cho Ban Tổ chức Trung ương chọn.
Hội nghị cũng nhất trí giao nhiệm vụ đặc biệt này cho Quân ủy Trung ương vì quân đội sẵn có truyền thống nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ khó khăn phức tạp.
Mặt khác Bộ Chính trị cũng chỉ định đồng chí Nguyễn Lương Bằng thay mặt Trung ương Đảng trực tiếp theo dõi và chăm sóc sức khỏe của Bác. Vốn là người sống giản dị, Bác chỉ có một nguyện vọng là sau khi mất, hỏa táng thi hài, lấy tro đựng vào ba chiếc bình, đặt trên ba ngọn đồi thấp ở ba miền Bắc, Trung, Nam để đồng bào cả nước có thể đến với Bác và để Bác được mãi mãi gần gũi với dân.
Nhưng việc gìn giữ thi hài của Bác cho đời đời con cháu mai sau được chiêm ngưỡng lại là nguyện vọng liêng thiêng của toàn Đảng, toàn dân ta. Đó sẽ là phần thưởng vô giá mà Đảng ta dành lại cho các thế hệ tương lai của đất nước.
Để công việc triển khai sớm, Bộ Chính trị cử đồng chí Lê Thanh Nghị thay mặt Đảng và Chính phủ sang Liên Xô hội đàm và đề nghị giúp đỡ, từ công tác đào tạo cán bộ đến việc giữ gìn lâu dài thi hài của Bác. Chuyến đi của đồng chí Lê Thanh Nghị phải giấu kín không để Bác biết.
Xuất phát từ lòng kính trọng và nhận rõ vị trí lớn lao của Bác đối với phong trào giải phóng dân tộc và phong trào cộng sản quốc tế, Đảng và Chính phủ Liên Xô khẳng định ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam tận tình để giữ gìn lâu dài thi hài của Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng lăng của Người được trọn vẹn.
Trong cuộc đời của Bác có nhiều nỗi đau, nỗi đau đớn nhất là miền Nam chưa được giải phóng. Ngày 14-7-1969, khi tiếp nữ nhà báo Cuba Marta Rojas, Bác đã đặt bàn tay lên ngực mình nói rằng: “Nhân dân miền Nam mỗi người, mỗi nhà đều có một nỗi đau. Đem cộng tất cả những nỗi đau đó lại, thì đấy là nỗi đau của tôi”.
Miền Nam luôn ở trong trái tim của Bác và Bác cũng luôn có trong trái tim của mỗi người dân miền Nam. Trong những năm khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Bác thường gọi điện hỏi Đại tướng Võ Nguyên Giáp về tình hình chiến sự ở miền Nam. Được vào miền Nam là nguyện vọng thiết tha trong những năm cuối đời của Bác.
Nhiều lần Bác đề nghị Bộ Chính trị bố trí để Bác được vào thăm đồng bào miền Nam theo đường Trường Sơn, hoặc đường hàng không Hà Nội - Phnom Penh. Nhưng thấy sức khỏe của Bác không bảo đảm cho chuyến đi, nên Bộ Chính trị tìm mọi cách trì hoãn.
Mùa thu 1968, theo lời mời của Đảng và Nhà nước Trung Quốc, Bác sang Bắc Kinh nghỉ ngơi, chữa bệnh. Đồng chí Lê Đức Thọ trước khi vào Nam công tác, đã sang Bắc Kinh chào Bác. Khi nghe đồng chí Lê Đức Thọ báo cáo chuyến đi sắp tới, Bác lại tha thiết đề nghị Bộ Chính trị bố trí để Bác vào Nam.
Bác bảo: “Chú vào trong đó bàn với chú Hùng (Phạm Hùng) bố trí để Bác vào thăm đồng bào miền Nam”.
Đồng chí Lê Đức Thọ khéo léo từ chối, nói rằng: “Bác chỉ có thể đi đường hàng không qua Phnom Penh, muốn vậy phải làm hộ chiếu và người ta dễ dàng nhận ra Bác vì Bác có râu.
Bác bảo: thì Bác cạo râu đi. Nhưng cạo râu thì đồng bào miền Nam không còn nhận ra Bác nữa - đồng chí Lê Đức Thọ trả lời. Bác ngồi yên và rất buồn. Lát sau, Bác lại bảo cho Bác đi đường biển.
Hồi đó tàu chở vũ khí tiếp tế cho chiến trường miền Nam vẫn cập cảng Sihanoukville, Bác sẽ cải trang làm một thủy thủ hoặc được giấu dưới hầm tàu...
Phương án đã được Bác vạch rất tỉ mỉ. Nhưng cũng như lần trước, đồng chí Lê Đức Thọ khéo léo trì hoãn, và hứa: tình hình còn rất khó khăn, Bộ Chính trị sẽ cố gắng thu xếp để đồng bào miền Nam có thể sớm được gặp Bác.
Lúc chia tay, Bác đã ôm chặt đồng chí Lê Đức Thọ mà khóc, đồng chí Lê Đức Thọ cũng trào nước mắt.
Mùng một Tết Nguyên đán năm 1969, Bác đến thăm Quân chủng Phòng không - Không quân, sau đó đi theo quốc lộ 11 lên chúc tết đồng bào huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây.
Đây là chuyến đi xa cuối cùng của Bác. Buổi trưa, ngồi nghỉ ngay bãi cỏ trên đồi cây, Bác cười và quay sang đồng chí Hoàng Hữu Kháng, Cục trưởng Cục Cảnh vệ.
Bác nói vui: “Nhân dân mình chăm chỉ thật, mùng một Tết vẫn đi làm”. Quay sang phía đồng chí Bí thư Đảng ủy xã, Bác hỏi: “Hợp tác xã có hay liên quan chè chén không?”. Nghe đồng chí Bí thư Đảng ủy xã báo cáo tệ này đã được khắc phục, Bác rất vui và khen ngợi chủ nhiệm hợp tác xã.
Sau chuyến đi đó trở về, các bác sĩ kiểm tra điện tim của Bác bị đảo ngược. Trước dấu hiệu không lành ấy, Bộ Chính trị quyết định mời bác sĩ Trung Quốc sang điều trị cho Bác.
Tháng 5-1969, Bác sửa lần cuối cùng bản Di chúc. Bản Di chúc này, Bác bắt đầu viết từ mùa hè 1965, Bác thường gọi là “Tài liệu tuyệt đối bí mật”. Bác không muốn mọi người biết Bác đang làm cái công việc cuối cùng của một đời người.
Đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác kể lại rằng Bác thường viết vào những giờ nhất định trong ngày. Có lần đồng chí Trường Chinh gọi điện xin phép làm việc với Bác đúng vào giờ Bác viết Di chúc, biết Bác không thể tiếp khách vào giờ đó, đồng chí Vũ Kỳ đã khéo léo bố trí đồng chí Trường Chinh đến ăn cơm trưa cùng Bác, vừa ăn vừa làm việc.
Cũng trong tháng 5 rất đáng nhớ này, các cán bộ cao cấp toàn quân đến thăm và mừng thọ Bác 79 tuổi, đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng cùng dự. Đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt tất cả anh em chúc Bác mạnh khỏe, sống lâu và hứa quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ để đón Bác vào thăm miền Nam.
Đồng chí Vương Thừa Vũ thay mặt anh em ôm bó hoa lên mừng thọ Bác. Bác vô cùng cảm động, nhận hoa và cảm ơn các chú ở quân đội luôn quan tâm đến sức khỏe của Bác, giây phút mừng thọ Bác diễn ra vô cùng cảm động.
Chiều ngày 12-8, Bác lên nhà nghỉ Hồ Tây thăm phái đoàn ta từ Hội nghị Paris mới về đang nghỉ tại đó. Ngày hôm sau Bác bị viêm phế quản, húng hắng ho, khi kiểm tra thấy bạch cầu tăng.
Ngày 23-8, các bác sĩ phải dùng penicillin tiêm cho Bác. Tối hôm ấy khoảng 9 giờ, Bác thấy đau trong lòng ngực. Các bác sĩ đình chỉ tiêm và làm điện tim ngay, thấy rõ có phản ứng nhồi máu cơ tim. Các bác sĩ tiêm thuốc cho Bác.
Ngày 28-8, tim Bác bắt đầu loạn nhịp. Trong những ngày đêm căng thẳng ấy, các đồng chí trong Bộ Chính trị luôn túc trực bên Bác.
Chiều 30-8, Bác nhắc đồng chí Phạm Văn Đồng “Các chú nhớ bắn pháo hoa để mừng chiến thắng”.
Ngày 31-8, các đồng chí phục vụ nấu cho Bác một tô cháo thật ngon, Bác ăn được một tí, ai cũng mừng.
Nghe tin bộ đội tên lửa Hà Nội bắn rơi máy bay không người lái của Mỹ ngày 30-8, nên tối hôm đó (31-8) Bác bảo Văn phòng gửi tặng lẵng hoa, đó là lẵng hoa cuối cùng của Bác mà các chiến sĩ tên lửa Sư đoàn 361 được nhận.
9 giờ 47 phút ngày 2-9, trái tim Bác ngừng đập. Cho đến những giây phút cuối cùng ấy, đồng bào cả nước vẫn mãi mãi đọng trong trái tim yêu thương của Người.
48 năm, xa vắng bóng Người
Lòng dân nhớ lắm Bác Hồ ơi!
Nỗi đau vắng Bác càng sâu ngấm.
Trên mỗi bước đi, mỗi cuộc đời.
(Theo sách: Giữ yên giấc ngủ của Người, NXB.QĐND, Hà Nội, năm 2004)
Lê Văn Hiếu/sggp