Chào nhà thơ Văn Lê! Nhân dịp được nghe anh nói chuyện tại Cung Văn hóa Lao động TP. Hồ Chí Minh với đề tài hấp dẫn “Người lính và thơ”, xin anh cho biết thêm quá trình vào lính và đã đến với thơ của anh?
Tôi có tên thật là Lê Chí Thụy, sinh năm 1949 tại Nam Định. Vào quân đội năm 1966 rồi đi B luôn, chiến đấu tại chiến trường Đông Nam Bộ (Cục Chính trị B2). Tôi đã tham gia chiến dịch Xuân Mậu Thân- 1968 và chiến dịch mùa Xuân 1975. Tôi lấy bút danh Văn Lê từ tên một đồng đội của tôi đã hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân, anh ấy có tên là Văn ghép với họ tôi thành Văn-Lê.
Từ cuộc sống của người lính, chiến trường đã đưa tôi đến với thơ. Tôi luôn đau đáu với sự sống còn của dân tộc, những đau thương mất mát, những hoài bão của người thanh niên. Những diệu kỳ đâu đó của chiến tranh đã cho tôi nhiều ấn tượng cuộc đời của lính như: Trong chiến dịch Xuân Mậu Thân (1968), tiểu đoàn tôi hy sinh gần hết, trong số người bị thương có một nữ sinh viên giao liên, được anh em đưa về phía sau, nhưng khi tôi quay lại thì cô ấy đã hy sinh. Tôi vuốt mặt và khâm liệm thì có máu trong miệng chảy ra- có lẽ vì tôi không cứu kịp cô ấy. Hình ảnh ấy đeo đẳng suốt đời tôi. Có đôi khi quân ta và địch đóng hai bên một dòng suối: Bên này quăng lương khô qua, bên kia ném thuốc lá lại. Vậy mà khi có lệnh lại bắn vào nhau...
Nhà thơ Văn Lê (bên trái). Ảnh: T.X |
Bài thơ đầu tiên tôi viết năm 1969 được đăng báo Văn nghệ Quân Giải phóng, sau là Văn nghệ Giải phóng do Giang Nam làm Tổng Biên tập. Trong quá trình sáng tác, tôi đã có 30 cuốn sách, trong đó có 5 tập thơ, còn lại là tiểu thuyết (một cuốn được dịch ra tiếng Hàn Quốc) với các tác phẩm: “Một miền đất những con người”- được trao giải nhất Báo Văn Nghệ, “Nếu anh còn sống” được giải thưởng Bộ Quốc phòng sau dịch ra tiếng Hàn năm 2002. Với tập thơ “Phải lòng” năm 1995 tôi được trao giải A- Hội Nhà văn Việt Nam, “Những cánh đồng dưới lửa” được giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng năm 2000, “Mùa hè giá buốt” tiểu thuyết được giải B- không có giải A, 5 năm một lần. Năm 1989 tôi chuyển sang làm đạo diễn phim và đã đạt được các giải thưởng: Có 4 lần đạt giải kịch bản phim tài liệu xuất sắc nhất, 1 giải thưởng Sen Vàng, 5 giải thưởng Sen Bạc, 1 giải thưởng quốc tế, 1 giải thưởng Ngân Hà (Galaxy), 1 giải thưởng của Đài Truyền hình Nhật Bản, 1 giải kịch bản phim xuất sắc nhất- Long Thành Cầm giả ca- ra mắt nhân dịp 1000 năm Thăng Long- Hà Nội do đạo diễn Đào Bá Sơn thực hiện.
Anh có cảm nghĩ gì về vị trí của văn học nước nhà trong thời kỳ đổi mới và hội nhập?
Bất cứ lúc nào văn học cũng có vị trí quan trọng trong xã hội. Nó được xã hội quan tâm đúng mức. Văn học phát triển theo lịch sử dân tộc, nó khẳng định nền văn hóa dân tộc, bảo vệ truyền thống và bản sắc, bên cạnh đó có tiếp thu cái tiên tiến của nhân loại. Hơn bao giờ hết, trong thời kỳ hội nhập này, càng vào sâu trong hội nhập càng phải đề cao văn học để nó bảo vệ và phát triển văn hóa dân tộc. Văn học phải quan tâm đến sự tồn vong của dân tộc, văn học quan tâm thân phận con người, phẩm giá con người, khẳng định mình trong cuộc sống.
Cảm xúc của anh lúc Xuân về?
Tôi vẫn làm những việc hướng về tổ tiên, chúc tụng bạn bè; dành thời gian cho đồng đội, tưởng nhớ những người đã hy sinh.
Xin cảm ơn anh!
Xuân Trường (thực hiện)