Nghề báo: Đam mê và trách nhiệm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là chia sẻ của những người làm báo chân chính khi nói về nghề. Với họ, một tác phẩm báo chí hay bao giờ cũng xuất phát từ sự đam mê nghề nghiệp lẫn trách nhiệm xã hội của người viết, hướng đến giá trị chân-thiện-mỹ và được đông đảo công chúng đón nhận.

 

Sống trọn với đam mê

Từng là một cán bộ tuyên huấn trong quân đội, song bởi đam mê với nghiệp cầm bút mà Đại tá Lê Quang Hồi-phóng viên Báo Quân đội nhân dân thường trú tại Gia Lai đã quyết định rẽ sang nghề báo. Sau gần 16 năm chính thức gắn bó với nghề, ông bảo rằng chưa bao giờ cảm thấy hối hận về lựa chọn của mình. Nghề báo đã giúp ông có cái nhìn rộng mở hơn về thế giới xung quanh, tạo cơ hội để học hỏi, rèn giũa và sống trọn vẹn hơn với niềm đam mê con chữ. Nhà báo Lê Quang Hồi cho hay: “Cơ duyên dẫn dắt tôi đến với nghề báo là từ một cái tin cộng tác được đăng trên báo Gia Lai năm 1997. Tôi vẫn còn nhớ từng câu, từng chữ của sản phẩm đầu tay này; cảm xúc vui sướng khi ấy vẫn còn vẹn nguyên. Sau đó, tôi càng tích cực tham gia cộng tác cho báo và có nhiều tác phẩm được ghi nhận. Năm 2005, không “cưỡng” được sức hấp dẫn của nghề báo, tôi chuyển sang làm phóng viên thường trú Báo Quân đội nhân dân tại Gia Lai và gắn bó cho đến giờ”.

Nhà báo Lê Quang Hồi (đi trước) trong một chuyến công tác. Ảnh nhân vật cung cấp
Nhà báo Lê Quang Hồi (đi trước) trong một chuyến công tác (Ảnh nhân vật cung cấp)



Tính nhân văn trong cuộc sống luôn là khía cạnh được nhà báo Lê Quang Hồi quan tâm khai thác. Trong ngần ấy năm làm nghề, không ít câu chuyện, nhân vật được ông tái hiện chân thực trên mặt báo, gây xúc động lòng người. Chẳng hạn như bài viết “Tây Nguyên còn đó một bông hoa pơ lang” nói về liệt sĩ Rơ Châm Thuyên (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah). Liệt sĩ Rơ Châm Thuyên đã liều mình cứu đồng đội gặp nạn trên sông Sê San và hy sinh giữa dòng nước dữ vào năm 2007. Hay như bài viết về 2 người phụ nữ ở TP. Pleiku không lấy chồng cũng chẳng sinh con, vượt qua nghèo khó để nuôi 7 đứa trẻ bị bại não, khuyết tật bằng tình yêu thương vô bờ bến; hoặc câu chuyện về nữ già làng Ksor HBlâm ở xã biên giới Ia Mơr (huyện Chư Prông) với những đóng góp to lớn trong thời chiến lẫn thời bình… Những tác phẩm này đều được đông đảo độc giả đón nhận và mang lại cho ông nhiều giải thưởng. “Khi tiếp cận một đề tài hay nhân vật nào đó, tôi luôn chú trọng khai thác kỹ, đi sâu vào nội dung câu chuyện hoặc nội tâm nhân vật để tìm ra những chi tiết đắt giá, tạo điểm nhấn cho bài viết. Tuy nhiên, trò chuyện thế nào để họ sẵn sàng bộc bạch hết tâm can là kỹ năng mà người làm báo cần có”-nhà báo Lê Quang Hồi chia sẻ kinh nghiệm.

Tương tự, nhà báo Trần Lệ Xuân-phóng viên Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh cũng dành nhiều tâm huyết cho các đề tài liên quan đến những mảnh đời bất hạnh trong xã hội. “Lúc mới vào nghề, tôi được phân công phụ trách chuyên mục truyền hình “Nâng cánh ước mơ”, sau này đổi thành “Nhịp cầu nhân ái”. Khi đó, tôi nghĩ mình đang thực hiện một sứ mệnh rất đỗi đặc biệt: làm cầu nối giữa các Mạnh Thường Quân với những người kém may mắn”-chị Xuân nói. Có những ngày, sau khi thực hiện xong phóng sự về một nhân vật, về đến nhà, chị Xuân vẫn cứ trăn trở mãi. Nỗi thương cảm, day dứt về số phận những người nghèo khó, bệnh tật cứ quẩn quanh trong đầu, thôi thúc chị phải tiếp tục lên đường. Cứ thế, mỗi chuyến đi, chị lại bắt gặp nhiều mảnh đời khác nhau, với nỗi đau và khát khao vượt qua nghịch cảnh. Lúc nào chị cũng muốn viết thật nhanh, thật nhiều về đề tài này, mong giúp họ nhận được sự chia sẻ, ủng hộ để có thể từng bước vươn lên trong cuộc sống.

Nhà báo Trần Lệ Xuân (giữa) nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong công tác phòng-chống Covid-19. Ảnh nhân vật cung cấp
Nhà báo Trần Lệ Xuân (giữa) nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong công tác phòng-chống Covid-19. (Ảnh nhân vật cung cấp)



Đam mê, nhiệt huyết với nghề cũng là điều dễ nhận thấy ở nhiều phóng viên trẻ. 7 năm làm báo cũng là chừng đó năm phóng viên Phương Linh (Báo Gia Lai) rong ruổi trên khắp mọi nẻo đường đến với nhiều buôn làng trong tỉnh. Có những chuyến đi chỉ gói gọn trong một buổi, nhưng cũng có lúc kéo dài đến vài ba ngày. Được phân công theo dõi mảng văn hóa-du lịch, Phương Linh để lại ấn tượng trong người đọc bởi phong cách viết nhẹ nhàng, mang đậm hơi thở cuộc sống. Nhiều tác phẩm của chị như: “Làng nghề truyền thống loay hoay tìm hướng đi”, “Hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng: Nhân lên những niềm vui”, “Mở lối cho du lịch cộng đồng”… cũng đạt được giải cao tại các cuộc thi, giải báo chí tỉnh. “Mạch nguồn văn hóa vẫn âm ỉ chảy trong khắp các buôn làng. Chỉ khi thật sự bám sát, gần gũi với bà con, mình mới thấy được hết cái hay, cái đặc sắc của chúng. Vì vậy, tôi luôn tích cực đi cơ sở, lắng nghe và trò chuyện cùng bà con để có được những thông tin hấp dẫn nhất cho từng bài viết. Cũng nhờ bám sát với buôn làng, tôi đã trang bị thêm rất nhiều kiến thức về phong tục tập quán, đời sống sinh hoạt cũng như văn hóa, tinh thần của cộng đồng các dân tộc; đồng thời biết thêm được nhiều thắng cảnh đẹp chưa được khai phá của tỉnh nhà. Tôi mong muốn thông qua những tác phẩm của mình, nhiều người sẽ có ý thức hơn trong việc chung tay giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống và có nhiều cách làm hay để kích cầu du lịch”-phóng viên Phương Linh tâm sự.

Vượt khó, trách nhiệm bởi yêu nghề

Nghề báo nhiều vinh quang song cũng lắm gian khổ, áp lực và đầy rẫy hiểm nguy. Vì thế, những người làm báo được xem là “chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa-tư tưởng; luôn phải phát huy tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo, đề cao đạo đức và bản lĩnh chính trị của mình để tạo ra những tác phẩm báo chí hay, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Với tình yêu nghề, ý thức trách nhiệm, họ không ngừng vượt khó, xông pha, thậm chí hy sinh cả những lợi ích riêng tư cho công việc.

Phóng viên Phương Linh (bìa phải) luôn bám sát cơ sở để có được những bài viết hay, đậm hơi thở cuộc sống (ảnh nhân vật cung cấp).
Phóng viên Phương Linh (bìa phải) luôn bám sát cơ sở để có được những bài viết hay, đậm hơi thở cuộc sống (ảnh nhân vật cung cấp).

Nhà báo Trần Văn Nghĩa-Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh: Thời gian qua, báo chí tỉnh nhà đã phát huy vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Đội ngũ người làm báo ngày càng trưởng thành, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tích cực truyền tải thông tin về các sự kiện chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh diễn ra trên địa bàn tỉnh. Qua đó, làm cầu nối quan trọng để chuyển tải chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với bạn đọc, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Dẫu ưa chuộng những đề tài mang tính nhân văn nhưng nhà báo Lê Quang Hồi lại chẳng hề “ngó lơ” trước các vụ việc tiêu cực trong xã hội, gây bức xúc dư luận. Ông không ngại khó khăn, nguy hiểm để đưa sự thật ra ánh sáng, lấy lại công bằng cho người yếu thế. Đó là nguyên nhân khiến ông hay nhận được những tin nhắn “dằn mặt”, đe dọa đến tính mạng của mình và người thân mỗi khi một bài báo chống tiêu cực được đăng tải. “Những lúc như thế, tôi đều bình tĩnh, âm thầm giấu vợ con xử lý và nhờ đến các cơ quan an ninh can thiệp, hỗ trợ. Tôi không muốn vợ con phải lo lắng cho tôi và về cái nghề mà tôi lựa chọn. Vì trách nhiệm với xã hội, đạo đức của người làm báo, tôi không thể im lặng hay bẻ cong ngòi bút”-nhà báo Lê Quang Hồi khẳng khái nói.

Còn với nhà báo Trần Lệ Xuân, 10 năm gắn bó với nghề không phải là khoảng thời gian quá dài song đủ để chị cảm nhận được nỗi vất vả, áp lực công việc, nhất là đối với phụ nữ. “Vẫn biết nghề làm báo vất vả, đi nhiều, gần như không giờ giấc, áp lực lớn, nhưng khi đã chọn nghề và nghề chọn mình thì phải vững tin vào bản thân để đi tiếp hành trình. May mắn trong hành trình đó, bên cạnh tôi luôn là gia đình, đồng nghiệp, là những người bạn sẵn sàng hỗ trợ, sẻ chia”-chị Xuân bộc bạch. Hiện chị Xuân đang phụ trách tuyên truyền ở 2 lĩnh vực y tế và giáo dục. Vừa qua, khi cả nước phải “gồng mình” chống dịch Covid-19, hầu như ngày nào, chị cũng phải có tin, bài phản ánh về vấn đề này. Suốt đợt cao điểm phòng-chống dịch, chị cùng đồng nghiệp đã có mặt kịp thời ở các điểm nóng bất kể thời gian; những nơi cần phải đến đều có nguy cơ lây nhiễm cao. Thế nhưng, vì tình yêu và trách nhiệm với nghề, chị đã vượt qua nỗi e ngại và hoàn thành nhiệm vụ, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen.

Riêng phóng viên Phương Linh vẫn ngày ngày tự đi công tác bằng xe máy bất kể nắng mưa. Và trong quá trình đó, chị thường xuyên gặp những chuyện dở khóc dở cười. “Tôi còn nhớ như in cung đường dẫn vào “ốc đảo” Hà Đông-xã khó khăn, xa xôi nhất của huyện Đak Đoa. Năm 2016, lần đầu tiên đi trên con đường bê tông dài khoảng 40 km quanh co dưới tán rừng già rậm rạp, khi thì uốn qua một vách núi, lúc lại chon von bên bờ vực, tôi đã muốn bật khóc. Có rất nhiều nỗi sợ hiển hiện trong đầu khi ấy. Núi cao, rừng sâu, không có sóng điện thoại và đường lại vắng người, nếu xui xẻo xe xẹp lốp, hết xăng thì thật sự không biết phải làm sao. Con đường cùng nỗi lo lắng cứ như dài thêm ra khi tôi đi mãi mà vẫn thấy trước mặt mình là rừng núi. Thấy điện thoại thấp thoáng một cột sóng, tôi liền gọi ngay cho lãnh đạo xã và cảm thấy yên tâm hơn khi biết chỉ còn 2 km nữa là tới nơi. Với tôi, đó là một kỷ niệm đáng nhớ”-phóng viên Phương Linh kể.

Vất vả, hiểm nguy là thế nhưng đội ngũ người làm báo ở Gia Lai vẫn luôn tận tụy, miệt mài để tạo ra những sản phẩm hay, chất lượng, “đúng và trúng”. Những giải thưởng báo chí mà họ nhận được chính là sự tưởng thưởng xứng đáng với đam mê, trách nhiệm nghề nghiệp. Đồng thời, đó cũng là nguồn động viên, khích lệ để họ tiếp tục cống hiến với nghề. Và tất nhiên, trên hành trình tiếp nối ấy, họ vẫn không ngừng trau dồi kỹ năng, rèn luyện đạo đức… để bản thân ngày càng trở nên chuyên nghiệp hơn, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

 

HỒNG THI - QUANG TẤN



 

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Từ những thực vật hoang dại, nhưng với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, nhiều startup đã cho ra đời những sản phẩm bất ngờ. Không chỉ nâng tầm giá trị tài nguyên sẵn có, họ còn tạo cơ hội đưa sản phẩm vươn xa.

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.