Người dân Ia Chía lấn chiếm đất dự án: Giải quyết thấu tình, đạt lý

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hơn 400 ha đất lâm nghiệp tại xã Ia Chía (huyện Ia Grai, Gia Lai) giao cho doanh nghiệp trồng rừng sản xuất trong năm 2018 theo quyết định phê duyệt dự án đầu tư của UBND tỉnh đã bị người dân lấn chiếm gần hết để trồng điều. Chính quyền địa phương đang tiến hành rà soát lại diện tích, khảo sát thực tế từng hộ dân để sớm có phương án giải quyết, bàn giao đất cho doanh nghiệp.
Mua bán sang tay đất lâm nghiệp
Anh Đỗ Thanh Dũng (làng Jăng Blo, xã Ia Khai) cho biết, từ năm 2010, vợ chồng anh nhận sang nhượng lại rẫy của một số người dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Ia Chía để canh tác. Với diện tích khoảng 30 ha, anh vay vốn ngân hàng để đầu tư hơn 1 tỷ đồng trồng điều. Đến nay, vườn điều của gia đình đã cho thu bói, dự tính sang năm sẽ bước vào vụ thu hoạch chính. Vì vậy, có mặt tại buổi đối thoại với lãnh đạo và các ban, ngành của huyện mới đây, anh Dũng mong muốn được tiếp tục canh tác trên mảnh đất này. “Đất chúng tôi mua lại của các hộ dân, tuy không có chính quyền chứng nhận nhưng được già làng, trưởng thôn làm chứng. Lúc mua, chính quyền địa phương cũng không can thiệp, giờ cây điều đã đến kỳ thu hoạch, chúng tôi không đồng ý phá bỏ để giao đất cho doanh nghiệp trồng rừng”-anh Dũng nêu ý kiến.
Trong khi đó, ông Phạm Hồng Sen (thôn 5, xã Ia Krai) cho biết, ông cùng 2 người em góp vốn mua 14 ha đất của người dân địa phương để trồng điều từ năm 2014 đến nay. Vườn điều của gia đình ông cũng đang cho thu bói, sang năm sẽ vào vụ thu hoạch chính. Theo ông Sen, phần đất các ông mua cũng được già làng, trưởng thôn làm chứng. “Đây là rừng đã bị tàn phá, người dân địa phương khai hoang trồng trọt nhiều năm nên chúng tôi mua lại để trồng điều. Chính quyền có công văn hay thông báo đây là đất quy hoạch trồng rừng thì chắc chẳng ai mua. Giờ bảo chặt cây điều đang xanh tốt để trồng cây keo thì chúng tôi không đồng tình bởi thu nhập không cao, khoảng 10 năm sau mới thu hoạch. Theo tôi, nếu doanh nghiệp trồng keo phủ xanh đất trống, đồi trọc thì cứ để chúng tôi trồng cây điều và nộp thuế đầy đủ cho Nhà nước”-ông Sen nêu nguyện vọng.
 Hạt Kiểm lâm huyện Ia Grai tuyên truyền, vận động người dân kê khai diện tích đất trong vùng dự án để đơn vị đề xuất phương án giải quyết. Ảnh: M.N
Hạt Kiểm lâm huyện Ia Grai tuyên truyền, vận động người dân kê khai diện tích đất trong vùng dự án để đơn vị đề xuất phương án giải quyết. Ảnh: M.N
Tương tự, chị Bùi Thị Loan (thôn 5, xã Ia Krai), người có gần 20 ha điều đang chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch, cũng cho hay, mặc dù biết đây là đất lâm nghiệp nhưng người dân địa phương đã canh tác lâu năm nên chị bỏ tiền mua lại để sản xuất. Mỗi héc ta điều cho thu hoạch thấp nhất cũng được 2 tấn hạt. Với giá bán hiện nay là 30 triệu đồng/tấn, người dân sẽ có thu nhập 60 triệu đồng. “Đề nghị chính quyền để người dân trồng điều, xem đây là cây chủ lực tạo việc làm và nguồn thu nhập bền vững. Nếu phá bỏ thì chúng tôi quá thiệt thòi về công sức, tiền của đầu tư, chưa kể tiền mua đất”-chị Loan đề nghị.
Trước những đề nghị trên của người dân, ông Lâm Văn Long-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ia Grai-cho rằng, ngay cả bản thân ông cũng muốn cây điều trở thành cây lâm nghiệp để người dân trồng phủ xanh đất trống, đồi trọc. Tuy nhiên, theo hướng dẫn của ngành Nông nghiệp, cây điều không nằm trong danh mục cây trồng rừng. Đồng thời, việc người dân lấn chiếm đất lâm nghiệp trong lâm phần của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Grai là trái pháp luật. “Đề nghị người dân tích cực phối hợp khai báo diện tích, tình hình sang nhượng, sử dụng phần đất này để chúng tôi tổ chức khảo sát thực địa đến từng hộ nhằm nắm tình hình và có hướng đề xuất cơ quan chức năng giải quyết”-ông Long nói.
Những trường hợp trồng cây để đối phó sẽ bị cưỡng chế
Trước đó, 80 hộ dân có diện tích điều tại xã Ia Chía đã có đơn gửi chính quyền huyện Ia Grai mong muốn được giữ lại đất canh tác hoặc bồi thường thỏa đáng. Những hộ dân nói trên cho biết, vì thiếu đất sản xuất, họ đã mua lại một số diện tích đất núi (khoảng 400 ha) trên địa bàn xã Ia Chía. Theo các hộ này, nguồn gốc đất do người dân tộc thiểu số khai phá trồng lúa, cây nông nghiệp ngắn ngày và trồng điều. Họ đã đầu tư công sức vào trồng điều hơn 10 năm nay nhưng không có sự can thiệp của bất kỳ ai và cũng không có biển thông báo rừng cấm…  
 
Tháng 9-2018, UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, đồng ý cho Công ty Thành Đạt triển khai dự án trồng rừng kinh tế tại xã Ia Chía. Mục tiêu dự án là trồng mới 400 ha keo để tăng độ che phủ rừng, sử dụng hiệu quả đất trống, đồi núi trọc và tạo việc làm cho 100 lao động địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập dân cư trong vùng dự án, ổn định chính trị-xã hội, quốc phòng-an ninh trên địa bàn.

Tuy nhiên, theo UBND huyện Ia Grai, diện tích vùng dự án dự kiến giao cho Công ty TNHH Đầu tư Xúc tiến Thương mại Vận tải Thành Đạt (Công ty Thành Đạt) là 414,22 ha. Đáng chú ý là đầu năm 2017, khi Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Grai và các ngành chức năng khảo sát, đề nghị UBND tỉnh giao đất thực hiện dự án trồng rừng, vùng này vẫn chủ yếu là đất trống, chỉ có khoảng 50-60 ha người dân đã trồng điều nhằm mục đích chiếm đất nhưng cây trồng thưa thớt, không phát triển. Đến nay, diện tích người dân lấn chiếm đã lên đến 339 ha, phần còn lại chưa bị lấn chiếm là đồi đá, các khoảnh da báo và sông suối (khoảng 74 ha). Chính quyền huyện Ia Grai xác định trách nhiệm này thuộc về Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Grai. Đơn vị này đã không có biện pháp ngăn chặn người dân lấn chiếm lâm phần do mình quản lý, không lập biên bản xử lý các trường hợp vi phạm và báo cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Trao đổi với P.V, ông Phan Trung Tường-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai-xác nhận: Phần diện tích 414,22 ha giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án trồng rừng là đất trống nay đã bị lấn chiếm gần như toàn bộ. Qua thông báo của chính quyền xã Ia Chía, diện tích này do người dân nơi khác vào mua lại của người dân tộc thiểu số trên địa bàn. “Chúng tôi đang chỉ đạo các ban, ngành tiến hành rà soát, xác định đối tượng, vị trí và diện tích lấn chiếm, trên cơ sở đó tuyên truyền, vận động người dân kê khai và trả lại phần diện tích này. Những trường hợp đồng ý trả lại đất, huyện sẽ giao cho Công ty xem xét hỗ trợ công phát dọn và ký hợp đồng với hộ gia đình trồng, chăm sóc rừng trên diện tích lấn chiếm trước đây. Đối với trường hợp không trả lại đất, chúng tôi giao Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Grai phối hợp với các đơn vị liên quan củng cố hồ sơ, báo cáo và tham mưu đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành quyết định hành chính thu hồi đất và tổ chức cưỡng chế theo quy định”-ông Tường nêu giải pháp.
Cũng theo ông Tường, mặc dù địa phương đã thông báo nhiều lần cho người dân có đất trong khu vực dự án kê khai để biết đất của ai, diện tích bao nhiêu nhưng không thấy hộ nào thực hiện. Nhưng sau đó, khi chính quyền cho phép Công ty Thành Đạt ủi đường ranh bao quanh khu vực dự án thì các hộ dân mới ra ngăn cản không cho đơn vị này làm. Huyện ủy giao UBND huyện chỉ đạo các ngành đối thoại với các hộ dân, vận động, giải thích để tạo sự đồng thuận. Thông qua buổi đối thoại, chính quyền cũng đề nghị người dân kê khai diện tích, thống nhất việc kiểm tra thực địa nhằm phân loại từng diện tích mà các hộ dân đang sử dụng. “Quan điểm của huyện là đối với diện tích đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng ổn định, trồng điều lâu năm và đã có thu hoạch thì trước mắt sẽ đưa ra ngoài dự án; còn lại đất trống và diện tích người dân trồng cây đối phó thì thực hiện các biện pháp thu hồi giao doanh nghiệp thực hiện dự án trồng rừng. Dự kiến, đầu tháng 3-2019, các ngành, đơn vị chức năng sẽ tổ chức thực địa diện tích của từng hộ dân đã kê khai, chậm nhất ngày 10-3 có báo cáo đề xuất Huyện ủy, UBND huyện phương án giải quyết”-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai thông tin.
 MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm