(GLO)- Ngoài hình thức cho vay tiền nóng, cầm đồ, tín dụng đen còn tồn tại dưới hình thức cho vay tiền mặt không cần thế chấp, cung ứng vật tư phân bón trả bằng “lúa non”, thậm chí núp bóng với danh nghĩa góp vốn làm ăn…
Từ thành thị tới nông thôn, tín dụng đen vẫn hàng ngày len lỏi. Đối tượng vay thường là những người không có tài sản thế chấp, mục đích vay vốn đôi khi không chính đáng, có thể là vay để trả nợ do cờ bạc hoặc chơi bời; bên cạnh đó, có những trường hợp người làm ăn do có nhu cầu phát sinh cần tiền gấp mà không thể tiếp cận được vốn của tổ chức tín dụng nên buộc phải sa vào “ổ” tín dụng đen (TDĐ) vay với lãi suất “cắt cổ”.
Biến tướng dưới nhiều hình thức
Những người làm nghề buôn bán nhỏ lẻ ở chợ là đối tượng chính của những người chuyên cho tiền vay, tiền góp. Ở Trung tâm Thương mại Pleiku, không ai lạ gì bà X., bà L., chỉ cần nắm sơ bộ “lý lịch” kinh doanh là những người này sẵn sàng đáp ứng tiền tức thì. Tùy mức độ tín nhiệm và quen biết lãi suất vay, góp sẽ khác nhau, thường từ 8% đến 20%/tháng. “Tuy là tín chấp, nhưng ở cái chợ này đừng ai nói xù một đồng”-chị Th. bán quầy hàng tươi sống tỏ ra ngần ngại. Chị kể chị từng chạy tiền để lo việc trong gia đình phải vay nóng 20 triệu đồng, mỗi ngày phải góp 400 ngàn đồng trong vòng 2 tháng. Lần đó, mua bán ế ẩm quá chị xin khất 4 ngày liên tục, chủ nợ đồng ý nhưng vẫn cử một thanh niên dáng bặm trợn đến nhắc nợ!
Những người kinh doanh ở đây cũng cho biết thêm, vì cần số tiền không lớn lắm và trong thời gian ngắn nên họ ngại đến ngân hàng vay vì nhiều thủ tục, thay vào đó khi cần alô là có ngay “tiền tươi”, nhanh chóng, đôi khi chỉ viết vài chữ làm tin là xong. Thời gian gần đây, nhiều tờ rơi với nội dung “cho vay tiêu dùng không cần thế chấp”, rồi “cho vay vốn kinh doanh không cần tài sản đảm bảo”… được phát tới tận tay người làm nghề buôn bán. Quảng cáo đơn giản, lãi suất nghe có vẻ “ưu đãi” hơn lãi nóng, nhưng xem ra nó cũng nằm ngưỡng gấp khoảng 5-10 lần lãi suất ngân hàng. Song, điều khoản cam kết giữa hai bên có sự ràng buộc chặt chẽ hơn, người đi vay phải cung cấp một hoặc nhiều giấy tờ liên quan từ hóa đơn điện, nước, chứng minh nhân dân, hộ khẩu, đăng ký kinh doanh… Có một điều cho vay kiểu này khiến nhiều người dễ dàng dính bẫy đó là ngoài trả lãi hàng tháng, người đi vay nếu muốn vay thời gian ngắn được chọn trả lãi ngày, nhưng lại không quy ra lãi suất cụ thể buộc người vay phải trả một số tiền nhất định. Ví dụ, vay 10 triệu đồng trong thời gian 15 ngày người vay phải trả 900 ngàn đồng/ngày (tương đương lãi suất 35%/tháng). Trường hợp trả trước mất thêm 100 ngàn đồng/ngày, còn trễ hẹn cứ 30 ngàn đồng/ngày mà nhân lên. Theo lời một người cho vay, người ta làm ăn không ra gì mới tìm đến vay nóng, chứ có cơ sở, họ đã đến ngân hàng.
Một dạng TDĐ khác là hình thức cầm đồ. Tìm đến loại hình này lãi suất sẽ rẻ hơn rất nhiều nhưng người vay phải có tài sản cầm cố, từ xe cộ cho đến giấy tờ nhà đất. Hoặc, ở những vùng nông thôn, TDĐ tồn tại dưới hình thức là sự thỏa thuận giữa người bán và người mua hàng (thường là vật tư phân bón phục vụ sản xuất). Đầu vụ người bán cho mua nợ, chốt số tiền đến cuối vụ thanh toán, đương nhiên trả gốc kèm lãi.
Tín dụng đen ngoài vòng pháp luật?
Hoạt động TDĐ phát sinh từ việc người cho vay ham lãi suất cao, mặc dù không có chức năng kinh doanh tiền tệ nhưng vẫn đứng ra huy động vốn từ nhiều người với lãi suất thấp, rồi đem cho vay lại với lãi suất cao hơn nhằm hưởng tiền chênh lệch; người vay cần tiền khi không được tiếp cận nguồn tín dụng chính thống từ các tổ chức tín dụng. TDĐ len lỏi từ thành thị đến nông thôn, ngày càng có quy mô lớn, rộng khắp. TDĐ tồn tại như là một sự cứu cánh tức thì của một số nhóm người trong xã hội. Ngay cả khi tín dụng ngân hàng phủ sóng đến tận vùng nông thôn, TDĐ vẫn ngang nhiên “tung hoành” và “sống khỏe”. Bởi lẽ, vay ngoài rất dễ dàng, cần bao nhiêu cũng có, có khi chỉ cần có mối quan hệ là có thể cho vay ngay, chẳng cần thủ tục gì. Biết là lãi suất cắt cổ, rủi ro nhưng nhiều người phải chấp nhận vì đây có lẽ là con đường cuối cùng để họ giải quyết vấn đề tài chính. Những đối tượng dính đến cờ bạc, nợ nần, vay đầu này đắp đầu kia nên dù biết là “cắt cổ” vẫn đâm đầu vào. Lãi mẹ đẻ lãi con, số nợ ngày một lớn không còn khả năng thanh toán, khiến nhiều người vay vào bước đường cùng, tan gia bại sản. Cũng chính từ TDĐ, nhiều vụ vỡ nợ đã xảy ra trên địa bàn, rồi nạn giang hồ đòi nợ ăn theo, đã gây không ít vụ mất trật tự an ninh xã hội thời gian qua.
Theo quy định, trường hợp lãi suất cho vay gấp 10 lần lãi suất ngân hàng và có tính chất chuyên bóc lột sẽ bị khởi tố về tội “cho vay nặng lãi”. Tuy nhiên, xác định mức lãi suất cho vay trong thực tế rất khó, vì trên giấy tờ vay mượn thường không ghi rõ lãi suất là bao nhiêu, mà chỉ thể hiện số tiền phải trả nhất định trong một thời điểm nào đó. Để xử lý vi phạm này phải làm thế nào để điều tra được tính chất chuyên bóc lột này. Rõ ràng, không phải là điều dễ!
Vũ Thảo