Mật dừa nước của chàng kỹ sư hóa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cây dừa nước tưởng chừng không nhiều giá trị cho đến khi Phan Minh Tiến tìm ra cách “bắt” chúng tiết ra mật. Chàng kỹ sư hóa đã làm điều đó thế nào?

 

 

Thực ra ban đầu Tiến đi tìm lời giải cho bài toán làm sao bảo quản cơm dừa nước được lâu hơn, nhưng rồi cuối cùng lại tìm ra mật dừa như một cơ duyên đầy bất ngờ.
 

 Phan Minh Tiến và hai sản phẩm do anh tạo ra từ mật dừa nước - Ảnh: Q.L.
Phan Minh Tiến và hai sản phẩm do anh tạo ra từ mật dừa nước - Ảnh: Q.L.



"Tôi muốn mang đến một sản phẩm dù đã qua chế biến nhưng đảm bảo giữ được hương vị tự nhiên, hoàn toàn không chất bảo quản, an toàn cho sức khỏe người dùng".

PHAN MINH TIẾN



"Matxa" cho dừa, dừa cho... mật

Quá trình tìm kiếm tư liệu trên mạng, Tiến biết ở một vài nước trong khu vực người ta đã tìm cách để cây dừa nước tiết ra mật từ lâu, trong khi ở Việt Nam điều này còn khá mới mẻ. Càng tìm càng mê, Tiến đọc rồi làm thử. Kết quả, chặt banh cả quày dừa nước quanh nhà mà chờ mãi không chiết được giọt mật nào.

Và lại tự mày mò làm. Khi những giọt mật đầu tiên tiết ra từ cuống quày dừa nước, Tiến bảo mừng muốn hét lên. Hóa ra cũng là "matxa" nhưng phải biết cách, vì không phải muốn "matxa" kiểu gì quày dừa cũng tiết ra mật được. "Cho đến lúc này, mình tạm gọi đó là bí quyết riêng và chỉ chia sẻ lại với những người thật sự quan tâm và muốn tăng giá trị cho cây dừa nước" - Tiến khoe.

Những người đầu tiên được Tiến chia sẻ bí quyết ấy là hai anh em Trần Minh Hải và Trần Hiếu Nhân, cùng ngụ xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ (TP.HCM). Hải và Nhân hiện cũng là nhân viên, chuyên trị khoản "matxa" dừa, thu gom mật làm nguyên liệu đầu vào cho Tiến. Nhờ Tiến hợp tác, hai anh em nhận chăm sóc chính những vườn dừa nước mọc sẵn trên đất nhà, vừa có thu nhập hằng tháng vừa được trả tiền nguyên liệu mỗi năm.

Anh Nhân nói lúc đầu nghe Tiến nói dừa nước ra mật cũng thấy lạ vì đó giờ chưa từng thấy, rồi quan sát cách Tiến làm, chừng một tuần thực hành là tự anh biết cách "matxa" cho quày dừa rồi. "Tụi tui làm vầy cũng như đi mần ruộng, ở ngay nhà, chủ động giờ giấc đưa đón con đi học, chớ làm công nhân đâu có đi về thoải mái vậy" - anh Nhân kể.

Để lấy được mật, cây dừa nước không được chặt lá để đảm bảo dồn sức cho quày trái phát triển. Khi đã đến giai đoạn trưởng thành, quày sẽ được chặt ngang và bắt đầu hứng mật mà vẫn cho cơm dừa. "Mỗi quày trung bình một ngày hứng hai lần được khoảng 1 lít mật và có thể lấy mật trong khoảng 20 ngày, tức là một quày cho tới 20 lít mật, giá trị cao hơn hẳn nếu chỉ lấy cơm dừa" - Tiến cho biết.

Nâng giá trị cho đặc sản quê nhà

Với mật dừa nước nguyên liệu thu về, Tiến hiện cung cấp ra thị trường hai sản phẩm. Mật dừa nước tinh chất là mật sau khi thu về sẽ được thanh trùng, đóng chai và dùng như nước giải khát, giữ được ba ngày khi bảo quản trong tủ lạnh. Nước có vị ngọt, hơi mằn mặn từ các loại muối khoáng sẵn có trong mật. Sản phẩm thứ hai là mật dừa nước cô đặc. Từ 10 lít mật dừa tinh chất, qua quá trình cô đặc trong nhiều giờ liền sẽ thu được khoảng 1 lít mật.

Tiến mang sản phẩm đi kiểm nghiệm tại Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP.HCM (Sở Khoa học và công nghệ). "Sản phẩm qua kiểm nghiệm cho các thông số phù hợp với người tiểu đường, ăn chay, ăn kiêng chất tạo ngọt, có khả năng thanh nhiệt, giải độc và phần nào bù lại lượng khoáng của cơ thể bị mất. Những chất này hoàn toàn tự nhiên, sẵn có trong cây dừa nước, chứ mình không dùng bất kỳ chất bảo quản nào trong quá trình sản xuất" - Tiến thông tin.

Cùng làm với Tiến có Nguyễn Quang Phúc - chuyên ngành công nghệ sinh học - lo việc đảm bảo chất lượng thành phẩm ra lò. Tiến đặt tên sản phẩm là "Dừa nước ông Sáu" và đang hoàn thiện bộ nhận diện thương hiệu cho sản phẩm sau khi thành lập công ty.

Ông Sáu là tên gọi ở nhà của ba Tiến, nhưng cũng để Tiến gửi vào sản phẩm sáu tiêu chí luôn hướng đến: sản phẩm chất lượng, khách hàng hài lòng, đối tác tin cậy, nhân viên nhiệt tâm, bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội.

Đó cũng là thao thức về một thương hiệu riêng cho đặc sản quê Bình Khánh của Tiến, từ cây dừa nước vốn không nhiều giá trị như nhiều người vốn nghĩ.


 


Giải nhì khởi nghiệp nông thôn toàn quốc

Sản phẩm mật dừa nước của Phan Minh Tiến vừa giành giải nhì Cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn toàn quốc năm 2019, do Trung ương Đoàn phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức. Cuộc thi thu hút 225 dự án khởi nghiệp của các bạn trẻ nông thôn đến từ 48 tỉnh, thành trong cả nước.

Chia sẻ cùng nhiều bạn trẻ nông thôn đang có ý định khởi nghiệp tại Ngày hội tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới 2019 mới đây, Phan Minh Tiến nói các bạn hãy mạnh dạn đến các hội thi khởi nghiệp, đem sản phẩm, dự án đến phiên chợ xanh, hội chợ. "Ở đó sẽ có thêm cơ hội để các bạn tìm ra hướng đi cho việc khởi nghiệp của bản thân rõ ràng hơn" - Tiến mách.



Theo QUỐC LINH (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

(GLO)- Với đàn chồn hương hơn 100 con, mỗi năm, trang trại của chị Thủy Thị Hồng Hậu (làng Bông Phun, xã Chư Á, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) thu về hàng trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí đầu tư.
Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

(GLO)- Những năm gần đây, nhiều học sinh cuối cấp đã lựa chọn hình thức chụp kỷ yếu với đa dạng concept (chủ đề) để lưu giữ kỷ niệm đẹp cùng thầy cô, bè bạn. Tháng 4 là thời điểm dịch vụ này bắt đầu “vào mùa”, các studio cũng bận rộn với lịch trình dày đặc.
Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

(GLO)- “Nếu Tin học là chỗ dựa cho phím đàn được thăng hoa thì âm nhạc lại giúp em xua tan đi những căng thẳng sau hàng giờ đắm chìm cùng ngôn ngữ lập trình”-em Nguyễn Đăng Khang (lớp 11C3A, Trường THPT chuyên Hùng Vương) chia sẻ.

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

(GLO)-

Dù ít tham gia các hội thi, nhưng nhiều công nhân ở Đội sản xuất số 6, Công ty 74, Binh đoàn 15 vẫn thường gọi anh Ksor Mác là "bàn tay vàng" trong đơn vị. Bởi anh không chỉ có kỹ thuật cao trong cạo mủ cao su mà hằng năm anh đều vượt kế hoạch được giao.

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

(GLO)- Là thợ lái máy nhưng Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Phạm Văn Hùng (Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Công binh 7, Quân đoàn 3) đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, áp dụng hiệu quả vào công việc của đơn vị và đạt thành tích cao tại các hội thi.