Năm 2020, có thể chỉ còn 3 tập đoàn Nhà nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Dự kiến đến năm 2020, cả nước chỉ còn khoảng 150 doanh nghiệp nhà nước (chủ yếu là các công ty xổ số, công ích và 3 Tập đoàn: Dầu khí, Điện lực và Viettel).
 

Dự kiến đến năm 2020, cả nước chỉ còn 3 tập đoàn nhà nước, trong đó có Tập đoàn Dầu khí.
Dự kiến đến năm 2020, cả nước chỉ còn 3 tập đoàn nhà nước, trong đó có Tập đoàn Dầu khí.

Thông tin này được đưa ra tại báo cáo của Chính phủ với Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2016.

Tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2016, có 583 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ gồm: 7 tập đoàn kinh tế; 67 tổng công ty nhà nước (TCT, không bao gồm số liệu của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam do đang thực hiện tái cơ cấu theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ); 17 Công ty TNHH MTV hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - công ty con (Công ty mẹ - con); 492 doanh nghiệp độc lập thuộc các Bộ ngành, địa phương.

Dự kiến đến năm 2020, cả nước chỉ còn khoảng 150 doanh nghiệp nhà nước (chủ yếu là các công ty xổ số, công ích và 3 Tập đoàn: Dầu khí, Điện lực và Viettel).

Năm 2016, tổng vốn chủ sở hữu tại các doanh nghiệp nhà nước là 1,39 triệu tỉ đồng. Tổng tài sản là 3,05 triệu tỉ đồng. Tổng doanh thu đạt 1.51 triệu tỉ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 139.658 tỉ đồng.

Tổng số nộp ngân sách của các doanh nghiệp là 251.845 tỉ đồng. Phần lớn doanh nghiệp nhà nước sản xuất, kinh doanh có lãi, tuy nhiên vẫn còn có một số doanh nghiệp thua lỗ

Tổng số nợ phải trả của các DNNN là 1,62 triệu tỉ đồng, tăng 26% so với năm 2011 (1,29 triệu tỉ đồng) và các khoản phải thu của các DNNN là 384.310 tỉ đồng, tăng 29,6% so với năm 2011 (296.541 tỉ đồng).

Tính đến 31.12.2016 có 18 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước có dự án đầu tư ra nước ngoài, thực hiện đầu tư tại 110 dự án, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực viễn thông, thăm dò và khai thác dầu khí, trồng cây cao su, khai thác khoáng sản…

Tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án là 12.608 triệu USD, trong đó đầu tư lớn nhất là Tập đoàn Dầu khí (bao gồm công ty mẹ và các công ty con trong tập đoàn) với số vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài là 6,6 tỉ USD (chiếm tỷ trọng 53%), thứ 2 là Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel với 2,1 tỉ USD (17%), thứ 3 là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam với 1,4 tỉ USD (11%).

Lũy kế đến 31.12.2016, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện của các doanh nghiệp này là 7,07 tỉ USD.

Qua số liệu tổng hợp đến ngày 31.12.2016 cho thấy hiệu quả kinh tế của hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các DNNN thời gian qua còn thấp: 25,5% dự án báo lỗ năm 2016, 29% dự án lỗ lũy kế tính đến 31.12.2016, 46,4% dự án không có báo cáo về doanh thu – lợi nhuận.

Lợi nhuận được chia cho bên Việt Nam năm 2016 là 145 triệu USD. Nhiều dự án đang tiềm ẩn rủi ro về pháp lý tại nước sở tại (như bị rút ngắn thời gian triển khai dự án, tranh chấp đất đai) và rủi ro thị trường (như giá đầu ra giảm mạnh) ảnh hưởng lớn đến hiệu quả dự án.

Có dự án bị ngừng cấp bảo lãnh Chính phủ dẫn tới việc phải dừng dự án, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả dự án.

Đoàn giám sát của Quốc hội đề nghị Chính phủ ban hành cơ chế giám sát, kiểm tra, đánh giá hiệu quả hoạt động của các tổ chức, cá nhân thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Bên cạnh đó là nghiêm cấm và xử lý nghiêm minh các trường hợp xác định giá trị doanh nghiệp không đúng quy định của pháp luật để trục lợi, gây thất thoát tài sản, vốn nhà nước. Làm rõ kết quả xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu.

Quản lý, giám sát chặt chẽ việc huy động, sử dụng vốn của DNNN, nhất là vay nợ nước ngoài, hạn chế tối đa cấp bảo lãnh của Chính phủ đối với DNNN. Không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý thua lỗ của doanh nghiệp.

Tăng cường minh bạch thông tin đối với tất cả các DNNN. Tôn trọng cơ chế thị trường, thực hiện lộ trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Áp dụng các phương pháp định giá tài sản tiên tiến phù hợp với cơ chế thị trường; bảo đảm vốn, tài sản của Nhà nước và giá trị doanh nghiệp được định giá đầy đủ, hợp lý, công khai, minh bạch, giá cổ phần xác định theo cơ chế thị trường thông qua đấu giá công khai, minh bạch.

Lam Thanh/motthegioi

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.