Lập trang Zalo làm "tai mắt" cho công an

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mô hình "Kết nối mạng xã hội - Bình yên cho mỗi gia đình" của Công an tỉnh Đắk Lắk đã giúp kịp thời ngăn chặn các vụ việc, góp phần kéo giảm tội phạm, tệ nạn xã hội
Ngày 19-10, tại TP Buôn Ma Thuột, Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội nghị đánh giá mô hình "Kết nối mạng xã hội - Bình yên cho mỗi gia đình". Trung tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an và công an 34 tỉnh, TP đã tham dự hội nghị.
Thu được nhiều kết quả tích cực
Theo Công an tỉnh Đắk Lắk, được sự đồng ý của Bộ Công an, từ tháng 3-2020, Công an tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng và triển khai phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên không gian mạng, cụ thể là mô hình "Kết nối mạng xã hội - Bình yên cho mỗi gia đình". Qua 6 tháng triển khai đồng bộ, đến nay, công an toàn tỉnh Đắk Lắk có 225 trang Zalo được xác thực với hơn 129.200 lượt người theo dõi; 184/184 xã, phường, thị trấn đưa vào vận hành trang Zalo.
Lực lượng cảnh sát khu vực, công an viên phụ trách địa bàn đã lập 975 nhóm Zalo thôn, buôn, tổ dân phố. Qua đó, tiếp nhận, giải quyết 568 tin báo liên quan đến an ninh trật tự; trả lời, hướng dẫn 5.264 lượt câu hỏi liên quan đến thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của công an.
 
Thông qua trang Zalo, lực lượng công an đã kịp thời ngăn chặn hàng chục thanh niên chuẩn bị hỗn chiến, bắt nhiều đối tượng
Thông qua trang Zalo, lực lượng công an đã kịp thời ngăn chặn hàng chục thanh niên chuẩn bị hỗn chiến, bắt nhiều đối tượng
Đại tá Nguyễn Văn Bôn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết thông qua các trang Zalo, người dân có thể tiếp cận nhanh chóng các thông tin về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, chủ động phòng ngừa và phối hợp với lực lượng công an trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự. Mặt khác, lực lượng công an cũng chủ động nắm bắt và xử lý ngay từ cơ sở các vấn đề phức tạp nổi lên liên quan đến an ninh trật tự. Trong 9 tháng đầu năm, đã kéo giảm 5,8% số vụ xâm phạm trật tự xã hội.
"Điển hình thông qua nhóm Zalo "Cảnh sát cơ động Đắk Lắk", lực lượng công an đã ngăn chặn kịp thời vụ hàng chục thanh niên mang theo hung khí rượt đuổi đánh nhau vào tối 29-6 tại khu vực đường Ama Khê, TP Buôn Ma Thuột. Hay vụ vây ráp, tạm giữ hơn 300 thanh thiếu niên và 156 xe máy chuẩn bị đua xe trái phép vào ngày 6-9 tại khu vực hồ chứa nước Krông Búk Hạ, huyện Krông Pắk" - đại tá Nguyễn Văn Bôn thông tin.
Bên cạnh đó, qua những trang Zalo, lực lượng công an đăng tải nhiều bài viết tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về công tác bảo đảm an ninh trật tự. Thông tin kịp thời tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, cảnh báo những phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và hướng dẫn nhân dân cảnh giác phòng, chống…
Tiếp tục thực hiện và xem xét nhân rộng
Tại hội nghị, các đại biểu nhận định mô hình đã tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ, tích cực và rộng khắp, đưa các trang mạng xã hội do lực lượng công an quản lý dần trở thành kênh thông tin chính thống của người dân. Bên cạnh đó, việc hướng dẫn các thủ tục hành chính trên các trang Zalo đã góp phần thực hiện tốt công tác cải cách hành chính của lực lượng công an cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân rút ngắn thời gian giải quyết, giảm phiền hà cho nhân dân, được nhân dân hưởng ứng, ghi nhận và đánh giá cao.
Trung tướng Trần Quốc Tỏ cho hay mô hình "Kết nối mạng xã hội - Bình yên cho mỗi gia đình" tại Đắk Lắk hoạt động khá bài bản, góp phần đáng kể trong việc bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Trung tướng Trần Quốc Tỏ đề nghị tiếp tục triển khai mô hình với nội dung, hình thức phong phú, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng, ngày càng thu hút đông đảo nhân dân tham gia.
Trung tướng Trần Quốc Tỏ cũng đề nghị công an các tỉnh, TP nghiên cứu mô hình "Kết nối mạng xã hội - Bình yên cho mỗi gia đình" để cân nhắc ứng dụng, vận dụng những điểm tương đồng phù hợp với tình hình đặc điểm của địa phương cũng như vấn đề bảo mật. Việc thực hiện mô hình phải thực sự thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, không chạy theo số liệu về thành tích thi đua hoặc khẩu hiệu phong trào. Các cục nghiệp vụ trực thuộc Bộ Công an tham mưu lãnh đạo bộ và chủ trì hướng dẫn công an các địa phương thực hiện công tác bảo mật, an ninh an toàn thông tin, bảo vệ chính trị nội bộ, quy trình tiếp nhận và xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, tập huấn chuyên đề, chuyên sâu khi sử dụng mạng xã hội trong công tác phòng chống tội phạm. 
Cách làm sáng tạo
Ông Võ Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết Tỉnh ủy, UBND tỉnh đánh giá cao việc chủ động tổ chức, triển khai thực hiện thí điểm mạng xã hội để xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên không gian mạng. Đây là cách làm sáng tạo, phù hợp với xu hướng hiện nay.
Dịp này, 3 tập thể, 5 cá nhân thuộc Công an tỉnh Đắk Lắk nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an vì đã có thành tích xuất sắc trong việc xây dựng, triển khai mô hình "Kết nối mạng xã hội - Bình yên cho mỗi gia đình".
Bài và ảnh: Cao Nguyên (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm