(GLO)- Dòng Đak Pne uốn lượn hiền hòa, từng nếp nhà sàn nhấp nhô vương khói và hương thơm nồng nàn của ché rượu cần mới mở khiến tôi cảm thấy vùng đất này còn bao nhiêu điều để khám phá.
Sống với Kon Pne gần trọn một đời, già Anhai-người thầy đầu tiên gieo chữ trên vùng đất khó, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kon Pne kể lại: Năm 1985, Kon Pne được tách ra từ huyện Kon Plông (Kon Tum) để về với huyện Kbang (Gia Lai). Cũng từ đó, người của Đảng đã không dưới trăm lần băng rừng, vượt suối vào vận động bà con ra định cư ngoài vùng Đak Rong để có đường, có trường, có trạm…
Ảnh: Nguyễn Giang |
Bà con biết tình cảm của Đảng nhưng bà con cũng có cái khó của mình. Đã bao đời gắn bó với đất với nước ở đây giờ bảo đi sao đi được, thế là đồng bào cùng nhau ở lại, chỉ thương Đảng phải tìm mọi cách thông thương con đường huyết mạch để Kon Pne không bị cô lập, không bị gọi mãi bằng cái tên “ốc đảo”. Năm 2005, con đường mơ ước đã trở thành hiện thực khi những chuyến xe đầu tiên chạy vào tận trung tâm xã.
Bà con đồng lòng ở lại, cùng nhau no đói nên cái nếp đùm bọc, chia sẻ với nhau từng đọt rau, nắm gạo vẫn giữ nguyên vẹn, dù cho hôm nay cuộc sống đã sung túc hơn nhiều. Chân mới bước tới đầu làng, chúng tôi đã nghe những thanh âm náo nức reo vui của tiếng giã gạo bùm bụp chen nhau vang lên. Theo già Anhai thì bao năm rồi, những người dân hiền lành, chất phác nơi này vẫn luôn lấy tiếng giã gạo để báo hiệu: “Nhà mình còn gạo đó, ai thiếu gạo ăn thì hãy đến đây…”. Đồng bào sẽ giúp nhau quá nửa số gạo họ đang có nếu nhà kia đông người hơn và họ không đòi hỏi phải trả lại.
Như giọt nước thấm sâu, nghĩa tình của đồng bào Bahnar nơi này đã dần dần nhân lên những tình cảm gắn bó, thân thiết của những anh cán bộ xã trẻ tuổi, những y sĩ, quân nhân hay những người gieo chữ từ phố thị về đây cắm làng để cống hiến cho Kon Pne ngày càng khởi sắc. Đó là anh Đồng Đức Huấn-cán bộ dân số xã, cô giáo mầm non Nguyễn Thị Khuê… hay thầy Đào Công Sâm, người đã rời phố huyện Kbang vào giữ trọng trách Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kon Pne 7 năm nay và trong suốt thời gian ấy, thầy một lòng một dạ với sự nghiệp “trồng người” nơi đây.
Trò chuyện với chúng tôi, thầy cười hiền: “Nhờ nghĩa nhờ tình của mảnh đất này, sự gắn bó, yêu thương nhau như ruột thịt của anh chị em cán bộ, sự chất phác, hiền lành của đồng bào làm tôi yêu hơn những cô cậu học trò lấm láp”.
Kon Pne hôm nay đang từng ngày khởi sắc. Trong hương Xuân man mác, trên thoai thoải những triền đồi là tít tắp màu xanh của bời lời, bắp lai, mì cao sản. Dưới thung lũng, những ruộng lúa nước nặng trĩu bông đã vàng ươm nối tiếp nhau trải dài theo dòng suối Đak Pne hiền hòa uốn lượn… Lớp học mầm non của cô giáo Khuê kín ghế ngồi. Các em học sinh đã được mặc ấm hơn, không còn chân trần, áo rách. Trên những gương mặt trẻ thơ luôn rạng rỡ nụ cười. Ngày càng nhiều những hình ảnh các bà, các mẹ lưng mang gùi, chờ đón con trước cổng trường làm ấm lòng những người gieo chữ nơi đây.
Ảnh: Nguyễn Giang |
Đưa chúng tôi đi trên con đường bê tông sạch bong, sáng rực ánh điện, Chủ tịch UBND xã Đinh Liunh nhớ lại: Năm 1996, khi học xong lớp 5 của thầy Anhai dạy, anh cùng anh Đinh Khiu-hiện là Chủ tịch Mặt trận xã và anh Đinh Kre-nay là Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã là những người học trò đầu tiên của Kon Pne ra học ở Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS huyện. Ngày ấy, họ phải băng rừng, lội suối đi bộ mất cả ngày đường mới ra tới xã Đak Rong để đón xe ra huyện. Vượt qua bao khó khăn, gian khổ, bây giờ họ trở về cống hiến sức trẻ, lòng nhiệt huyết và quyết tâm xây dựng một Kon Pne ngày càng to đẹp, hơn ai hết họ quý trọng từng đổi thay nhỏ của quê hương.
Ngày mới, Kon Pne như căng tràn sức sống khi những người đang sinh sống trên mảnh đất này nguyện cùng nhau cống hiến hết mình cho thung lũng nghĩa tình.
Nguyễn Giang