Người truyền cảm hứng cho đồng bào Bahnar làm du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Với mong muốn gìn giữ bản sắc văn hóa, quảng bá đến bạn bè trong và ngoài nước về nét đẹp riêng của người Bahnar tại Tây Nguyên, anh Đinh A Ngưi đã không ngừng học tập, trau dồi kiến thức, truyền cảm hứng làm du lịch đến với đồng bào phía Đông tỉnh Gia Lai.

Anh Đinh A Ngưi.
Anh Đinh A Ngưi.


Anh Đinh A Ngưi, 37 tuổi, người Bahnar, sinh ra và lớn lên tại làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang (Gia Lai). Anh hiện là cán bộ Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Kbang.

Với bản tính nhiệt tình, chân chất của người con Bahnar, anh được cấp trên tin tưởng giao tham gia tổ chức lễ hội văn hóa địa phương. Từ đó, anh được tiếp xúc với nhiều du khách trong, ngoài nước, mong muốn hiểu hơn về con người Tây Nguyên. Thấy được thế mạnh địa phương, hiểu rõ giá trị văn hóa bản địa, anh A Ngưi càng quyết tâm mang nét đẹp văn hóa người Bahnar hòa nhập với văn hóa thế giới.

Đầu năm 2019, anh Đinh A Ngưi mạnh dạn vay vốn xây dựng homestay với 4 phòng ngủ và một phòng sinh hoạt cộng đồng để thu hút khách du lịch đến với địa phương. Sau gần 1 năm hoạt động, khu du lịch của A Ngưi đã thu hút gần 2.000 lượt khách trong và ngoài nước tham quan.


 

Đội cồng chiêng của homestay A Ngưi phục vụ du khách.
Đội cồng chiêng của homestay A Ngưi phục vụ du khách.



Anh Đinh A Ngưi chia sẻ: Để hoàn thành khu homestay này, anh phải đi khắp nơi tìm nguồn cảm hứng, học hỏi, nhìn cách người ta làm du lịch như thế nào để vừa quảng bá được hình ảnh dân tộc mình vừa gìn giữ, phát triển văn hóa lâu đời mà cha ông để lại. Khi làm khu homestay này, anh mong muốn mang đến nguồn lợi kinh tế cho đồng bào, tạo môi trường giao lưu các nền văn hóa, góp phần phát triển địa phương.

Khởi nghiệp nhiều gian nan nhưng với quyết tâm vì cộng đồng, anh A Ngưi đã được đồng bào trong làng ủng hộ. Trước khi xây dựng homestay, anh A Ngưi nhờ nghệ nhân trong làng mở lớp dạy cồng chiêng, múa xoang và các loại nhạc cụ truyền thống cho lớp trẻ. Anh còn mở lớp dạy cách làm cơm lam, gà nướng, món ăn truyền thống sao cho hợp vệ sinh, phục vụ du khách. Sau đó, A Ngưi chọn ra đội cồng chiêng thanh niên, cồng chiêng nhí, đội múa xoang, đội nấu ăn, đội phục vụ… Ngoài ra, anh còn vận động những gia đình có truyền thống đan lát, dệt thổ cẩm, làm rượu cần, nuôi lợn, gà tập trung giữ nghề để phục vụ khách du lịch khi họ có nhu cầu.

Ngoài việc cơ quan, anh A Ngưi tận dụng thời gian rảnh để cùng nhân dân dựng nhà, kéo cột làm cây nêu…


 

Ẩm thực phục vụ du khách của homestay A Ngưi được du khách rất ưa thích.
Ẩm thực phục vụ du khách của homestay A Ngưi được du khách rất ưa thích.



Già làng Kgiang Đinh B’lich cho biết: A Ngưi là thanh niên gương mẫu của làng. Nhờ A Ngưi, người dân địa phương biết làm du lịch vừa có kinh tế vừa gìn giữ được văn hóa của người Bahnar.

Anh Đinh A Ngưi đang tiếp nhận Dự án “Bếp Tây Nguyên” nói về ẩm thực người Bahnar trong khuôn khổ quảng bá dịch vụ du lịch cộng đồng Tây Nguyên do Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Gia Lai triển khai. Ngoài ra, anh còn kết nối với Trung tâm Đào tạo du lịch tỉnh Kon Tum đưa học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Kbang đi đào tạo ngành Du lịch để sau này quay trở về phục vụ, phát triển du lịch địa phương. Các chương trình đào tạo này đều được hỗ trợ kinh phí 100%.

Hiện nay, làng Kgiang có 140 hộ dân, tất cả đều tham gia làm du lịch cùng anh A Ngưi. Trong đó, 50 nghệ nhân nam, nữ đánh cồng chiêng, 15 nghệ nhân chuyên độc tấu chiêng, 10 nhóm chuyên diễn tấu các loại nhạc cụ dân tộc, 30 người chuyên nấu ăn... Ngoài ra, nhiều hộ nuôi lợn, gà, trồng rau phục vụ homestay của anh A Ngưi. Anh A Ngưi còn đào tạo nhiều thanh niên dẫn các tour du lịch sinh thái như: Chơi thác K50, đi lấy mật ong rừng, bắt cá suối…


 

Phụ nữ dân tộc Bahnar dệt thổ cẩm để phục vụ du lịch.
Phụ nữ dân tộc Bahnar dệt thổ cẩm để phục vụ du lịch.



Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Dũn cho biết: Kbang được chọn là huyện điểm trong công tác phát triển du lịch của tỉnh. Anh Đinh A Ngưi được xem như là một nhân tố điển hình trong việc phát triển du lịch cộng đồng nơi đây. Mô hình homestay của A Ngưi ngày càng phát triển và đã được nhân rộng ra nhiều hộ trong làng.

Chính quyền địa phương đánh giá cao sự đóng góp của A Ngưi và nhân dân trong việc phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Kbang. Ngoài tạo việc làm cho người dân địa phương, homestay của Đinh A Ngưi còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa người Bahnar trên địa bàn. Mô hình này đang được nhiều nơi đến tham quan học hỏi, nhân rộng.

Theo Hồng Điệp (TTXVN)

Có thể bạn quan tâm

Khám phá Ngọa Long Sơn

Khám phá Ngọa Long Sơn

(GLO)- Ngọa Long Sơn là một khu nhà vườn nghỉ dưỡng đẹp gần núi Hàm Rồng, trong một thung lũng đẹp, bao bọc bởi núi đồi và ruộng bậc thang, khí hậu trong lành, mát mẻ, thuộc địa bàn xã Gào, cách trung tâm TP. Pleiku khoảng 11 km về phía Nam.

Xây dựng Bích Đầm thành điểm du lịch cộng đồng tại vịnh Nha Trang

Xây dựng Bích Đầm thành điểm du lịch cộng đồng tại vịnh Nha Trang

Ngày 3/1, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa phối hợp các đơn vị tổ chức hội nghị tổng kết Dự án thúc đẩy đối thoại, hợp tác giữa cộng đồng và khối tư nhân với cơ quan nhà nước trong bảo tồn rạn san hô và phát triển bền vững khu vực biển Hòn Mun, vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.