Một nam sinh đang học tập ở TP.HCM đã mở lớp dạy đàn guitar miễn phí với mục đích giao lưu học hỏi, kết nối mọi người có chung niềm đam mê với nhau.
|
Đức Trọng (áo thun đen) mở lớp guitar miễn phí mong muốn được giao lưu, học hỏi ẢNH: TẤN ĐẠT |
"Thích thì mình tập thôi"
“Lần đầu ta gặp nhỏ, trong nắng chiều bay bay…”, lời bài hát Nhỏ ơi ngân vang trong một góc nhà văn hóa ở TP.HCM, kèm theo tiếng đàn guitar rất mộc mạc của một nhóm bạn trẻ, khiến chúng tôi không khỏi hứng thú. Đó là lớp dạy đàn guitar miễn phí với mục đích kết nối, giao lưu học hỏi giữa các bạn sinh viên với nhau. Người "đứng lớp" là Võ Đức Trọng, 23 tuổi, SV Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM.
Ngồi ôm cây guitar, Đức Trọng mở lời: “Tụi mình hay đến đây vào thứ 2, 5 hằng tuần vào lúc 17 giờ 30”. Đúc Trọng cho hay bản thân rất yêu thích đàn guitar và muốn truyền đạt những gì mình biết đến với mọi người nên mở ra lớp học.
Đức Trọng kể lại: “Mình tình cờ đến với cây đàn guitar trong chuỗi ngày chán nản, mong muốn học nó để cho cuộc sống thú vị hơn. Khi mua đàn xong mình cũng không biết bắt đầu từ đâu, rồi lên mạng xem video cách người ta dạy nhưng rất khó nắm bắt được. Mình đăng ký khóa học ngắn hạn về đàn này ở một trung tâm và thật sự thấy rất thích. Nhưng kết thúc khóa học, mình suy nghĩ nếu sinh viên bỏ vài triệu ra học một khóa như thế, mà chỉ thu nạp được từ 7 đến 8 điệu nhạc cơ bản, rồi các hợp âm đơn giản thôi… thì xứng đáng hay không? Hay những người muốn học mà không có chi phí thì như thế nào? Thế là mình mở lớp dạy guitar miễn phí cho các bạn”.
|
Tại lớp học, các bạn trẻ được truyền đạt những bài học cơ bản về guitar ẢNH: TẤN ĐẠT |
Chàng sinh viên 23 tuổi chia sẻ: “Thay vì mình đàn guitar một mình trong phòng thì mình ra ngoài này thoải mái hơn, cùng nhau giao lưu học hỏi thêm những kinh nghiệm. Lúc đầu em không dám dạy, vì xung quanh có rất nhiều bạn rất giỏi, đàn siêu lắm... sợ bị bắt bẻ. Nhưng em tự nghĩ “trình độ bản thân tới đây thôi, nên giúp được gì trong khả năng thì cứ giúp”. Lúc đầu chỉ vỏn vẹn vài bạn, nhưng sau khi em đăng những video học đàn lên Facebook thì rất nhiều bạn đến tham gia”.
|
Nhiều bạn sinh viên đến học guitar ẢNH: TẤN ĐẠT |
Ở lớp học guitar của Đức Trọng, đa số là những bạn trẻ là sinh viên có niềm đam mê với guitar. Trọng cho hay: “Những ngày đầu đứng lớp em cảm thấy không quá khó khăn vì mấy bạn ở đây rất là nhiệt huyết, hào hứng. Tại đây, mọi người sẽ được học nhịp dậm chân, các hợp âm cơ bản, các điệu đánh, hay cách để vào bài hát… Đừng nghĩ guitar khó, thích thì mình tập thôi. Thường mất khoảng 2 tháng, chậm thì kéo dài đến 4 tháng, tùy theo khả năng tập luyện của mỗi người để thuần thục những điều cơ bản về đàn guitar”.
Phải tự học mới tiến bộ nhanh
Mới tham gia lớp học đàn guitar mới 2 buổi, Hồ Thị Kim Vàng, 20 tuổi, SV Khoa Nhật Bản - Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho hay bản thân cũng rất thích văn nghệ và việc học đàn cũng không ngoại lệ.
“Lúc mới mua đàn về em có lên YouTube xem mấy video nhưng vẫn không thể nào tự học và thấy rằng hiếm khi có ai dạy cơ bản cho những người mới bắt đầu. Và tình cờ biết được lớp học miễn phí của anh Trọng, em tìm đến học ngay”, Kim Vàng chia sẻ.
Kim Vàng nói tiếp: “Ở đây mọi người chỉ bảo nhau về cách học đàn từ dễ đến khó nên tiếp thu nhanh lắm. Nhưng cái chính là mình phải tự học mới tiến bộ nhanh. Một người biết về guitar cơ bản sẽ truyền dạy cho mình dễ hơn, họ biết được mình sẽ cần gì và học như thế nào”.
|
Kim Vàng (ngồi đầu hàng) cho biết ngoài kiến thức cơ bản được mọi người chỉ dạy, thì việc tự học cũng quan tỏng không kém ẢNH: TẤN ĐẠT |
Cho đến thời điểm hiện tại, Nguyễn Thanh Nam, 21 tuổi, SV Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, đã tự đàn được những bài cơ bản như Tuổi hồng thơ ngây, Yêu 5… sau khi tham gia lớp học guitar của Đức Trọng gần 2 tháng.
Thanh Nam chia sẻ bản thân học đàn guitar vì thích cảm giác cùng với bạn bè hay người thân của mình quay quần bên nhau rồi cùng hát hò.
“Em đã có ý định học đàn guitar từ rất lâu rồi nhưng hồi đó là tự học nên dễ chán lắm. Còn đến các trung tâm dạy đàn thì chi phí khá cao và thời gian không phù hợp với việc đi học của mình”, Nam nói.
|
Ngoài việc tập thể thao, nhiều bạn còn dành khung thời gian từ 17 giờ 30 đến 20 giờ để học thêm guitar ẢNH: TẤN ĐẠT |
Rồi Nam bộc bạch: “Hồi xưa chỉ biết gãy đàn mấy cái rồi thôi nhưng khi đi học lớp cùng với anh Trọng và mọi người thì thấy tiến bộ hơn. Mình được học những hợp âm cơ bản, biết cách vừa đánh vừa hát sao cho đúng nhịp”.
Thanh Nam còn nhìn nhận: “Thay vì đi học về, ngồi trong phòng lướt web hay xem phim. Thì vào khung giờ từ 17 giờ 30 phút đến 20 giờ bạn có thể đi tập thể thao, nếu không, có thể đi học đàn hoặc một bộ môn năng khiếu gì đó. Bạn sẽ cảm thấy tinh thần rất thoải mái, mà còn được quen nhiều bạn mới giúp bản thân dạn dĩ hơn, không còn e ngại khi đứng trước đám đông”.
Tự tay thiết kế bằng khen
Chìa chiếc điện thoại khoe tấm bằng khen tự thiết kế cho các “học viên” của mình, Đức Trọng cho biết: “Sau một khóa học ai học giỏi sẽ được tặng một tấm bằng khen do mình tự thiết kế để mọi người có cái làm kỷ niệm sau này”.
Đánh vài nốt ngẫu nhiên trên chiếc đàn guitar của mình, Trọng tâm sự: “Trong mỗi tấm giấy khen đó em kèm theo một lời chúc và chữ ký của mình "chúc mọi nguời giữ niềm đam mê với đàn guitar" nhưng không biết mọi người có để ý hay không ?”.
|
Tấm bằng khen tự tay Trọng thiết kế ẢNH: TẤN ĐẠT |
Theo Tấn Đạt (TNO)