Mức chi chiết khấu phát hành sách giáo khoa khoảng 250 tỷ đồng/năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mức chi chiết khâu phát hành SGK GDPT khoảng 250 tỷ đồng/năm (tương đương với 25% doanh thu hàng năm 1.000 tỷ đồng) là khá cao, chưa thật phù hợp với cơ cấu giá thành, ảnh hưởng lớn đến việc chi trả của học sinh.
Thông tin trên do bà Hoàng Thị Hoa – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Thanh niên thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (UBVHGDTNTN&NĐ) đưa ra tại Phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban sáng nay, ngày 25/9 về kết quả khảo sát một số nội dung trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2012 – 2017.
Ngày 25/9, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Thanh niên thiếu niên và Nhi đồng (VHGDTTN & NĐ) đã họp phiên toàn thể
Ngày 25/9, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Thanh niên thiếu niên và Nhi đồng (VHGDTTN & NĐ) đã họp phiên toàn thể
Quy định của Luật Giáo dục hiện hành dẫn tới độc quyền khép kín sách giáo khoa
Bà Hoàng Thị Hoa cho biết, hoạt động xuất bản, in, phát hành SGK GDPT chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản luật như: Luật Xuất bản, Luật Giáo dục, Luật Thương mại, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầy, Luật cạnh tranh... và nhiều văn bản hướng dẫn thi hành. Mặc dù hệ thống văn bản pháp luật đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động xuất bản, in, phát hành SGK GDPT những vẫn tồn tại một số bất cập.
Theo bà Hoa, quy định về thẩm quyền của Bộ GD&ĐT tại khoản 3, điều 99 Luật Giáo dục hiện hành được cho là nguyên nhân chính dẫn tới độc quyền trong hoạt động xuất bản, in, phát hành SGK GDPT trong những năm qua, gây bức xúc dư luận xã hội. Mặc dù Luật xuất bản 2012 đã có một số quy định về điều kiện xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm nhưng chưa đủ để khắc phục bất cập này.
Quy định về việc sử dụng 1 bộ SGK thống nhất trên cả nước tại khoản 3 điều 29 Luật Giáo dục hiện hành đến nay không còn phù hợp, mâu thuẫn với quy định "thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK; có một số SGK cho mỗi môn học" tại Nghị quyết số 88/2014/QH 13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK GDPT.
Về xuất bản SGK GDPT, bà Hoàng Thị Hoa cho rằng, qua khảo sát cho thấy dư luận rất băn khoăn cho rằng việc Bộ GD&ĐT vừa tổ chức biên soạn, vừa tổ chức thẩm định, phê duyệt, chỉ đạo việc xuất bản, in và phát hành SGK đã tạo ra thế độc quyền khép kín trong tất cả các khâu của quy trình từ biên soạn đến phát hành, không thúc đẩy cạnh tranh nhằm nâng cao chất lượng, giảm giá bán SGK. Việc giao Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn, phê duyệt, xuất bản SGK không phù hợp với Luật Xuất bản 2012 và xu hướng phổ biến trên thế giới hiện nay.
Bà Hoàng Thị Hoa – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Thanh niên thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội
Bà Hoàng Thị Hoa- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Thanh niên thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội
Chi chiết khấu phát hành SGK lên tới 250 tỷ đồng/ năm
Đối với việc in, phát hành SGK GDPT, bà Hoa cho biết, báo cáo của Bộ GD&ĐT cho thấy, số lượng SGK GDPT đã in, phát hành giai đoạn 2012 - 2017 tương đối ổn định (khoảng trên 100 triệu bản/năm) và chiếm tỷ lệ lớn, khoảng 30% tổng sản lượng xuất bản phẩm cả nước. Nếu tính cả sách tham khảo, sách VNEN và tài liệu Tiếng Việt CNGD thì lên đến 75% tổng sản lượng xuất bản phẩm cả nước.
Theo bà Hoa, hàng năm NXB GDVN tổ chức in SGK GDPT theo hai hình thức: in gia công và in đấu thầu rộng rãi toàn quốc. Tuy nhiên, việc in SGK GDPT chỉ được đấu thầu rộng rãi sau khi đã trừ sản lượng giao cho các đơn vị in nội bộ của NXB GDVN và những tên sách có số lượng in thấp. Do đó, tính cạnh tranh chưa cao, dẫn đến hạn chế về chất lượng, khó giảm giá thành, chưa khuyến khích việc đầu tư phát triển ngành in.
Bên cạnh đó, tình trạng in lậu, in nối bản SGK GDPT ngày càng lan rộng, tinh vi và phức tạp, gây khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước và người sử dụng trong phân biệt thật, giả, phát hiện vi phạm; ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tác giả, của nhà xuất bản và người tiêu dùng.
Việc phát hành SGK GDPT được thực hiện chủ yếu theo hệ thống nội bộ, khép kín của NXBGDVN. Hệ thống phát hành SGK GDPT còn cồng kềnh, quy trình phát hành chưa thật hợp lý do phải trải qua nhiều khâu trung gian làm tăng chi phí vận chuyển.
