Ấn tượng Ngày hội cỏ hồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Diễn ra từ ngày 22 đến 24-11, Ngày hội cỏ hồng và Phiên chợ nông sản huyện Đak Đoa lần III đã thu hút hàng ngàn lượt người đến tham quan, vui chơi. Sức hút từ thiên nhiên hữu tình cùng không gian ngày hội mang đậm sắc màu văn hóa của địa phương đã khắc họa hình ảnh huyện Đak Đoa (Gia Lai) đẹp hơn trong lòng du khách gần xa.
Sắc màu địa phương
Trong buổi sáng diễn ra lễ khai hội, tuyến đường dẫn đến đồi thông Glar (xã Glar) tấp nập xe cộ. Du khách khắp nơi đổ về tham quan, mua sắm, vui chơi trên thảm cỏ màu hồng tím trải dài dưới rừng thông xanh mát. Các đơn vị, doanh nghiệp tham gia giới thiệu, bày bán sản phẩm đã chăm chút bày biện, trang trí gian hàng sao cho thật đẹp mắt, hấp dẫn. Nghệ nhân đan lát, làm cối của xã Ia Pết; thổ cẩm của Glar; mỹ nghệ tre của xã Hà Bầu... cũng trưng bày sản phẩm, thu hút du khách đến tham quan tìm hiểu. Các đoàn nghệ nhân cồng chiêng đến từ các địa phương sẵn sàng trong trang phục truyền thống, đợi đến giờ tấu lên những bài chiêng rộn ràng chào mừng ngày hội. Đây chính là cơ hội để huyện Đak Đoa giới thiệu các sản vật địa phương cũng như những nét văn hóa đặc sắc nhất đến với du khách gần xa.
   Các nghệ nhân biểu diễn tại ngày hội. Ảnh: P.L
Các nghệ nhân biểu diễn tại ngày hội. Ảnh: P.L
Năm nay, các mặt hàng tham gia tại phiên chợ nông sản khá đa dạng, phong phú như các loại trái cây sạch: cam, quýt, bưởi, ổi… đến sản phẩm cà phê, tiêu ngũ sắc, thịt bò khô, măng khô, măng ép… Gian hàng của xã Hải Yang góp mặt vào ngày hội với các sản phẩm đa dạng như son môi làm từ hạt macca, dầu sachi, các loại hạt macca, sachi sấy, măng khô… Bà Mai Thị Nhung-chủ gian hàng-chia sẻ: “Đây đều là các sản phẩm làm từ nguyên liệu sạch được trồng tại xã Hải Yang, rất tốt cho sức khỏe. Hy vọng qua ngày hội, các sản phẩm này sẽ được du khách biết đến nhiều hơn, có đầu ra ổn định hơn”.
Hợp tác xã Thổ cẩm Glar từ lâu đã nổi tiếng với những sản phẩm tinh xảo, đẹp mắt, đa dạng do chính các nữ nghệ nhân Bahnar trong các làng thực hiện. Hợp tác xã cũng là điểm dừng chân thú vị cho nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh muốn tìm hiểu văn hóa bản địa. Đưa các sản phẩm của hợp tác xã đến trưng bày, giới thiệu tại ngày hội, chị Mlênh chia sẻ: “Chúng tôi muốn giới thiệu đến du khách nhiều sản phẩm thổ cẩm nổi tiếng của xã Glar như: áo, váy, khăn choàng… Tất cả đều là những sản phẩm thủ công tỉ mỉ, hoa văn trang trí độc đáo. Mong mọi người biết đến và ủng hộ thổ cẩm của chúng tôi nhiều hơn”.
Với anh Tĩu (làng Bông, xã Hà Bầu) thì đây là lần đầu tiên anh tham dự ngày hội với vai trò là nghệ nhân giới thiệu sản phẩm. Được chú ý với các mô hình làm từ tre như: guồng nước, người giã gạo, xay bột… có thể hoạt động khi cắm điện, anh Tĩu nói: “Mình muốn mọi người biết cây tre gắn bó với đời sống của người dân tộc thiểu số như thế nào. Nó rất thông dụng, có thể làm được nhiều đồ dùng hữu ích. Mình bán với giá 200.000-800.000 đồng/bộ sản phẩm tùy theo kích thước và chi tiết”.
Khai thác thế mạnh
Một phần nội dung khác cũng rất hấp dẫn tại ngày hội là phần thi văn hóa, thể thao các dân tộc thiểu số như: cồng chiêng, tạc tượng, đan lát, chạy cà kheo, đẩy gậy, kéo co... Dù đang vào ngày mùa nhưng nghệ nhân, vận động viên từ các địa phương vẫn tranh thủ sắp xếp tham gia. Dưới bóng thông xanh, vừa tỉ mẩn khắc đục tượng gỗ dân gian, già Khưnh (xã Đak Sơ Mei) vừa cho hay: “Tôi vẫn hay đi tạc tượng lắm. Tôi vừa tạc 4 bức tượng để trưng bày tại Khu lưu niệm Anh hùng Wừu. Đến đây thi cùng với mọi người vừa vui vừa có thêm kinh nghiệm”.
3Du khách thích thú tham quan gian hàng mĩ nghệ tre của xã Hà Bầu-ảnh PL
Du khách thích thú tham quan gian hàng mỹ nghệ tre của xã Hà Bầu. Ảnh: P.L
Cứ thế trong 3 ngày hội, du khách đến tham quan đồi cỏ hồng được đắm chìm trong tiếng cồng chiêng rộn rã, trải nghiệm văn hóa truyền thống cũng như thưởng thức, mua sắm các sản vật địa phương. Đưa nhóm bạn phương xa đến tham quan, bà Lê Thị Nga (TP. Pleiku) vui vẻ cho biết: “Mùa cỏ hồng năm nào tôi cũng về đây để chụp ảnh, thăm thú thiên nhiên. 2 năm gần đây địa phương tổ chức Ngày hội cỏ hồng tạo cho không gian thêm sức hấp dẫn. Tôi đưa bạn về đây giới thiệu, ai cũng háo hức và thích thú”.
Qua 3 lần tổ chức, Ngày hội cỏ hồng đã trở thành sự kiện văn hóa, du lịch nổi bật của huyện Đak Đoa. Cảnh sắc, văn hóa, con người Đak Đoa ngày càng được nhiều du khách gần xa biết đến. Ông Hoàng Nhưn-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa-cho biết: Huyện đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch và chính sách khuyến khích kêu gọi đầu tư một số hạng mục tại một vài điểm du lịch trên địa bàn. “Qua sự kiện này, chúng tôi hy vọng tiềm năng, lợi thế về thiên nhiên, lịch sử, văn hóa của Đak Đoa sẽ được quảng bá rộng rãi hơn, góp phần thu hút nhà đầu tư tham gia khai thác, mở ra hướng đi mới cho du lịch huyện nhà”-ông Nhưn tin tưởng.
PHƯƠNG LINH

Có thể bạn quan tâm