Chỉ mới qua vài mùa trình diễn nhưng nông dân Tây Nguyên từ người Kinh đến người dân tộc thiểu số, đều rất mê giống lúa mới TBR 225.
Cánh đồng trình diễn giống lúa TBR 225 ở phường Nguyễn Trãi (TP Kon Tum) được nông dân nơi đây rất thích |
TBR 225 là giống lúa thuần bản quyền của Cty CP TCty Giống cây trồng Thái Bình, được Bộ NN-PTNT công nhận là giống Quốc gia năm 2015.
Từ đây, TBR 225 đã có mặt ở nhiều vùng sinh thái khác nhau trên cả nước, khẳng định là giống lúa phù hợp với các loại đất, thời tiết, vùng miền; khả năng chống chịu sâu bệnh cao; năng suất và chất lượng cao hơn hẳn so với nhiều giống khác hiện nay.
Tại các tỉnh Tây Nguyên, qua nhiều lần trình diễn, hội thảo đầu bờ, TBR 225 đã khẳng định được vị thế của mình trên vùng đất nắng và gió này. Tại cánh đồng Đoàn Kết rộng gần 200ha ở TP Kon Tum, lần thứ hai, TBR 225 tổ chức hội thảo đầu bờ. Với 6 hộ tham gia trình diễn trên diện tích 1ha (tại tổ 4, phường Nguyễn Trãi, TP Kon Tum), kết quả đem lại là hết sức bất ngờ.
Có mặt trên cánh đồng trình diễn, tất cả bà con đều có chung một nhận xét: TBR 225 đẻ nhánh khá, lá đứng, cứng cây, trổ bông tập trung và bông to, dài. Đối với điều kiện ngoại cảnh và sâu bệnh ở đây, TBR 225 tỏ ra là giống lúa thích ứng rộng, khả năng chống chịu rất cao.
Qua trình diễn cho thấy, năng suất đạt bình quân từ 70 - 75 tạ/ha, thâm canh tốt có thể đạt 85 - 90 tạ/ha. Sau khi ăn thử cơm nấu từ giống lúa TBR 225, tất cả đều có chung một nhận xét: Cơm dẻo, thơm và rất ngon.
Những mô hình SX thử nghiệm giống lúa TBR 225 tại các tỉnh Tây Nguyên đã thu hút sự quan tâm của chính quyền và nông dân ở đây, giúp họ có cái nhìn mới trong việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng.
Bà Bùi Thị Vui (HTX Đoàn Kết, huyện Phú Thiện, Gia Lai) cho biết: Gia đình bà làm giống lúa TBR 225 đã được một vụ. Theo bà Vui thì so với các giống lúa khác, năng suất cũng tương đương nhau. Tuy nhiên với TBR 225 thì canh tác dễ, phù hợp với khí hậu, đồng đất nơi đây.
Còn với nông dân K'sor Yun (dân tộc J'rai ở thôn Glung A, xã Ia Ke, huyện Phú Thiện) thì: "Trước giờ, mình chỉ làm giống lúa địa phương và một vài loại giống lúa khác. Năm ngoái, thấy một số người làm giống TBR 225, khen tốt nên mình làm thử một vụ. Được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, mình thấy cũng dễ làm. Năng suất cao hơn giống lúa địa phương rất nhiều. Mình quen ăn gạo rẫy đồng bào, giờ ăn gạo từ giống TBR 225, thấy rất thơm và ngon...".
Giám đốc HTX Nông nghiệp Chư A Thai - ông Phạm Ngọc Nghĩa cho biết: Từ nhiều năm qua, HTX đã ứng dụng rất nhiều loại giống lúa khác nhau. Với giống lúa TBR 225, tuy trình diễn trên cánh đồng cát mà được tốt như vậy, khi đưa xuống cánh đồng đất thịt, chắc chắn sẽ tốt hơn nữa".
Nông dân Nguyễn Thành Cơ (phường Nguyễn Trãi, TP Kon Tum) tham gia trình diễn giống lúa TBR 225 ở vụ đông xuân vừa rồi, rút ra nhận xét: "Dễ chăm lắm, những ưu điểm khác như chống chịu sâu bệnh, đổ ngã... thì không phải bàn. Cây đẻ nhánh mạnh nên năng suất đạt tương đối cao. Vụ mùa này, tôi làm thử một ít nữa, nếu được như vụ đông xuân vừa rồi, tôi sẽ triển khai giống TBR 225 cho cả hai vụ".
Lam Giang (nongnghiep)