(GLO)- Thực hiện Công điện số 04/CĐ-UBND của UBND tỉnh về thực hiện một số biện pháp cấp bách để phòng-chống dịch Covid-19 trong thời gian cách ly toàn xã hội, các cơ quan nhà nước chỉ bố trí khoảng 1/3 số cán bộ, công chức và người lao động làm việc trực tiếp tại cơ quan, số còn lại sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà đến hết ngày 15-4. Việc làm này bước đầu cho thấy những kết quả tích cực.
Tăng cường làm việc tại nhà
Khác với trước đây, không khí làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả phường Yên Đổ (TP. Pleiku) ngày 3-4 khá yên ắng, chỉ có 3 cán bộ túc trực để xử lý những việc cấp thiết. Hai trong số 3 cán bộ này vừa được điều động lên để lập danh sách các gia đình khó khăn cần hỗ trợ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Còn bình thường, mỗi ca trực tại đây chỉ gồm 1 lãnh đạo và 1 cán bộ. Ông Ngô Tấn Công-Phó Chủ tịch UBND phường-cho biết: Việc bố trí khoảng 1/3 số cán bộ, công chức làm việc tại phường trong thời gian này không ảnh hưởng gì đến tiến độ thực hiện công việc. Số cán bộ được luân phiên ở nhà để tránh dịch vẫn làm việc bình thường, xử lý công việc qua hệ thống quản lý văn bản điều hành; thông tin trao đổi, họp hành triển khai công việc đều được thực hiện trực tiếp qua mạng xã hội Zalo hay tin nhắn Messenger trên mạng xã hội Facebook.
Ủy ban nhân dân phường Yên Đổ (TP. Pleiku) đã giảm số lượng cán bộ, công chức làm việc tại cơ quan và phân công số còn lại làm việc ở nhà, xử lý công việc qua hệ thống quản lý văn bản điều hành. Ảnh: M.T |
“Ban đầu, một số cán bộ, công chức hơi bỡ ngỡ nhưng giờ đã thấy sự tiện lợi khi làm việc trong môi trường mạng. Đến thời điểm này, không có hồ sơ thủ tục nào bị trễ hạn. “Ở nhà như ở cơ quan”, giao việc vẫn hoàn thành tốt. Cũng bởi thời gian này số đầu công việc đã được UBND phường chủ động cắt giảm, không tiếp nhận những thủ tục chưa thật sự cấp thiết. Ngoài ra, phường cũng ra thông báo tạm dừng tiếp, làm việc trực tiếp với công dân trong vòng 15 ngày, kể từ 1-4; tạm dừng tất cả các thủ tục hành chính nộp trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của phường trong thời gian thực hiện cách ly toàn xã hội phòng-chống dịch Covid-19”-Phó Chủ tịch UBND phường Yên Đổ thông tin.
Trong khi đó, bà Võ Thị Hằng-Chủ tịch UBND phường Hội Thương (TP. Pleiku) cũng khẳng định, công tác chỉ đạo, điều hành được xử lý hoàn toàn qua hệ thống quản lý văn bản điều hành; các cuộc họp triển khai công việc được trao đổi trực tiếp qua mạng xã hội Zalo. Ban chỉ đạo phòng-chống dịch của phường tạo nhóm Zalo chung để triển khai công việc hàng ngày; báo cáo tình hình phòng-chống dịch được cập nhật liên tục; chỉ đạo xử lý công việc trực tiếp bằng tin nhắn. Trừ những trường hợp khẩn cấp cần xin ý kiến lãnh đạo hoặc liên quan đến thông tin nhạy cảm, bí mật thì mới gọi điện thoại trao đổi xin ý kiến để xử lý. Ngày bình thường, phường Hội Thương có gần 20 cán bộ, công chức làm việc nhưng thời điểm này chỉ bố trí 3 người trực tại cơ quan để giải quyết công việc.
Cũng theo bà Hằng, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của phường đã có thông báo tạm dừng tiếp công dân, giải quyết thủ tục hành chính. Nhưng với các hồ sơ, thủ tục cần thiết của công dân, phường vẫn linh động giải quyết. Tuy vậy, thời gian này, lượng người đến giao dịch tại phường rất ít, chỉ một vài trường hợp làm thủ tục đáo hạn ngân hàng hay trình giấy hoàn thành thời gian cách ly tập trung. Số cán bộ làm việc tại nhà vừa giải quyết công việc từ xa qua mạng, vừa luân phiên phối hợp với cán bộ Mặt trận, đoàn thể, Công an tổ chức tuyên truyền lưu động trên địa bàn nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm việc cách ly trong thời gian này.
Đảm bảo hoạt động thông suốt
Trong khi đó, thực hiện Công điện số 04 của UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cũng đã cắt giảm từ 57 cán bộ, công chức xuống còn 12 người làm việc tại cơ quan theo lịch phân công; mỗi phòng 1 người, nếu có công việc gấp cần xử lý thì bố trí thêm nhưng tối đa không quá 2 người/phòng. Bà Bùi Khoa Nghi-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT-cho hay: “Số cán bộ, công chức, người lao động còn lại được bố trí làm việc ở nhà và được giám sát, theo dõi dựa trên kết quả hoàn thành công việc qua hệ thống quản lý văn bản điều hành. Sở cũng đã chủ động tạo nhóm Zalo kết nối từ giám đốc đến từng cán bộ, công chức, người lao động toàn cơ quan để họp giao ban, trao đổi công việc”.
Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ bố trí 12/57 cán bộ, công chức làm việc tại cơ quan theo lịch phân công. Ảnh: M.T |
Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, thời gian này, các phòng đang tập trung chỉ đạo công tác phòng-chống tai nạn thương tích trong các trường mầm non, tiểu học; chăm sóc dinh dưỡng học sinh mầm non; đảm bảo chế độ chính sách cho giáo viên hợp đồng ngoài công lập tạm ngừng giảng dạy trong thời gian học sinh nghỉ học; tập trung triển khai dạy học trực tuyến trên truyền hình đối với học sinh lớp 9 và lớp 12... “Tiến độ giải quyết công việc được hiển thị trên hệ thống đối với từng phần việc, thông tin trao đổi qua lại giữa lãnh đạo với nhân viên bằng tin nhắn, riêng lãnh đạo trao đổi công việc với nhau bằng điện thoại. Việc ký ban hành văn bản được thực hiện bằng chữ ký số nên các hoạt động diễn ra trôi chảy bình thường, không bị ách tắc hay trì trệ ở bất kỳ khâu nào”-bà Nghi thông tin.
Để đảm bảo tiến độ công việc trong thời gian cách ly toàn xã hội phòng-chống dịch Covid-19, ông Đỗ Việt Hưng-Giám đốc Sở Xây dựng-cho biết: Sở đã có thông báo hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, đồng thời chỉ đạo điều hành công việc qua mạng xã hội Zalo; xử lý công việc phân công trên hệ thống quản lý văn bản điều hành. Các phòng đều tạo nhóm Zalo riêng để tiện trao đổi công việc, số cán bộ làm việc tại nhà thường xuyên giữ liên lạc với lãnh đạo nên công việc vẫn trôi chảy. “Trong trường hợp cần thiết, lãnh đạo sẽ điều động, phân công theo yêu cầu nhiệm vụ đối với số cán bộ, công chức, người lao động làm việc ở nhà. Thời gian làm việc ở nhà, công chức, người lao động tự giác chấp hành yêu cầu phòng-chống dịch; thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ mình và gia đình; giữ liên lạc với lãnh đạo phòng, hạn chế tối đa việc di chuyển địa bàn; tham gia khai báo y tế tự nguyện”-Giám đốc Sở Xây dựng cho hay.
Còn ông Nguyễn Ngọc Hùng-Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thì cho hay: Để đảm bảo công việc trong thời gian thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, Sở đã có văn bản gửi các sở, ngành, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp và các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn ứng dụng công nghệ thông tin để làm việc từ xa qua mạng internet. Ngoài điều hành làm việc từ xa qua mạng internet bằng các phần mềm quản lý văn bản điều hành, thư điện tử công vụ, phần mềm một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 để xử lý hồ sơ, thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân…, các cơ quan, đơn vị, địa phương có thể sử dụng các phần mềm công cộng tiện ích miễn phí để họp trực tuyến nội bộ, xử lý công việc đột xuất, chỉ đạo điều hành công việc trực tuyến. “Phương thức họp trực tuyến, “họp thông minh” làm việc từ xa nhằm hạn chế đi lại, tiếp xúc trực tiếp đối với các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn bằng các thiết bị di động thông minh hoặc máy vi tính có kết nối internet là giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng-chống dịch”-ông Hùng cho hay.
MINH NGUYỄN