Ngành Ngân hàng: Hướng tới mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong 2 tháng còn lại của năm nay, ngành Ngân hàng phấn đấu giải ngân thêm khoảng 2.100 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ tín dụng lên 42.200 tỷ đồng, đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 15%. Hiện nay, các ngân hàng thương mại trên địa bàn đang triển khai nhiều biện pháp tích cực, trong đó tập trung giải ngân vốn cho các gói hỗ trợ tín dụng đã cam kết giải ngân vốn cho các dự án của ngành, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

 

Năm nay, ngành Ngân hàng đề ra mục tiêu tăng trưởng 17%. Nền kinh tế vẫn còn đang trong giai đoạn khó khăn, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mới chỉ gọi là có dấu hiệu phục hồi, khả năng hấp thụ vốn không cao nên hoạt động của doanh nghiệp mới chỉ dừng ở mức độ ổn định, chưa phát triển mạnh mẽ. Do đó, ngay từ đầu năm, ngành Ngân hàng đã xây dựng kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tăng trưởng tín dụng theo tình hình thực tế. Dự kiến, mức tăng trưởng tín dụng năm nay chỉ đạt khoảng 15%.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai, tính đến ngày 15-10-2014, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn là 40.100 tỷ đồng (tăng 10,5% so cuối năm 2013). Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn chiếm tỷ trọng 65%, tăng 4,9% so cuối năm 2013; dư nợ cho vay trung dài hạn tăng 10,2%, chiếm 35% tổng dư nợ.

Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tập trung vào các ngành, lĩnh vực kinh tế ưu tiên như đáp ứng vốn cho sản xuất-kinh doanh, khu vực nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng, nhờ đó doanh nghiệp phần nào vượt qua khó khăn, có điều kiện tái cấu trúc tài chính, duy trì ổn định hoạt động. Từ đầu năm đến nay, các tổ chức tín dụng đã cấp vốn cho trên 260 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp được tiếp cận vốn ngân hàng lên hơn 1.900 doanh nghiệp với dư nợ vay trên 19.600 tỷ đồng. Nguồn vốn cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn cũng tăng trên 6,5%, đạt gần 18.900 tỷ đồng. Các nhóm lĩnh vực nằm trong gói sản phẩm ưu đãi lãi suất cũng có mức tăng trưởng khá.

 

Gia Lai là một trong các địa phương có mức tăng trưởng tín dụng ổn định và hiệu quả. Trong khi cả nước hiện chỉ đạt 7,3% (theo dự kiến năm 2014 sẽ đạt 12-14%) thì tỉnh ta, tăng trưởng tín dụng đã đạt 10,5%, đứng thứ 3 so các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Hiện tại, vốn cho doanh nghiệp chiếm khoảng một nửa trong tổng dư nợ tín dụng toàn ngành, nhưng theo đánh giá năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn chưa được cải thiện, hàng hóa tồn kho cao, giá cả một số mặt hàng nông sản giảm thấp, do đó sức hấp thụ vốn của lĩnh vực này cũng còn hạn chế, nên tăng trưởng tín dụng chưa đạt như dự kiến.

Ông Nguyễn Văn Cư-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai đánh giá: Tăng trưởng tín dụng vào những tháng cuối năm thường tăng mạnh. Ở thời điểm này, các chi nhánh ngân hàng thương mại đang tiếp tục giải ngân vốn như đã cam kết đầu tư dự án như nâng công suất Nhà máy Đường-Nhiệt điện Ayun Pa; dự án đường giao thông theo hình thức BOT của Đức Long Gia Lai và Quang Đức; vốn đầu tư cây cao su. Đặc biệt, đây cũng là thời điểm chuẩn bị cho chu kỳ hoạt động xuất khẩu, tập trung sản xuất vụ Đông Xuân... nên nhu cầu vốn sẽ tăng cao. Với những phương án đầu tư đó, Ngân hàng Nhà nước đã làm việc với các ngân hàng thương mại về khả năng giải ngân vốn và cùng với những cam kết trước đó, dự kiến thời gian còn lại sẽ đưa vốn ra nền kinh tế khoảng 2.100 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ tín dụng lên 42.200 tỷ đồng.

Về khả năng thực hiện mục tiêu đặt ra, ông Nguyễn Văn Cư nhận định: “6 tháng đầu năm tăng trưởng chỉ đạt 5%, nhưng trong 10 tháng đã đạt 10,5%. Trong 2 tháng còn lại, ngành sẽ đạt thêm khoảng 5% và khả năng sẽ hoàn thành mục tiêu định hướng 15%, với con số tương ứng tăng 5.300 tỷ đồng so với cuối năm 2013”.

Thảo Nguyên

Có thể bạn quan tâm

Tập huấn kiểm kê tài sản công

Tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công

(GLO)- Ngày 28 và 29-11, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai.