Lưu ý khi ăn quả hồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tanin trong vỏ quả hồng vào cơ thể lâu ngày sẽ hình thành sỏi trong dạ dày, do đó khi ăn nên gọt bỏ vỏ.

Vị ngọt dễ ăn, hàm lượng dinh dưỡng cao, hồng là một trong những loại quả không thể thiếu trong thực đơn mỗi gia đình khi vào mùa thu. Ở Việt Nam, quả hồng có hai loại là hồng vỏ đỏ và hồng vỏ vàng cam (hồng ngâm).

Các nhà khoa học chỉ ra quả hồng giàu glucose, protein, fructose, vitamin C, citrulline, iot, canxi, photpho, sắt. Lượng vitamin trong hồng cao gấp đôi so với các loại trái cây khác như táo. Ngoài ra, lá hồng còn có thể làm thuốc, giúp hạ huyết áp cao, ngăn ngừa bệnh tim mạch.


 

Ảnh: CG.
Ảnh: CG.



Tuy vậy, bên cạnh những lợi ích trên, bạn cần chú ý những điều sau khi ăn hồng, theo People:

Không nên ăn hồng khi đang đói

Quả hồng chứa nhiều tanin và pectin. Nếu ăn hồng khi đang đói, hai chất này sẽ hình thành chất kết tủa không hòa tan dưới tác động của axit dạ dày. Khi không thể xuống ruột non qua môn vị, chất kết tủa dễ lưu lại và hình thành sỏi dạ dày.

Nếu không được đào thải ra ngoài theo đường tự nhiên, sỏi dạ dày có thể gây tắc nghẽn đường tiêu hóa, làm xuất hiện các triệu chứng như đau quặn bụng trên, nôn mửa.

Không ăn vỏ hồng

Vỏ là phần tập trung phần lớn tanin của quả hồng. Nếu ăn cả vỏ hoặc không gọt vỏ kỹ, chất tanin sẽ đi vào cơ thể, lâu ngày hình thành sỏi trong dạ dày.

Không ăn quá nhiều

Ăn quá nhiều hồng tạo nên hợp chất khó hấp thụ khiến cơ thể thiếu khoáng chất. Bên cạnh đó, quả hồng nhanh gây cảm giác no, ảnh hưởng tới khẩu vị. Tốt nhất, mỗi lần ăn hồng, bạn không nên ăn quá 200 g.

Một số trường hợp hạn chế ăn hồng

Quả hồng có tính hàn nên người mắc bệnh dạ dày, tiêu chảy, thiếu máu sau sinh, cảm lạnh không nên ăn nhiều. Hàm lượng đường trong quả hồng ảnh hưởng tới việc điều trị bệnh tiểu đường, bệnh dạ dày mạn tính. Tanin trong hồng có thể làm cản trở việc hấp thụ sắt của cơ thể, không thích hợp cho người đang điều trị thiếu máu.

Nguyễn Xuân (VNE)

Có thể bạn quan tâm