Người theo đuổi nghệ thuật truyền thần trên tranh sứ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với phương châm nghệ thuật ngoài vẻ đẹp phải bền bỉ theo thời gian, cùng mong muốn truyền lại những tác phẩm đặc sắc cho các thế hệ sau biết đến, nghệ nhân Bùi Văn Bến ở làng gốm Bát Tràng đã cho ra đời những bức tranh vẽ trên nền xương sứ bằng công nghệ mới mẻ và độc đáo.
Nghệ nhân Bùi Văn Bến say sưa vẽ tranh chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên nền sứ.

Nghệ nhân Bùi Văn Bến say sưa vẽ tranh chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên nền sứ.

Nghệ nhân Bùi Văn Bến, năm nay 38 tuổi, sinh ra và lớn lên ở vùng đất “hoa phượng đỏ” (Hải Phòng). Bởi sự bén duyên hết sức tình cờ, hiện tại anh đang gắn bó tâm huyết của mình với ngôi làng cổ Bát Tràng, nơi lưu giữ nét đẹp văn hóa của nghề gốm sứ, một nghề truyền thống của người Hà Nội.

Hành trình theo đuổi nghệ thuật

Hành trình theo đuổi nghệ thuật vẽ truyền thần trên tranh sứ của nghệ nhân Bùi Văn Bến qua những câu chuyện kể lại cũng có thể khiến người nghe đủ mường tượng ra một chặng đường đầy gian truân vất vả, nhiều lúc tưởng chừng không thể vượt qua.

Năm 18 tuổi, lần đầu tiên anh Bến theo bạn đến Bát Tràng tham quan và trải nghiệm nghề làm gốm. Ở độ tuổi rất trẻ, với năng khiếu bẩm sinh, dự định của anh Bến lúc đó là thi vào Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, định hướng sẵn cho bản thân một công việc, một nghề nghiệp ổn định.

Ngay từ lần trải nghiệm đầu tiên, một số nghệ nhân có tiếng trong làng đã nhìn ra ngay tài năng của chàng thanh niên tên Bến và ngỏ ý muốn hợp tác, truyền nghề làm gốm cho anh. Và anh Bến, ngay từ buổi đầu còn bỡ ngỡ, nhưng tình yêu và đam mê nghệ thuật làm gốm đã vượt lên tất cả, anh quyết định thay đổi, gác lại ước mơ thi vào Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội để ở lại ngôi làng làm một người thợ học việc, lựa chọn con đường tương lai cho riêng mình.

Mặc cho gia đình ngăn cản, anh Bến vẫn quyết chí học tập và làm việc với các nghệ nhân ở Bát Tràng, dù khởi đầu vô cùng khó khăn. “Sống xa quê, công việc vất vả, nhiều lúc thấy tủi thân, nhớ gia đình, muốn có một bữa cơm quây quần bên người thân nhưng không được, tôi lại ngồi vào một góc phòng, giấu đi những giọt nước mắt. Nhưng ngay sau đó, tôi lại nhanh chóng đứng dậy gạt nước mắt, với suy nghĩ đây là lựa chọn của bản thân, tôi phải quyết tâm thực hiện và đạt thành tựu, không thể khác được!”, anh Bến như một lần nữa tự nói với chính bản thân mình.

Quá trình tìm hiểu, nghiền ngẫm về nghệ thuật truyền thần trên nền tranh sứ, anh nhận ra một điều, nếu những tác phẩm hội họa bằng chất liệu giấy hay vải, tuổi thọ cao lắm cũng chỉ đến 5-7 năm là cùng, chưa kể khí hậu Việt Nam, nhất là khu vực phía bắc, thường bị nóng ẩm, mưa dầm, tranh giấy hoặc vải rất nhanh hư hỏng, xuống cấp. Vậy nên, nghệ nhân Bùi Văn Bến đã sáng tạo, mở rộng thêm về lĩnh vực tranh sứ truyền thần, để mỗi bức tranh có thể tồn tại gần như vĩnh cửu theo năm tháng.

Nhờ tài năng bẩm sinh về hội họa, anh đã miệt mài ngày đêm học hỏi, trau dồi tay nghề với các nghệ nhân bậc thầy trong làng. Chẳng mấy chốc, anh đã mau chóng trở thành người thợ chuyên vẽ truyền thần trên nền sứ, một nghề khá độc đáo ở Bát Tràng.

Đến nay, anh đã có 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Kỳ công khám phá về truyền thần, anh nhận thấy một bức vẽ đẹp phải làm sao truyền lại, lột tả được thần thái của nhân vật, từ ánh mắt đến nụ cười, thể hiện được xúc cảm qua sự tinh tường trong từng nét vẽ của người họa sĩ.

Tranh sứ ghép Bác Hồ ngồi làm việc của nghệ nhân Bùi Văn Bến có chiều cao 1,2m, chiều ngang rộng 2m.

Tranh sứ ghép Bác Hồ ngồi làm việc của nghệ nhân Bùi Văn Bến có chiều cao 1,2m, chiều ngang rộng 2m.

Nghệ nhân Bùi Văn Bến chia sẻ: “Mỗi năm, các trường đào tạo về mỹ thuật có thể đào tạo hơn 1.000 học sinh vẽ truyền thần nhưng phổ biến chỉ trên chất liệu vải và giấy, chủ yếu phác họa nền đen trắng, còn để hình thành một bức vẽ truyền thần trên nền tranh sứ, đòi hỏi người họa sĩ phải có kinh nghiệm lâu năm, dày dạn trong nghề. Một bức vẽ hoàn chỉnh, sau đó vẫn cần thử nghiệm nhiều lần trong quá trình phơi sấy, nung trong lò đặc chủng,… mới có thể tạo ra một tác phẩm đẹp, hoàn thiện”, anh Bến chia sẻ.

Ngoài thể hiện thần thái, cái hồn của nhân vật trong tranh, từng nét vẽ của nghệ nhân Bùi Văn Bến còn phải thật tỉ mỉ, khắc họa một cách tinh tế các chi tiết sao cho tác phẩm hiện lên chân thực và sống động nhất.

“Hồn” trong tranh sứ

Để sáng tạo tác phẩm, nghệ nhân Bùi Văn Bến phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng khâu nguyên liệu chính để làm sứ là đất sét và cao lanh, luyện đều nguyên liệu rồi đổ vào khuôn cho khô, sau đó mới lấy màu vẽ lên. Anh Bến cho biết: “Để tác phẩm có những đường nét hài hòa, tinh tế, tôi thường sử dụng loại màu kim loại nhập khẩu từ châu Âu, chủ yếu ở Anh và Đức. Tôi vẽ trực tiếp lên nền sứ, khi vẽ xong mới phun men lên tranh. Các tác phẩm tranh sứ được đặt vào một chiếc khay dày và nung liên tục khoảng 20 giờ trong lò điện ở nhiệt độ 1.200 độ C”.

Lò nung bằng điện trong xưởng sản xuất của nghệ nhân Bùi Văn Bến.

Lò nung bằng điện trong xưởng sản xuất của nghệ nhân Bùi Văn Bến.

Sau khi nung xong, tranh phải để nguội từ 2-3 ngày, còn nếu đóng gói giao cho khách hàng, phải đợi tới 10 ngày. Cốt nền của bức tranh bằng xương sứ, màu của tranh nổi dưới lớp men rất sinh động. Bức tranh trên nền xương sứ là tranh độc bản, hoàn toàn “miễn nhiễm” với nắng mưa, nhiệt độ, có thể đạt tới độ bền gần như vĩnh cửu.

Anh Bến cho biết, để tranh sứ đạt chất lượng tốt nhất, công đoạn pha màu và khả năng cảm nhận màu sắc có ý nghĩa hết sức quan trọng, phụ thuộc hoàn toàn vào tài năng của người họa sĩ. Bước phác thảo tranh trên nền sứ âm bản, nếu không kiểm soát và phối màu tốt, khi nung lên sản phẩm sẽ bị “biến màu” so ảnh gốc, không đạt yêu cầu đề ra. Anh Bến khi tiếp cận thể loại này đã phải mất rất nhiều thời gian luyện tập rất vất vả mới tìm được cách pha màu chuẩn.

Tôi vẽ trực tiếp lên nền sứ, khi vẽ xong mới phun men lên tranh. Cốt nền của bức tranh bằng xương sứ, màu nổi lên dưới lớp men rất sinh động. Bức tranh trên nền xương sứ là tranh độc bản, hoàn toàn “miễn nhiễm” với nắng mưa, nhiệt độ, có thể đạt tới độ bền gần như vĩnh cửu".

Nghệ nhân Bùi Văn Bến

Cứ mỗi bức hỏng, anh Bến kiên trì làm lại từ đầu từ bước luyện đất, đổ vào khuôn và cầm bút tỉ mẩn vẽ lại từng nét. Khó khăn, thử thách không hề khiến anh nản chí, ngược lại còn có tác dụng kích thích, cuốn hút anh tiếp tục mày mò, thử nghiệm những sáng tạo hết sức độc đáo cho các tác phẩm với gam màu mang nét riêng biệt, nhưng vẫn giữ được sự hài hòa và chân thực của các chi tiết.

Nghệ nhân Bùi Văn Bến thực hiện các tác phẩm theo rất nhiều trường phái: vẽ truyền thần, tranh sơn dầu, tranh phong cảnh,... lĩnh vực nào anh cũng dành sự tâm huyết, lao tâm khổ tứ để làm sao tác phẩm đến tay người nhận phải hoàn hảo ở mức cao nhất. Một bức tranh sứ cỡ nhỏ cũng mất khoảng 2-3 tuần mới vẽ xong, còn tranh to tốn nhiều công sức và thời gian của anh hơn, phải làm từ 2-3 tháng.

Để làm được các bức vẽ khổ lớn, anh Bến vẽ các chi tiết lên từng miếng sứ và ghép lại theo tỷ lệ mỗi bức là 1:10. Khi nung xong, mỗi tấm bị co lại khoảng 10%, nên công trình nào càng lớn, độ khó càng cao. Ghép những bức tranh nhỏ lại thành bức tranh tổng thể mà các đường cắt trên tranh không bị thô, không bị lệch chi tiết, anh Bến phải mài các cạnh của tranh cho thật mượt, sau đó phun màu lên, rồi mới hoàn thành một tác phẩm hoàn chỉnh. Có vậy bức tranh mới đẹp và sống động, khiến người xem mê mẩn!

Với đam mê cháy bỏng và lòng nhiệt huyết trong công việc, anh Bến được người trong làng tín nhiệm và đặt làm những bức tranh khổ lớn cho trường học, nhà văn hóa,… Tiếng lành đồn xa, nhiều khách hàng ở nơi khác cũng nghe giới thiệu, biết tiếng tăm của anh và tìm đến làng cổ Bát Tràng, nơi anh làm việc để đặt tranh.

Ông Nguyễn Văn Phú, một người dân ở huyện Mê Linh (Hà Nội) cho biết: “Trong quá trình thực hiện công trình nhà thờ của dòng họ tại quê hương, các cụ trong họ đã có ý tưởng làm một bức tranh tóm lược công tích của các cụ, sự phấn đấu vươn lên trong học tập, làm việc của cháu con. Tôi tìm đến Bát Tràng và rất tình cờ gặp anh Bến, nghệ nhân đã tái hiện được ý tưởng đó trên tranh vẽ hết sức xuất sắc”.

Chỉ sau khoảng 1 tuần, anh Bến đã phác thảo bức tranh trên giấy rất rõ nét và chi tiết, đúng theo ý các cụ trong dòng họ. Sau đó, bức tranh sứ khổ rộng của Bến làm đã được các con cháu trong dòng họ trang trọng gắn lên bức tường nhà thờ, đến nay sau hơn chục năm gặp mưa nắng cũng không hề phai màu, bong tróc. Bức tranh được các cụ gửi gắm cho con cháu đời sau mỗi dịp lễ Tết, giỗ chạp, họp họp, có thể ngắm nhìn bức tranh nhớ về cội nguồn của mình, tiếp tục động viên các lớp con cháu cố gắng học tập, công tác.

Theo triết lý của người Ai Cập cổ đại, “tạo nên một tác phẩm trong nghệ thuật tức là cho nó sự vĩnh cửu”, nên mỗi khi cầm cọ vẽ, nghệ nhân Bùi Văn Bến ngoài chú trọng đến từng chi tiết của cái đẹp, còn hướng tới sự sinh động, bền bỉ theo thời gian trong bức tranh. Nghệ nhân đã đặt cái Tâm của mình vào từng nét vẽ, thổi hồn vào tranh sứ bằng tình yêu nghệ thuật, cùng sự kiên nhẫn, tỷ mỉ, không ngừng sáng tạo để làm ra những tác phẩm tồn tại mãi với thời gian.

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Tranh minh họa (nguồn internet).

Thơ Đại Dương: Kính rượu thầy giáo cũ

(GLO)- Bài thơ "Kính rượu thầy giáo cũ" của tác giả Đại Dương chứa đựng nhiều tình cảm và lòng tri ân sâu sắc. Mỗi câu thơ là hình ảnh rất chân thật về một thời gian khó cắp sách đến trường, về những hy sinh thầm lặng của thầy giáo và cả sự khắc khoải, trăn trở của người học trò đã trưởng thành...

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.