Ngoài tạo màu, lá cẩm còn là dược liệu có tác dụng hạ huyết áp, chống viêm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Ngoài tác dụng tạo màu tự nhiên cho thực phẩm, lá cẩm còn là dược liệu có tính kháng khuẩn cao, chống viêm, hạ huyết áp, trị viêm phế quản...

Tiến sĩ - dược sĩ Nguyễn Thành Triết, Phó trưởng Bộ môn Dược học cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết lá cẩm chứa thành phần anthocyanin vừa có tác dụng tạo màu tự nhiên cho thực phẩm vừa giúp chống oxy hóa, chống lại các gốc tự do, hạ huyết áp...

Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Đơn vị Điều trị Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM Cơ sở 3, chia sẻ hiện nay nhiều chất tạo màu tổng hợp bị cấm hoặc hạn chế sử dụng trong thực phẩm vì có bằng chứng liên quan đến khả năng gây ung thư và các tác động xấu đến sức khỏe. Vì vậy, việc lựa chọn chất tạo màu tự nhiên được khuyến khích sử dụng nhiều hơn.

"Lá cẩm đã được sử dụng làm chất tạo màu phổ biến ở Việt Nam để thay thế màu tổng hợp trong các loại thực phẩm truyền thống như bánh khoai môn, xôi, bánh tét... Ngoài việc tạo màu đẹp, nhiều nghiên cứu cho thấy lá cẩm còn có tác dụng chữa một số bệnh cũng như có đặc tính kháng khuẩn, chống viêm", bác sĩ Vũ cho hay.

Lá cẩm có đặc tính kháng khuẩn, chống viêm

Lá cẩm có đặc tính kháng khuẩn, chống viêm

Hoạt tính kháng khuẩn cao

Bác sĩ Vũ cho biết, lá cẩm có nhiều ứng dụng như làm thuốc, chất tạo màu thực phẩm. Dịch chiết lá cẩm có thể được sử dụng làm chất bảo quản tự nhiên cho thực phẩm và thuốc trong điều trị các bệnh liên quan đến rối loạn đường ruột do vi sinh vật gây hại gây ra. Bốn loài sinh vật liên quan đến hư hỏng thực phẩm như Bacillus subtilis, Staphylococcus aureus (vi sinh vật gram dương), Pseudomonas aeruginosa và Escherichia coli (vi sinh vật gram âm) cũng được xử lý bằng chiết xuất Etanolic của lá và thân cây lá cẩm. Kết quả cho thấy tất cả các vi khuẩn bị ức chế với nồng độ thấp của dịch chiết từ lá và thân cây cẩm. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng chiết xuất lá cẩm có hoạt tính kháng khuẩn cao.

Theo Y học cổ truyền, dược liệu lá cẩm có vị đắng, tính bình. Cây lá cẩm có tác dụng thanh nhiệt, chỉ huyết, tiêu thũng, giải độc, trị bong gân, lao phổi, viêm phế quản cấp tính, nôn và ho ra máu, lỵ,… Ngoài ra, lá cẩm còn được dùng làm nước tắm trị rôm sẩy hay mụn nhọt ở trẻ nhỏ.

Lá cẩm thường được dùng tạo màu thực phẩm

Lá cẩm thường được dùng tạo màu thực phẩm

Một số bài thuốc từ lá cẩm

Trị viêm phế quản: Dùng cành và lá cẩm 40 g, cát cánh, mạch môn và tang bạch bì mỗi thứ 20 g. Đem sắc uống giúp tiêu đờm và chữa viêm phế quản.

Trị mụn trứng cá: Một bó lá cẩm, 1,5 lít nước. Rửa sạch lá cẩm bằng nước, đổ 1,5 lít nước sạch đun sôi rồi vặn nhỏ lửa để khoảng 10 phút sau thì tắt bếp. Đợi nước ấm gạn lấy một lượng nước vừa đủ để rửa mặt như bình thường mà không cần phải rửa lại bằng nước sạch, số nước còn lại có thể để vào để tủ lạnh và dùng dần trong 3, 4 ngày.

"Lá cẩm không chỉ có ích cho sức khỏe con người nhờ các hoạt chất sinh học, mà nó còn có lợi trong chế biến thực phẩm nhờ chất tạo màu. Tuy nhiên cần tham khảo ý kiến bác sĩ về tính hiệu quả của bài thuốc từ lá cẩm trước khi sử dụng. Tránh trường hợp áp dụng bài thuốc không hiệu quả khiến bệnh không cải thiện, tiến triển theo chiều hướng xấu", bác sĩ Vũ lưu ý.

Có thể bạn quan tâm