Lãi suất huy động giảm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

NHNN chưa quyết định hạ lãi suất, nhưng nhiều ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất. Tuy nhiên chỉ có lãi suất huy động giảm, còn cho vay không giảm nhiều. Các thống kê cho thấy, thời gian qua tuy lãi suất giảm liên tục từ 14%/năm xuống còn 9% nhưng tổng số dư tiền gửi tại các tổ chức tín dụng vẫn tăng đều mỗi tháng và hiện có mức tăng khoảng 15% so với đầu năm.
 

 

Việc giảm lãi suất, không gây ra nguy cơ tiền gửi được rút khỏi ngân hàng (NH) để chuyển sang các kênh đầu tư khác. Bởi đầu tư vào vàng, bất động sản, chứng khoán đang gặp nhiều khó khăn. Còn gửi tiền tại ngân hàng đang là sự lựa chọn ưu tiên của người dân so với các kênh đầu tư khác.

Năm nay kỳ vọng lạm phát khoảng 7,5%, do đó lãi suất huy động vẫn có thể giảm được khoảng 1%/năm nữa. Thời gian tới lãi suất huy động dự kiến sẽ giảm xuống mức 8%/năm.

Tuy nhiên lãi suất huy động đã giảm, nhưng các doanh nghiệp (DN) phàn nàn lãi suất cho vay vẫn chưa có chiều hướng giảm. Thực tế cho thấy, các NH đến nay mới dè dặt đưa ra các gói tín dụng lãi suất thấp cho DN.

Chẳng hạn, Sacombank mới tung ra gói tín dụng 1.000 tỷ đồng cho DN tham gia bình ổn thị trường, hộ kinh doanh cá thể, tiểu thương dịp cuối năm với lãi suất vay 10%/năm trong 3 tháng đầu, thời hạn vay tối đa 6 tháng và gói tín dụng này chỉ kéo dài đến hết tháng 1-2013.

Techcombank hiện có chương trình vốn dành cho DN vừa và nhỏ trong thời gian 12 tháng, nhưng lãi vay là 14% -15%/năm. Còn lãi suất cho vay cá nhân từ 16-17%/năm. VIB sau hai tuần áp "trần" lãi suất cho vay 15%/năm, đã vội vã tăng lên 15,79%/năm. Chỉ những khách hàng vay mới để mua nhà, xây dựng, sửa chữa nhà, cá nhân kinh doanh mới được ưu đãi lãi suất 9,9%/năm trong 3 tháng đầu.

Lãnh đạo một ngân hàng cho biết, trong tình hình hiện nay chẳng ngân hàng nào muốn giảm lãi vay vì đã phải chịu chi phí lớn cho việc huy động vốn giá cao từ trước kia, phải trích lập dự phòng rủi ro, xử lý nợ xấu tăng... Hơn nữa, các khoản nợ gốc và lãi đều khó thu hồi nên nhà băng đã bị đọng vốn, đọng lợi nhuận. Chỉ một số ngân hàng quốc doanh có nguồn vốn giá rẻ mới có khả năng giảm lãi suất xuống dưới 10%/năm.

Như vậy khi lãi suất huy động giảm thì khoảng cách với lãi suất cho vay lại đang cách xa, và chỉ có ngân hàng được hưởng lợi. Và có vẻ như các ngân hàng chưa có thiện ý giảm lãi suất và nếu có giảm cũng phải chờ lệnh ép từ NHNN như đã từng làm.

Theo số liệu công bố, dù không có được lợi nhuận lớn như mọi năm trước nhưng các ngân hàng vẫn đang kiếm đậm hàng ngàn tỷ trong tình cảnh các DN gặp nhiều khó khăn. Vietcombank cho biết, đến hết quý III-2012 đạt lợi nhuận trước thuế hơn 4.394
tỷ đồng và cả năm sẽ đạt 5.700 tỷ đồng. VietinBank cũng có lợi nhuận trước thuế tính đến hết tháng 9-2012 là 5.959 tỷ đồng. Eximbank cũng có lợi nhuận trước thuế đạt hơn 2.437 tỷ đồng. Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB) cho biết, lãi 2.725 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, tăng 53,5% so với cùng kỳ năm trước…

Trong khi nhiều ngân hàng lãi đậm thì các DN đang hết sức điêu đứng. Số liệu mới nhất cho thấy có đến 46.500 DN giải thể và tạm ngừng hoạt động tính đến hết tháng 11-2012 và con số này vẫn không ngừng tăng lên, dự kiến cả năm 2012 sẽ vào khoảng 55.000 DN.

Các DN cho biết hiện họ vẫn phải chịu mức lãi suất cao, phổ biến là15%/năm, thậm chí có DN vẫn phải vay với lãi suất 17,5%/năm, những DN vay vốn được với lãi suất 12% rất ít. Chi phí tài chính cao, khiến nhiều DN không còn lợi nhuận, sản xuất kinh doanh thiếu hiệu quả.

Lãi suất cao không chỉ gây khó khăn cho sản xuất, mà còn đang làm giảm mạnh sức cạnh tranh của DN Việt Nam so với khu vực. Theo tính toán, lãi suất của Việt Nam hiện đang cao hơn từ 2-3 lần so với các nước trong khu vực, do đó nếu các yếu tố khác không đổi thì giá thành sản phẩm của Việt Nam đang cao hơn 2% so với Ấn Độ, 2,51% so với Thái Lan, 2,6% so với Trung Quốc và 2,8% so với Singapore.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng hạ lãi suất không phải là giải pháp duy nhất cứu DN. Dù lãi suất cho vay có hạ xuống mức 10%/năm đi nữa thì DN có thể vay được vốn từ ngân hàng cũng không nhiều. Những DN không đủ tiêu chuẩn, ngân hàng cũng không dám cho vay vì sợ nợ xấu; DN không có đầu ra cho sản phẩm thì cũng không cần đầu vào.

Vì thế, bên cạnh lãi suất, nhiều chuyên gia cho rằng cần đẩy mạnh là kích thích tiêu dùng và giảm thuế thu nhập DN, thuế giá gia tăng... để tạo ra giải pháp đồng bộ mới cứu được DN trong tình cảnh hiện nay.

Theo VOV

Có thể bạn quan tâm

Tập huấn kiểm kê tài sản công

Tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công

(GLO)- Ngày 28 và 29-11, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai.