"Ngủ ngon nhé con yêu, bố còn làm nhiệm vụ"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đó là lời nhắn gửi của Đại úy Nguyễn Văn Thái-Trợ lý vận động quần chúng (Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai) cho 2 con của mình sau một ngày làm nhiệm vụ khi anh có mặt tại tỉnh Bình Dương để hỗ trợ công tác phòng-chống dịch Covid-19.
Chúng tôi có mặt tại nhà chị Phùng Thị Ngọc-vợ Đại úy Nguyễn Văn Thái (thôn Lệ Kim, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ) trong một ngày mưa tầm tã. Trong căn nhà nhỏ, tiếng bi bô học bài của con trẻ làm vơi bớt sự quạnh hiu khi vắng bóng người đàn ông trụ cột. Chị Ngọc tâm sự: “Là vợ bộ đội đã vất vả rồi nên khi biết chồng xung phong vào miền Nam chống dịch, tôi càng lo lắng hơn. Gần 2 tháng qua, vợ không gặp chồng, con không gặp bố, chỉ nhờ chiếc điện thoại để trò chuyện. Nhưng thi thoảng, cuộc nói chuyện cũng ngắt quãng vì anh ấy phải thực hiện nhiệm vụ. Dù vậy, tôi vẫn luôn bảo các con là bố đi làm nhiệm vụ khi nào hết dịch sẽ về và động viên anh giữ gìn sức khỏe, hoàn thành tốt công việc được giao”.
Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại miền Nam, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cử đoàn công tác gồm 2 người và 1 xe chuyên dụng chi viện cho tỉnh Bình Dương chống dịch. Đại úy Thái đã xung phong lên đường làm nhiệm vụ và chỉ kịp gọi điện cho vợ dặn dò chăm sóc con cái. Trò chuyện với chúng tôi, anh cho biết: “Hơn lúc nào hết, khi đại dịch bùng phát, những người lính như chúng tôi mong được mang hết khả năng để giúp đỡ đồng bào. Ở Bình Dương, chúng tôi chung tay với các lực lượng khác tổ chức tuyên truyền để người dân hiểu được chủ trương của Đảng và Nhà nước trong phòng-chống dịch; hỗ trợ các điểm tiêm chủng, khu cách ly”. Khi được hỏi về lý do tình nguyện vào miền Nam chống dịch, anh trải lòng: “Tôi là người lính, đặc biệt là người lính làm công tác vận động quần chúng nên thường xuyên tiếp xúc, gần gũi với người dân, hiểu rõ cuộc sống của bà con. Phương tiện mà đơn vị chi viện cho Bình Dương là xe chuyên dụng phục vụ công tác tuyên truyền nên tôi là người thích hợp để làm nhiệm vụ”.
Chị Phùng Thị Ngọc dạy con học bài. Ảnh: Thiên Thanh
Chị Phùng Thị Ngọc dạy con học bài. Ảnh: Thiên Thanh
Vợ chồng anh Thái có 2 người con, cháu lớn năm nay học lớp 2, cháu nhỏ 5 tuổi. Nhà ở cách xa đơn vị nên anh cũng ít có thời gian về thăm gia đình, mọi việc từ chăm con đến sản xuất đều do chị Ngọc đảm nhiệm. Chị Ngọc cho biết: Khi ở đơn vị, anh thường xuyên gọi điện về động viên vợ con. Nhưng khi vào miền Nam, vì công việc nhiều nên anh ít có thời gian hơn. “Đôi lúc cũng chạnh lòng. Dù vậy, đó chỉ là nỗi buồn trong chốc lát, sự yếu mềm của người phụ nữ. Vì tôi đã xác định lấy chồng bộ đội sẽ vất vả, phải động viên, chia sẻ để anh hoàn thành nhiệm vụ”-chị Ngọc trải lòng.
Điều khiến chúng tôi cảm động hơn cả là dù hoàn cảnh gia đình vất vả, 2 con còn nhỏ, không có việc làm ổn định, chỉ ở nhà chăm con và trồng hơn 500 cây cà phê nhưng chị Ngọc luôn là “hậu phương” vững chắc của chồng. Bên cạnh sự tiếp sức của gia đình, Đại úy Thái còn nhận được sự động viên, khích lệ của lãnh đạo Bộ Chỉ huy và đồng đội. Đại tá Trần Tiến Hải-Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh-cho biết: “Đoàn công tác mà chúng tôi cử vào miền Nam chống dịch là những cán bộ, nhân viên năng nổ, nhiệt tình, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chúng tôi cũng thường xuyên gọi điện thăm hỏi, động viên và căn dặn khi thực hiện công việc phải trọng dân, yêu dân và chú ý phòng ngừa dịch bệnh. Đơn vị cũng cử người đến gia đình thăm hỏi, chia sẻ để họ khắc phục khó khăn, động viên chồng hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Khi những trang viết này đến tay bạn đọc thì chúng tôi nhận được tin đoàn công tác của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trở về. Qua điện thoại, Đại úy Thái cho hay: “Về đơn vị, chúng tôi vẫn phải thực hiện cách ly y tế 14 ngày. Và dù đã có mặt ở Gia Lai nhưng đêm nào tôi cũng gọi điện bảo con “Ngủ ngon nhé con yêu, bố còn làm nhiệm vụ”.
THIÊN THANH

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.

Khoảng lặng ở Tây Hồ

Khoảng lặng thôn Tây Hồ

(GLO)- Khoảng lặng chúng tôi muốn nói đến chính là cuộc sống của những người từng mắc bệnh phong, sống lặng lẽ ở xóm cùi thuộc thôn Tây Hồ (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai).