Nhiều bất cập sau sáp nhập trường học

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 25-10-2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24-1-2018 về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-TW, nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai tiến hành sáp nhập các trường học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai thực hiện đã nảy sinh nhiều hạn chế, bất cập.

Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Lơ Ku (huyện Kbang) được thành lập tháng 9-2018 trên cơ sở sáp nhập Trường Tiểu học Lơ Ku và Trường THCS Lơ Ku. Qua 5 năm hoạt động, nhà trường dần đi vào quy củ và đạt nhiều kết quả khả quan. Thế nhưng, vẫn còn đó nhiều tồn tại, hạn chế ảnh hưởng không nhỏ đến việc dạy và học ở trường.

Thầy Nguyễn Văn Thành-Hiệu trưởng nhà trường-chia sẻ: “Hồi mới sáp nhập, nhà trường thiếu phòng học, các em học sinh 2 bậc học phải chung một dãy nhà. Trong khi học sinh bậc THCS học 1 tiết với thời gian 45 phút rồi nghỉ giải lao 5 phút, thì các em tiểu học lại học từ 7 giờ đến 9 giờ mới ra chơi. Vì vậy, mỗi lần trống báo hiệu đổi tiết hoặc ra chơi là học sinh cả hai bậc nhao nhao, ảnh hưởng đến việc dạy và học. Chúng tôi chia làm 2 khu vực nhưng cách nhau có mấy bước chân nên trống bên kia đánh, bên này cũng nghe rõ và ngược lại".

Cũng theo thầy Thành, giáo viên cũng vất vả hơn do phải đưa đón học sinh đến trường. Nguyên nhân là sau khi sáp nhập thì không dạy ở điểm trường nữa mà tập trung về trường chính học bán trú. 96% học sinh của trường là người dân tộc thiểu số, đầu tuần, giáo viên phải đảm nhiệm việc chở các em đến trường và cuối tuần chở về gia đình. Điều này cũng ảnh hưởng đến việc duy trì sĩ số học sinh. Ngoài ra, nhà trường có 2 phó hiệu trưởng nhưng chuyên môn thuộc bậc tiểu học nên công tác điều hành, quản lý cũng có những điểm bất cập.

Trường TH và THCS Lơ Ku còn nhiều bất cập sau sáp nhập. Ảnh: Nguyễn Tú

Trường TH và THCS Lơ Ku còn nhiều bất cập sau sáp nhập. Ảnh: Nguyễn Tú

Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Đak Rong (huyện Kbang) cũng gặp phải những bất cập sau sáp nhập. “Trường có 2 bậc học, chúng tôi phải sắp xếp lịch để giáo viên các môn như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục… luân phiên dạy ở cả 2 bậc cho đủ số tiết theo quy định. Một trong những điểm bất hợp lý nhất ở trường là theo quy định 1 nhân viên cấp dưỡng phục vụ 35 học sinh, nhưng hiện nay nhà trường có hơn 500 học sinh mà chỉ có 5 nhân viên cấp dưỡng”-Hiệu trưởng Nguyễn Việt Quốc cho hay.

Theo ông Lê Thanh Hải-Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Kbang: Trong giai đoạn 2018-2021, địa phương đã sáp nhập 12 trường tiểu học, THCS thành trường Tiểu học và THCS. Sau sáp nhập đã phát sinh nhiều điểm hạn chế, bất cập. Điều bất hợp lý nhất mà chúng tôi đã kiến nghị tháo gỡ nhiều lần đó là việc xếp hạng trường. Thực tế tại địa phương cho thấy, sau khi sáp nhập, các trường đều trên 19 lớp nhưng thứ hạng xếp chưa đúng thực chất bởi quy định xếp hạng trường dựa theo số lớp học của bậc THCS. Ví dụ như Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Sơ Pai có trên 19 lớp nhưng bậc THCS chỉ có 10 lớp nên xếp hạng 2, chứ không phải hạng 1. Việc này ảnh hưởng tới chế độ, chính sách của giáo viên.

Nhiều trường học trong tỉnh hoạt động chưa thực sự hiệu quả sau khi sáp nhập. Ảnh: Nguyễn Tú

Nhiều trường học trong tỉnh hoạt động chưa thực sự hiệu quả sau khi sáp nhập. Ảnh: Nguyễn Tú

Tương tự, ngành GD-ĐT TP. Pleiku cũng đang gặp không ít bất cập, vướng mắc sau khi sáp nhập 10 trường học với nhau. Ông Nguyễn Đình Thức-Trưởng phòng GD-ĐT thành phố-cho biết: “Sáp nhập như hiện nay chỉ mang tính cơ học. Lý do là cơ sở vật chất chưa đảm bảo để chuyển học sinh về học chung một trường. Còn nếu đủ cơ sở vật chất để chuyển về học chung thì lãng phí vì 1 trường bỏ không. Thêm nữa là địa bàn dân cư xa, nếu chuyển học sinh về chung một nơi sẽ khó khăn đối với việc tới trường của các em. Từ thực tế, chúng tôi nhận thấy, công tác điều hành, quản lý của các trường tiểu học và THCS sau sáp nhập có điều đáng ngại”.

Ông Thức cho biết thêm, hiệu trưởng các trường này thường là bậc THCS nên việc chỉ đạo, điều hành bậc tiểu học còn hạn chế do không đúng chuyên môn. Phòng GD-ĐT thành phố cũng đang kiến nghị xem xét lại quy định xếp hạng trường như hiện nay; không nên áp hình thức số lượng lớp của bậc học cao hơn để xếp hạng.

Có thể bạn quan tâm

Hạnh phúc nghề giáo

Nghề cao quý

(GLO)- Đôn-ki-xtôi có câu: “Dưới ánh hào quang của ánh sáng mặt trời, không có nghề nào cao quý bằng nghề dạy học”. Hàng năm, khi tháng 11 về với nhiều hoạt động sôi nổi chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam, những người “lái đò thầm lặng” lại cảm thấy lâng lâng niềm hạnh phúc.

Dù đã về hưu nhưng bà Siu H’Prưng vẫn lưu giữ bằng khen do Bộ trưởng Bộ Giáo dục tặng như một kỷ vật trong quãng đời làm nhà giáo. Ảnh: Vũ Chi

Nhà giáo về hưu: Vẫn một tình yêu da diết với nghề

(GLO)- Dù đã về hưu nhưng tình cảm với trường lớp, với học trò vẫn mãi trong tim các thầy, cô giáo. Lắng nghe chuyện nghề của các nhà giáo đã về hưu tại thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) giúp ta hiểu thêm về những hy sinh thầm lặng của các thầy cô với sự nghiệp “trồng người”.