(GLO)- Trong thời buổi kinh tế suy thoái, những lao động phổ thông giữ được việc làm đã khó, chuyện có thu nhập cao lại càng khó hơn. Nhưng chuyện vừa có việc làm, vừa có thu nhập cao đối với những thanh niên dân tộc thiểu số ở tỉnh ta đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại Malaysia lại là thực tế. Sau 3 năm hết hạn hợp đồng lao động, họ trở về với gia đình, chúng tôi được dịp nghe họ kể chuyện làm công nhân ở Malaysia.
Lương cao, môi trường làm việc tốt
“Lâu nay lao động làm việc ở xứ người tôi nghe cũng có không ít chuyện này chuyện kia nhưng đối với tôi lần đầu tiên đi xuất khẩu lao động ở Malaysia thì đây là dịp tốt, vì gặp được công ty có việc làm ổn định”-Siu Valy, sinh năm 1989, làng Bui, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah, tâm sự. Bởi vậy, khi hết hạn hợp đồng lao động, Siu Valy và Rơ Châm H’Lưới, cùng ở xã Nghĩa Hưng đã được Công ty tiếp tục gia hạn ký hợp đồng thêm 3 năm. Hai em còn được công ty cho nghỉ phép một tháng về thăm gia đình và được tặng mỗi người một cặp vé máy bay khứ hồi.
Lãnh đạo Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh trò chuyện với Siu Valy và Rơ Châm H’Lưới. Ảnh: Đ.Y |
Những ngày này Siu Valy và Rơ Châm H’Lưới đang chuẩn bị tiếp tục sang Malaysia làm việc, làm công nhân cho một doanh nghiệp chuyên sản xuất đồ gia dụng xuất khẩu ở một tỉnh lẻ cách thủ đô Kuala Lumpur gần 500 cây số. Theo hai em, môi trường làm việc ở đây tốt: ngày làm 8 tiếng, làm việc trong phòng máy lạnh, nếu làm thêm giờ thì được trả công cao gấp đôi so với giờ hành chính.
Có tháng làm thêm nhiều, thu nhập gần 10 triệu đồng, còn trung bình 8-9 triệu đồng/người/tháng. Công nhân làm ca ngày được công ty hỗ trợ ăn trưa, còn làm ca đêm thì được hỗ trợ tiền ăn là 30.000 đồng/người/ca. Công nhân được ăn đầy đủ chất dinh dưỡng. Chỗ ở miễn phí, cứ 12 người ở trong một khu nhà khép kín, mỗi nhà có 3 phòng, mỗi phòng ở 4 người có đầy đủ tiện nghi. Giá cả ở Malaysia khá rẻ, rẻ nhất là thịt heo.
Hàng ngày đi làm có xe ô tô công ty đưa đón, chỉ mất 5 phút từ chỗ ở đến nơi làm việc. Đối với lao động phổ thông, trình độ tay nghề chưa có, với mức thu nhập như vậy nếu biết dành dụm mỗi tháng cũng để ra được 7-8 triệu đồng. Và cái được lớn hơn từ việc đi XKLĐ là không chỉ về thu nhập mà còn giúp người lao động thay đổi được nếp nghĩ, cách làm.
Giúp gia đình thoát nghèo
Ngồi trong căn nhà khang trang vừa mới xây hơn nửa tỷ đồng, ông Siu Hyuk vui vẻ nói: Để xây được căn nhà khang trang này, phần lớn là nhờ Siu Valy đi XKLĐ cả đấy! Không có nó hàng tháng gửi tiền về thì gia đình chúng tôi không biết khi nào mới có căn nhà đàng hoàng để ở.
Ảnh: Đinh Yến |
Gia đình ông Siu Hyuk sống chủ yếu bằng nghề nông. Cả gia đình trông chờ vào 2 ha cà phê kinh doanh. Nếu không có tiền hàng tháng Siu Valy gửi về, để có tiền mua phân bón cho cà phê, gia đình ông đã phải bán cà phê non hay vay tiền ngân hàng. Cà phê được chăm sóc đúng thời vụ, đủ phân, năng suất tăng cao, vì thế, chỉ cần dành dụm 2 năm là gia đình ông xây được nhà.
Gia đình bà Hlắc, còn vui hơn khi cách đây 3 năm, con gái bà-Rơ Châm H’Lưới (sinh năm 1990) được Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh tư vấn đi XKLĐ ở Malaysia. Lưới kể: Mấy hôm nay được công ty bên đó cho nghỉ phép một tháng về thăm nhà, ngày nào bà con họ hàng cũng đến hỏi thăm. Nếu em không quyết định đi XKLĐ thì bây giờ mẹ em vẫn khổ. Nhà có 2 anh em, anh trai đã lấy vợ, mẹ em thì già rồi, nên em luôn cố gắng lao động chăm chỉ để có tiền gửi về cho mẹ. Từ số tiền em gửi về, mẹ đã đầu tư vào vườn cà phê, mua phân bón cho ruộng lúa. Nhờ thế mà gia đình em bây giờ không còn nghèo nữa.
Ảnh: Đinh Yến |
Ông Lê Hạnh- Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, cho biết: Gia Lai là một tỉnh miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 45% dân số toàn tỉnh. Do vậy, trong những năm qua, Trung tâm đặc biệt quan tâm đến công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, tuyên truyền chính sách hỗ trợ của tỉnh về học giáo dục định hướng, học tiếng cho người lao động trước khi đi XKLĐ; giúp người lao động vay vốn ngân hàng để có tiền chi phí trước khi đi XKLĐ.
Nhờ vậy, mỗi năm toàn tỉnh đưa được khoảng 700-800 lao động đi XKLĐ, trong đó thanh niên dân tộc thiếu số chiếm 20-30%. Hơn nữa, Trung tâm còn có hơn 200 cộng tác viên XKLĐ ở tất cả các xã trên địa bàn tỉnh để tư vấn, giới thiệu cho người lao động khi có nhu cầu đi XKLĐ. Nhờ vậy, trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh không có hiện tượng “cò” lao động. Việc làm này đã tạo động lực cho lao động dân tộc thiểu số đi XKLĐ, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững ở nông thôn.
Đinh Yến