Mứt không chỉ là món ăn truyền thống của ngày Tết nguyên đán, các loại củ quả hạt là nguyên liệu làm mứt còn là kho bài thuốc đông y kỳ diệu, tốt cho sức khỏe.
Mứt hạt sen trong mâm Tết truyền thống |
Hạt sen
Hạt sen lấy từ cây sen. Hạt sen (liên nhục) là phần trắng bên trong vỏ cứng của quả sen, sau khi đã bỏ chồi mầm (tim sen).
Theo đông y, hạt sen có vị ngọt, tính bình, tác dụng bổ tỳ, dưỡng tâm, sáp trường, cố tinh. Hạt sen là thực phẩm bổ dưỡng cao cấp và là dược liệu quý.
Hạt sen rất có ích cho người suy nhược cơ thể, mất ngủ, lỵ, tiết tả, di mộng tinh.
Ngày dùng 10-30g.
Ngoài làm mứt, người ta còn chế biến một số món ngon từ hạt sen như: thịt trai nấu hạt sen, ý dĩ; thịt gà hầm ý dĩ hạt sen; canh bào ngư, hạt sen;…
Ngoài hạt, củ sen cũng được làm mứt.
Mứt củ sen
Củ sen (liên ngẫu) là thân rễ của cây sen. Củ sen thường mập, có hình trụ, mọc ngang trong bùn, chia ra nhiều gióng và mấu. Trong gióng có nhiều lỗ thủng tròn nhỏ, chạy dọc theo trục của gióng. Bẻ ngang củ sen sẽ thấy nhiều tơ nhỏ (ngẫu đoạn nhi ty liên)
Củ sen là một thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao |
Củ sen là một thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao.
Trong củ sen có chứa 70% tinh bột và một số chất như asparagin, arginin, trigonellin, tyrosin, glucoze, các loại vitamin (A, B, C, PP) và một số ít tanin.
Người ta thường dùng củ sen tươi (hấp chín, hầm) hoặc xắt lát mỏng phơi khô để dùng dần.
Theo đông y, củ sen có vị ngọt, tính bình, tác dụng bổ tỳ, bổ phế, cầm máu, tráng dương, an thần.
Thường dùng trong các trường hợp xuất huyết (nôn ra máu, đại và tiểu trộn ra máu, chảy máu cam, tử cung xuất huyết…), ăn uống kém, mất ngủ, bạch đới, tiêu chảy.
Ngày dùng 30-50 g củ sen tươi hoặc 10-15 g củ sen khô, sắc uống.
Ngoài mứt củ sen, người ta còn chế biến một số món ăn từ củ sen như: củ sen hầm đậu đen; củ sen hầm đuôi heo; canh củ sen - hồng táo; củ sen xào gan heo; củ sen xào tôm - thịt; củ sen - đậu đỏ hầm thăn bò; gỏi củ sen, tôm thịt;...
Lương y Đinh Công Bảy
(theo Thanhnien)