(GLO)- 1. Ngày mùng Một. Chẳng còn nhớ tự khi nào, cứ mỗi sáng mùng 1 Tết Âm lịch về, lãnh đạo tỉnh tổ chức cho đại diện cán bộ, công nhân, viên chức các sở ngành, các vị về hưu và người dân Phố núi đến viếng các liệt sĩ ở nghĩa trang của tỉnh, rồi sau đó hoặc về Hội trường Tỉnh ủy, hay UBND tỉnh để người đứng đầu của tỉnh gặp gỡ, chúc Tết.
Với những lời tóm tắt công việc đã làm được năm qua và những công việc phải làm trong năm tới, động viên, cổ vũ mọi người cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu năm mới… Mấy chén rượu hồng được nâng lên trang trọng cùng với những lời đẹp nhất mọi người dành cho nhau trong ngày thiêng liêng này.
Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Ia Grai. Ảnh: Bích Hà |
Thế rồi, bẵng đi, cũng chẳng nhớ tự bao giờ, “tục” ấy đã không còn. Những năm đầu cứ thấy thiêu thiếu cái gì đó vào mỗi sáng mùng 1 Tết về. Một sáng kiến của giới báo chí trên địa bàn tỉnh để bù vào “chỗ trống” ấy là, mỗi sáng đầu năm, đại diện cho các cơ quan báo chí, mọi người tập hợp lại (thường là tại Báo Gia Lai) rồi đến chúc Tết các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể…, hành trình ấy đôi khi chiếm gần hết ngày mùng 1. Cũng đã thành quen theo cái mới, không những giới báo chí, mà nhiều cơ quan, đơn vị khác cũng làm như báo chí, mặc dù có “ngắn gọn” hơn, nhưng dù sao cũng tạo nên không khí vui tươi, an lành trong ngày đầu năm mới…
Công việc của ngày đầu năm, giờ chuyển sang cho ngày cuối năm (thường là 27, 28 Tết), và cũng giản lược đi, chỉ đến viếng các liệt sĩ ở nghĩa trang, 2 năm lại đây trước khi đến nghĩa trang liệt sĩ, các đại biểu đến dâng hoa, dâng hương tượng đài của Bác ở Quảng trường Đại Đoàn Kết. Thế nhưng “người trong cuộc” vẫn cứ thấy có cái gì ấy chưa trọn vẹn trong những ngày Tết Nguyên đán này?
2. Nhớ mùng 1 Tết năm nọ, cũng đã xa rồi, như mọi năm trước, sau khi làm các thủ tục như vừa kể tại Hội trường 20 Lê Hồng Phong, trên sáu chục cán bộ, công nhân, viên chức của cơ quan Tỉnh ủy tập hợp làm lễ chào cờ đầu năm. Bác Năm Vinh (Nguyễn Trung Thành)-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, trước giờ làm lễ có đôi điều dặn dò, nhắc nhở, động viên mọi người sang năm mới có nhiều sức khỏe, hăng say làm việc…, tất nhiên không thể thiếu mục chén-rượu-đầu năm, và lễ bắt đầu ngay trước sân cột cờ tiền sảnh của hội trường. Giữa chừng, dây kéo cờ bỗng dưng bị đứt, lá cờ tuột thẳng xuống đất, bác Năm Vinh đứng gần như bị chôn chân. Và suốt cả năm ấy không biết bao nhiêu chuyện rắc rối, chẳng lành xảy ra với cơ quan Tỉnh ủy. Mấy người có chút mê tín bảo xui xẻo ngay từ đầu năm, từ chuyện bất cẩn của anh say rượu(?) thiếu kiểm tra việc chuẩn bị cho lễ chào cờ từ trước nên “bề trên” khó chịu. Chưa chắc nói vậy đã đúng, nhưng ông bà ta bảo đầu năm minh niên mà có sự bất thường xảy đến thì xui xẻo cả năm.
Cho nên, cứ theo cái lệ “xưa bày nay làm” cho nó lành (tất nhiên không phải “lệ” nào cũng làm theo)-là với người viết bài này tâm niệm vậy, làm theo vậy. Cuối năm, bao giờ cũng thế, từ cấp Trung ương đến cấp xã đều có công văn, chỉ thị yêu cầu Tết phải vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, hạn chế lễ lộc, cấm cờ bạc, mê tín dị đoan. Điều ấy quá đúng, nhưng phân biệt giữa văn hóa, phong tục, tập quán với hủ tục, phản văn hóa còn là vấn đề đáng quan tâm, suy xét sao cho thấu tình đạt lý sau vậy, bởi ranh giới giữa hai khái niệm ấy nó mỏng manh lắm, nên một sớm một chiều chớ vội kết luận.
Thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Ia Grai. Ảnh: Bích Hà |
3. Mà thôi, chuyện nói trên chắc mọi người đều đã biết, cho dù mỗi người chúng ta có thể có những suy nghĩ khác nhau… Giờ tôi muốn nói đến trước đó, ngày cuối năm-30 Tết Ất Mùi.
Trên đường đến nơi cần đến-Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Ia Grai, người viết bài này lan man nhiều chuyện. Con đường không lạ, mà mỗi khi có dịp đi qua, gợi lại cho người viết bao điều về quá khứ. Những Tết của ngày ấy, để có vài nải chuối, cành mai rừng, nhóm anh em bạn tôi Lâm Thế Tổng, Nguyễn Hoàng Huy, Hoàng Lạc, Phùng Ngọc Mỹ… gồng lưng trên những chiếc xe đạp cà tàng với mấy chục cây số từ trung tâm huyện lỵ đến lúc thì Ia Ka, Ia Mơ Nông, năm thì Ia Khươl, Ia Ly (Chư Pah ngày nay) chia nhau lội sông, leo núi, vào rừng, về làng vừa tự kiếm vừa xin bà con nơi đây. Giờ,
Tết, chẳng ai còn làm như thế, mọi thứ đều có sẵn khắp phố, khắp chợ, miễn sao tiền không thiếu. Con đường một thuở mưa lầy, nắng bụi ấy, nay đã là con đường siêu đẹp, giá mà vẫn di chuyển bằng những chiếc xe đạp cổ lỗ đi nữa cũng là chuyện không có gì đáng nói. Thế mà, qua bao biến đổi mỗi người rẽ về một nẻo, và giờ đã có hai người trong nhóm ra đi vĩnh viễn-Hoàng Lạc và Nguyễn Hoàng Huy. Mỗi khi nhớ đến họ, niềm vui ngày nay họ chưa được hưởng trọn vẹn mà lòng thấy nhói đau khôn tả.
Lan man chưa dứt, Nghĩa trang Liệt sĩ Ia Grai đã hiện ngay trước mắt. Nơi ông cậu ruột tôi nằm lại. Ông là người thứ 2 trong số 5 người con của ông bà ngoại ngã xuống vì cuộc chiến tranh giải phóng này. Mỗi Tết về, mỗi 30-4, 27-7, 22-12 tôi đến thắp cho cậu nén nhang, lòng vợi đi biết bao nỗi niềm thường nhật, thay vào đó, những ký ức quay về, hiện ra mồn một, thế sự xưa nay có đổi thay chăng nữa, nhưng gia đình, dòng họ vẫn là nơi cội nguồn, điểm nương tựa, đi về, giao hòa của người thân thích, cho dù âm dương cách biệt đến nhường nào.
Nói với tôi, anh Rơmah Huoh-một giáo viên đã về nghỉ hưu, con trai của liệt sĩ Rơmah Uch (hy sinh năm 1964), ở làng De Chi, xã Ia Pêch, huyện Ia Grai khẳng định, mỗi khi đến cúng cha mình ở nghĩa trang này, cả nhà anh ai ai cũng thấy lòng nhẹ nhõm, công việc những tháng ngày sau đó dường như làm gì cũng thông suốt cả. Vì thế nên cả chục năm nay vào Ngày Thương binh Liệt sĩ 27-7 và Tết của người Kinh cả dòng họ anh đến nghĩa trang này để cúng cha và các liệt sĩ nói chung và của làng, của xã nằm ở nơi đây. Một khu mộ khác trong nghĩa trang, tôi chứng kiến bà Rơ Châm Bônh con gái liệt sĩ Siu Pêch, làng O Rang, xã Ia Hrung, cùng huyện Ia Grai đang cùng con, cháu, người thân quây quần bên mộ người cha, tôi chẳng thể nghe và hiểu bà nói gì với người cha nơi chín suối, mà mắt rưng rưng thăm thẳm đến thế. Mấy nén nhang trên mộ đã gần tàn, tôi chia sẻ cùng bà, được hay, cũng như anh Huoh, bà cho biết chẳng nhớ tự bao giờ, nhưng cũng lâu lâu rồi cả nhà bà hàng năm vào ngày này đều đến cúng cha mình ở nơi này. Nhìn ra phía cổng nghĩa trang, vẫn còn tiếp tục bao người vai gùi, tay xách hướng vô khu trung tâm, tôi chợt nghĩ, sự giao thoa văn hóa này thật là có ý nghĩa!
Bọn nhỏ thuộc hàng cháu chắt của các gia đình người thân của liệt sĩ, chẳng biết mô tê, chúng tung tăng nô đùa quanh những hàng bia mộ vốn trầm mặc giờ chắc là linh hồn các anh, các chú, các cô, các chị cũng rộn ràng tươi tắn lắm thay… trong số gần một ngàn các chú, các anh, các cô, các chị nằm ở đây, tôi đoán chắc nhiều người trong số họ ra đi khi còn rất trẻ, nhiều người chưa một lần được gần người khác giới, nhưng cũng không ít người ra đi để lại phía sau vợ trẻ, con thơ, (cậu tôi là một trong số hàng triệu triệu người ra đi vì cuộc chiến này có hoàn cảnh như thế), cho nên ai mà chẳng thương yêu con trẻ. Nghi ngút khói hương trên những mộ phần từng hàng ngay ngắn, nhìn cảnh, thấy người tôi không thể cầm nổi cảm xúc. Những người ra đi, có người đã trên một phần hai thế kỷ, cuộc chiến đã kết thúc cũng đã bốn thập niên rồi, thế mà ở đây còn 204 linh hồn vẫn chưa xác định được danh tánh, chưa tìm được người thân hương khói cho các chú, các anh, các cô, các chị, nhất là những ngày này-những ngày đoàn viên, sum họp của mọi nhà, mọi người…
Chào các chú, các anh, các cô, các chị, chào cậu Võ Trung của tôi, quay về Phố núi trong ngày cuối năm này mà lòng tôi, tim tôi nghèn nghẹn!
(Sau Giao thừa Tết Ất Mùi-2015)
Bích Hà