Ngành du lịch Gia Lai tìm cách "sống chung" với Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều doanh nghiệp lữ hành đã phải cho phần lớn người lao động tạm nghỉ việc khi doanh thu giảm đến 90% so với cùng kỳ năm 2019, thậm chí âm trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 2. Cùng với đó, người trong cuộc buộc phải tìm mọi cách xoay xở để cầm cự.

Doanh thu giảm 90%

Ông Hà Trọng Hải-Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Cao Nguyên Việt-cho biết: Gần 30 năm gắn bó với du lịch, đây là giai đoạn khó khăn nhất của bản thân ông. “Ngành “công nghiệp không khói” có những giai đoạn đi lên, đi xuống, nhưng chưa bao giờ rơi tự do như trong giai đoạn hiện nay”-ông Hải nói.

 Làng chài trên sông Sê San (huyện Ia Grai). Ảnh: PHAN NGUYÊN
Làng chài trên sông Sê San (huyện Ia Grai). Ảnh: Phan Nguyên


Cũng như các công ty lữ hành khác, Công ty cổ phần Du lịch Cao Nguyên Việt buộc phải tinh giản bộ máy, cắt giảm nhân sự và chuyển sang làm việc trực tuyến tại nhà để giải quyết khó khăn. 100% hướng dẫn viên được cho nghỉ với mức hỗ trợ 50% lương cơ bản. Việc làm theo hình thức trực tuyến chủ yếu là thực hiện hủy tour khách đặt trước đó và giải quyết các công việc còn tồn đọng. Ông Hải cho rằng, đợt bùng phát dịch lần thứ 2 như quả đấm trực diện vào ngành du lịch bởi diễn biến quá bất ngờ.

“Sau đợt dịch lần thứ nhất, các doanh nghiệp du lịch đang rất phấn khởi, chuẩn bị cho bước nhảy vọt để cứu vãn doanh thu sụt giảm của 2 quý trước. Chúng tôi đã tung ra các tour hấp dẫn, các gói khuyến mãi để thu hút khách nhưng cuối cùng dịch bùng phát, tất cả các tour đều bị hủy. Doanh thu của Công ty đã giảm đến 90% so với cùng kỳ năm ngoái. Dịch bùng phát vào thời điểm này đồng nghĩa với việc kéo theo doanh thu giảm và có thể âm cho đến cuối năm vì hầu hết các công ty đều “trắng tay” trong mùa du lịch cao điểm. Ngành “công nghiệp không khói” sẽ còn khó khăn dài chứ không chỉ trong trước mắt”-ông Hải nhận định.

Theo ông Hải, dịch bùng phát ở Đà Nẵng là trung tâm du lịch miền Trung và cả nước, đồng thời cũng là địa điểm mà khách Gia Lai rất yêu thích nên thiệt hại càng nặng nề. “Đà Nẵng không chỉ là điểm du lịch biển hấp dẫn bậc nhất, mà còn là đầu mối kết nối các tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có khu vực Tây Nguyên. Vì vậy, dịch bùng phát ở đây giống như vòi bạch tuộc vươn dài và ảnh hưởng đến rất nhiều địa phương khác, trong đó có Gia Lai”-ông Hải cho biết.

Hủy hầu hết các tour trong tháng 7, tháng 8 và chưa dám nhận tour cho các tháng tiếp theo là tình hình chung của các doanh nghiệp lữ hành. Anh Hoàng Phương-Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Vận tải Du lịch Niềm Vui Việt (Vietjoy Tourist) cho hay: “Ngoài một số tour đã hủy, vẫn có một số tour khách còn chần chừ vì điểm đến là các địa phương chưa có dịch. Tuy nhiên, chúng tôi tư vấn cho khách hủy tour để đảm bảo an toàn, đồng thời hoàn lại 100% tiền cọc cho khách”.

Đại diện Vietjoy Tourist cũng cho biết, sau đợt dịch bệnh lần thứ nhất, ngành du lịch tỉnh đã bắt tay ngay thực hiện phương án phục hồi, kích cầu du lịch, giới thiệu các sản phẩm mới lạ, hấp dẫn tại một số địa phương trong khu vực. Vietjoy Tourist và một số doanh nghiệp lữ hành khác rất hào hứng tham gia các hoạt động này để tìm kiếm cơ hội. Thế nhưng, khi đang trong trạng thái phấn chấn, sẵn sàng các điều kiện để khôi phục hoạt động du lịch thì dịch tái bùng phát khiến cho bộ máy buộc phải dừng lại.

Đủ cách vượt khó

Nhân lực hoạt động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch đang lâm vào cảnh lao đao khi nguồn thu nhập giảm hơn một nửa, thậm chí là mất hoàn toàn thu nhập như đối với các hướng dẫn viên tự do. Nhưng cũng như đợt dịch trước, đội ngũ hướng dẫn viên là lực lượng thích ứng nhanh khi chuyển hướng mưu sinh bằng hình thức bán hàng trực tuyến.

Ông Hà Trọng Hải cho biết: “Hướng dẫn viên ở các công ty có thế mạnh xây dựng được mối quan hệ rộng khắp từ trước đó với khách hàng trong cả nước, họ sử dụng lợi thế này để bán hàng online. Đây cũng là những người có kỹ năng tốt, cần cù, nhanh nhạy với công nghệ nên khá thuận lợi khi bán hàng trực tuyến. Ngoài ra, cũng có một số hướng dẫn viên chọn cách sống chậm lại, đi làm rẫy, trồng rau sạch vừa kiếm thêm thu nhập vừa coi đây là một quãng nghỉ ngơi để tái tạo năng lượng”.

 Du khách trong hành trình khám phá tour du lịch mạo hiểm. Ảnh: NGỌC THU
Du khách trong hành trình khám phá tour du lịch mạo hiểm. Ảnh: Ngọc Thu


Để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, nhân lực ngành du lịch buộc phải tìm mọi cách để mưu sinh, thích ứng với hoàn cảnh. Ngay cả giám đốc một doanh nghiệp lữ hành cũng có thể trở thành người bán hàng kiêm shipper đi giao hải sản tươi sống. “Đó là chuyện hết sức bình thường để sống chung với đại dịch”-đại diện Công ty cổ phần Du lịch Cao Nguyên Việt cho biết.

Vài năm nay, Vietjoy Tourist khai thác thêm các sản phẩm du lịch trekking, hiking khám phá các thắng cảnh tự nhiên trong tỉnh. Do đó, Công ty rất cần đội ngũ support (dẫn đường, mang vác đồ nặng, hỗ trợ các sự cố…) có kỹ năng tốt và chuyên nghiệp. Theo Giám đốc Vietjoy Tourist thì không cho phép đội ngũ này “thất nghiệp” ngay cả khi không có tour.

“Ngoài các tour lâu nay đang khai thác, chúng tôi đang thiết kế, hoàn thiện thêm 2 tour trải nghiệm mới, sẽ chính thức chào bán trong thời gian tới. Theo đó, vào thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, chúng tôi tập hợp đội ngũ support để huấn luyện kỹ năng vì đây là lực lượng khá quan trọng để làm nên thành công cho một tour du lịch trải nghiệm có yếu tố mạo hiểm”-anh Hoàng Phương thông tin.

Tăng “sức đề kháng” sau đại dịch

Theo đại diện Vietjoy Tourist, sự khủng hoảng của ngành du lịch cũng chính là cơ hội để thanh lọc đội ngũ, giữ chân nguồn lao động chất lượng cao, đồng thời bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch và dịch vụ. “Đây là thời điểm tốt nhất để các doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực du lịch, dịch vụ vì ai cũng có quỹ thời gian nhàn rỗi. Đặc biệt, đội ngũ hướng dẫn viên lâu nay dẫn điểm muốn trở thành hướng dẫn viên tuyến cần trang bị những kiến thức nền tảng, trau dồi thêm kỹ năng, hiểu biết văn hóa-xã hội để làm vốn liếng cho mình. Ngành du lịch cần hỗ trợ thêm bằng cách ban hành bộ tài liệu chuẩn, sâu sát về các điểm đến của tỉnh để các hướng dẫn viên có thể “vịn” vào đó để giới thiệu một cách khái quát, thống nhất”-anh Hoàng Phương đề xuất.

Một số doanh nghiệp lữ hành khai thác tour du lịch trải nghiệm có kế hoạch đào tạo nhân lực du lịch, sẵn sàng đón khách khi kết thúc dịch bệnh. Ảnh: Minh Châu
Một số doanh nghiệp lữ hành khai thác tour du lịch trải nghiệm có kế hoạch đào tạo nhân lực du lịch, sẵn sàng đón khách khi kết thúc dịch bệnh. Ảnh: Minh Châu


Ông Hà Trọng Hải thì cho rằng: “Trong lúc này, ngành du lịch cần chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ để du lịch bật trở lại ngay sau khi Việt Nam khống chế dịch bệnh. Chẳng hạn như các chiến dịch truyền thông, quảng bá điểm đến của tỉnh cần lên kế hoạch sẵn sàng chỉ cần hết dịch là tung ra ngay. Các chương trình kích cầu, tôn tạo các điểm đến, chỉnh trang cơ sở hạ tầng… cũng cần bắt tay thực hiện để sẵn sàng đón khách khi hết dịch”.

Ngay từ đợt dịch thứ nhất, ngành du lịch tỉnh đã có các phương án chủ động ứng phó. Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-cho biết: Dịch Covid-19 tái phát lần 2 tuy bất ngờ, gây thiệt hại nặng nề hơn, các chương trình kích cầu du lịch đang triển khai buộc phải dừng lại nhưng không vì thế mà mọi hoạt động đóng băng tại chỗ. Ngành du lịch cũng đã có phương án để tiếp tục các hoạt động kích cầu giai đoạn 2 ngay khi dịch bệnh kết thúc. Đồng thời, du lịch của tỉnh cũng đang triển khai các chương trình, kế hoạch du lịch trong năm 2021 và giai đoạn tiếp theo dựa trên những đánh giá thiệt hại và tình hình thực tế do đại dịch Covid-19 tác động lên ngành “công nghiệp không khói”.

 MINH CHÂU-PHƯƠNG VI
 

Có thể bạn quan tâm

Viên ngọc bên bờ Biển Đông

Viên ngọc bên bờ Biển Đông

Vùng đất Bình Châu (Bình Sơn) được ví như viên ngọc bên bờ Biển Đông. Nơi đây không chỉ có cảnh đẹp, mà còn sở hữu nhiều di sản lịch sử - văn hóa, địa chất, địa mạo độc đáo.

Khách tây 'mê' tết ta

Khách tây 'mê' tết ta

Không chỉ người Việt nôn nao, rất nhiều doanh nhân, du khách, sinh viên nước ngoài cũng bị quyến rũ bởi không khí tết cổ truyền của VN đang đến từng ngày.

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày không chỉ làm bùng nổ các tua du lịch, mà còn tạo ra cuộc chạy đua hấp dẫn giữa những chuyến đi xa và những kỳ nghỉ gần. Thị trường đang bày ra “mâm cỗ” phong phú, đủ hương vị từ truyền thống đến hiện đại, tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền.