Nguyễn Văn Hậu-Chủ trang trại ngựa bạch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sinh năm 1989, chàng trai Nguyễn Văn Hậu là một gương khởi nghiệp khá thành công ở phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa khi làm chủ một trang trại nuôi bò, dê, heo rừng lai và đặc biệt là ngựa bạch.

Gian nan khởi nghiệp

Trong một lần công tác tại thị xã Ayun Pa, tôi vô cùng tò mò khi được anh Nguyễn Chí Cường-Bí thư Thị Đoàn Ayun Pa-giới thiệu về một trang trại nuôi ngựa bạch lớn nhất khu vực miền Trung-Tây Nguyên của một chàng trai trẻ năm nay mới gần 30 tuổi.

 

Anh Hậu đang chăm sóc đàn ngựa. Ảnh: Đ.T
Anh Hậu đang chăm sóc đàn ngựa. Ảnh: Đ.T

Tôi liền đến tham quan trang trại và tìm gặp ông chủ trẻ. Nguyễn Văn Hậu vui vẻ chuyện trò, kể lại câu chuyện khởi nghiệp lắm gian nan. Hậu cho biết, sau khi tốt nghiệp THPT, anh không có điều kiện vào đại học như bạn bè đồng lứa vì cha mẹ già yếu và đau bệnh. Lúc ấy gia đình Hậu có mua được 1,3 ha đất ở xã Biển Hồ (TP. Pleiku) nên Hậu bèn khăn gói lên Pleiku làm cà phê. Sau 4 năm, Hậu về lại Ayun Pa nuôi bò, dê… Tuy nhiên, do không nắm bắt được kỹ thuật nuôi nên đàn bò, dê của Hậu liên tục bị bệnh. Có hôm sáng ra đã thấy 2 con bò trị giá hơn 40 triệu đồng lăn quay ra chết. Nhận thấy mô hình chăn nuôi không hiệu quả, Hậu quyết định chuyển nghề đi… buôn trái cây. Hậu lặn lội vào tận miền Tây mua trái cây ra Cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) để bán cho thương lái Trung Quốc. Nhưng cũng chỉ được vài tháng lại thôi, chỉ vì một lý do là các thương lái Trung Quốc yêu cầu dùng các hóa chất độc hại để giữ cho trái cây tươi lâu. “Làm như vậy là ảnh hưởng đến sức khỏe con người nên mình đành nghỉ mặc dù lợi nhuận từ buôn bán trái cây rất cao”-Hậu tâm sự.

Về Ayun Pa, Hậu lại trăn trở với câu hỏi phải làm gì để có thu nhập ổn định. Sau nhiều lần lên mạng internet tìm hiểu và thấy ở phía Bắc nhiều hộ làm giàu từ ngựa bạch, chàng trai trẻ quyết định khăn gói ra Bắc để học hỏi mô hình này. Anh ra Hà Nội, vào Viện Chăn nuôi tìm hiểu về giống ngựa này rồi lên tận Thái Nguyên tham quan mô hình, tìm hiểu cách chăm sóc ngựa bạch. Thấy giống ngựa này phù với với khí hậu Tây Nguyên và có khả năng sinh trưởng tốt, Hậu về nhà vay mượn tiền của anh chị em trong nhà và vay thêm ngân hàng để xây chuồng trại.

Nuôi ngựa bạch-mô hình mới

Sau khi hoàn thành việc xây chuồng trại, Hậu lại ra Bắc để tìm mua giống. Được các cán bộ ở Viện Chăn nuôi tận tình hướng dẫn, Hậu đã mua 8 con ngựa bạch gồm: 1 con đực giống Tây Tạng, 2 con cái Tây Tạng, 3 con cái giống Việt Nam và 2 con ngựa con 4 tháng tuổi; cả 8 con ngựa có giá gần 600 triệu đồng, trong đó đắt nhất là con ngựa đực giống (150 triệu đồng). Theo Hậu, ngựa bạch trưởng thành rất có giá, thường được dùng nấu cao bởi cao ngựa bạch giúp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh về xương khớp như viêm khớp dạng thấp, thấp khớp, thoái hóa xương khớp, thoát vị đĩa đệm. “Trong xương ngựa chứa cực kỳ nhiều canxi, protein, axit amin, keratin… Đây chính là lý do mà từ xưa tới nay rất nhiều người nhờ cao ngựa bạch đã thành công trong việc điều trị các bệnh do thiếu canxi, loãng xương, thoái hóa xương khớp, viêm khớp, đau nhức khớp...”-Hậu cho biết.

 

Kinh nghiệm khởi nghiệp của NGUYỄN VĂN HẬU

- Chấp nhận thất bại để tích lũy kinh nghiệm.

- Tìm hướng đi ở những mô hình mới.

- Không ngừng đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.

Sau khi mua ngựa về, Hậu đã dành nhiều thời gian tìm hiểu cách chăm sóc và thường xuyên gần gũi đàn ngựa xem có diễn biến gì khác thường do thay đổi về khí hậu và môi trường. Đến nay sau 1 năm chăm sóc, đàn ngựa của Hậu phát triển tốt, các con ngựa cái đã đẻ thêm 3 con ngựa con. Theo Hậu, giống ngựa này ít bệnh tật, không mất nhiều công chăm sóc do nguồn thức ăn dồi dào (cám gạo, bắp, riêng cỏ có thể trồng ở vườn nhà); quy trình chăn nuôi đơn giản mà lại cho thu nhập cao. Hơn nữa, hiện trên thị trường cung không đủ cầu nên việc đầu tư nuôi ngựa bạch là hợp lý.

Theo tính toán của Hậu, ngựa cái đẻ mỗi năm một lứa, giá thị trường hiện nay của một con ngựa con khoảng 1 tháng tuổi có giá 25 triệu đồng, sau một năm thì có giá 40 triệu đồng, khoảng 1,5-2 năm sẽ tầm 55 triệu đồng. Thấy mô hình có hiệu quả, nhiều người đã đến trang trại của Hậu mua ngựa để về gây giống nhưng Hậu chưa  bán vì muốn nhân số lượng đàn ngựa lên nhiều hơn, sau đó mới bán cho nhân dân trong vùng cùng nuôi. Trước mắt, Hậu đang tận dụng các chú ngựa để làm dịch vụ cho thuê rước dâu đám cưới, hay chụp hình làm du lịch. Bên cạnh nuôi ngựa, Hậu cũng đã đầu tư nuôi 16 con bò, 25 con dê và một đàn heo rừng lai. Hiện nay trang trại của anh đang giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 thanh niên địa phương.

Không dừng lại ở đó, Hậu còn có một dự định khác. “Mình đã nghiên cứu và vào TP. Hồ Chí Minh đặt làm một thiết bị tưới rau sạch, hy vọng rằng trong tương không xa Ayun Pa sẽ có nguồn rau sạch mang thương hiệu Nguyễn Gia”-Hậu phấn khởi chia sẻ.

Hà Đức Thành

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Từ những thực vật hoang dại, nhưng với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, nhiều startup đã cho ra đời những sản phẩm bất ngờ. Không chỉ nâng tầm giá trị tài nguyên sẵn có, họ còn tạo cơ hội đưa sản phẩm vươn xa.

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.