Mức chi chiết khâu phát hành SGK GDPT khoảng 250 tỷ đồng/năm (tương đương với 25% doanh thu hàng năm 1.000 tỷ đồng) là khá cao, chưa thật phù hợp với cơ cấu giá thành, ảnh hưởng lớn đến việc chi trả của học sinh.
Mặc dù giá bán SGK GDPT 2000 khá thấp so với mặt bằng chung của thị trường xuất bản phẩm và giữ nguyên từ năm 2011 nhưng trong nhiều năm qua, tình trạng phần lớn SGK chỉ sử dụng một lần, thay mới hàng năm, gây lãng phí phân sách nhà nước, gây bức xúc dư luận xã hội.
Bà Hoa cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là việc biên soạn, thiết kế SGK chưa hợp lý, đã đưa các dạng/mẫu bài tập vào hầu hết SGK tiểu học và THCS; chất lượng giấy in, đóng quyền SGK GDPT chưa bảo đảm; việc chỉ đạo, hướng dẫn sử dụng, giữ gìn, bảo quản sách và công tác kiểm tra, đánh giá việc in, phát hành SGK của Bộ GD&ĐT chưa được quan tâm đúng mức.
Bộ GD và ĐT nói gì?
Theo báo cáo giải trình của Bộ GD&ĐT về việc biên soạn, xuất bản và phát hành sách giáo khoa, để tổ chức biên soạn bộ sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định thành lập đội ngũ tác giả và tổ chức biên soạn sách giáo khoa; Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định sách giáo khoa và tổ chức thẩm định sách giáo khoa các môn học; Giao cho Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức bản thảo, biên tập, thiết kế-minh họa, đăng kí xuất bản, in và phát hành sách giáo khoa.
Từ đó đến nay, việc in sách giáo khoa do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức thực hiện thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn các nhà in có đủ năng lực để bảo đảm chất lượng, tiến độ, giá thành hợp lí.
Do tính chất đặc thù của việc xuất bản, phát hành sách giáo khoa nên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không được tự quyết định giá bìa sách giáo khoa. Theo quy định hiện hành thì sách giáo khoa là mặt hàng được quản lí giá bởi Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá). Từ năm 2011 đến nay, mặc dù giá cả thị trường có nhiều thay đổi, giá nguyên vật liệu làm sách tăng lên nhiều nhưng giá sách giáo khoa vẫn giữ nguyên.
Bộ GD&ĐT cho rằng, việc Nhà xuất bản Việt Nam tổ chức đấu thầu để lựa chọn các công ty in, phát hành sách giáo khoa thông qua các công ty cổ phần về thực chất là lựa chọn những công ty đủ mạnh, có khả năng in sách giáo khoa với chất lượng tốt, giá thành hạ, phát hành sách giáo khoa ở các địa phương để giảm chi phí vận chuyển, bảo đảm không bị lỗ hoặc lỗ ít trong bối cảnh giá nguyên vật liệu, nhân công tăng theo giá cả thị trường nhưng giá sách giáo khoa không thay đổi (theo báo cáo của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, trong việc in ấn, phát hành sách giáo khoa hiện nay lỗ khoảng 40 tỷ một năm).
Khi biên soạn sách giáo khoa để thực hiện trên phạm vi cả nước từ năm học 2002-2003, các tác giả đã thiết kế một số bảng số liệu để trống nhằm hướng dẫn học sinh tiến hành các thí nghiệm; xây dựng hệ thống bài tập đa dạng về hình thức (tự luận, trắc nghiệm, điền khuyết, nối đôi) nhằm rèn luyện cho học sinh các thao tác tư duy phù hợp với từng nội dung kiến thức, hướng dẫn học sinh tự học, đồng thời giúp học sinh làm quen với các dạng bài tập khác nhau trong kiểm tra, đánh giá theo xu thế chung của các nước trên thế giới.
Để học sinh không viết vào sách giáo khoa trong quá trình thực hiện các hoạt động học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên hướng dẫn học sinh sử dụng sách giáo khoa, nhắc nhở học sinh có ý thức giữ gìn, không được viết, vẽ vào sách để sử dụng sách giáo khoa được lâu bền.
Đồng thời yêu cầu Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức rà soát, đánh giá cụ thể việc in ấn, phát hành sách giáo khoa hiện hành để đề xuất phương án chỉnh sửa bản thảo sách giáo khoa nhằm hạn chế tối đa việc học sinh ghi vào sách giáo khoa trong quá trình học tập; báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo về kết quả rà soát, đánh giá và phương án chỉnh sửa bản thảo sách giáo khoa trước khi tái bản, bảo đảm sách giáo khoa có chất lượng tốt, được sử dụng nhiều lần, tránh gây lãng phí.
Hồng Hạnh (Dân Trí)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.