Ông Đặng Đức Tri |
Thưa ông, việc Ngân hàng Nhà nước vừa điều chỉnh tỷ giá giữa VND và USD có tác động như thế nào đối với doanh nghiệp nói chung và Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê nói riêng?
- Ông Đặng Đức Tri: Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê là đơn vị kinh doanh các ngành nghề: Trồng trọt; công nghiệp hóa chất phân bón và cao su; thương nghiệp bán buôn; khai hoang xây dựng vườn cây; kinh doanh, chế biến nông sản… Nhiệm vụ chủ yếu trong năm 2011 là chăm sóc thâm canh tốt trên 6.533 ha cao su hiện có, trong đó diện tích cao su đã đưa vào khai thác 5.993,94 ha. Việc điều chỉnh tỷ giá giữa VND và USD kéo theo doanh thu của Công ty sẽ tăng lên 483 tỷ đồng, tức là tăng 48 tỷ đồng so với trước đây. Là doanh nghiệp xuất khẩu, vừa phải nhập khẩu nhưng giá trị xuất khẩu lớn hơn nhiều giá trị nhập khẩu nên việc điều chỉnh tỷ giá giữa VND và USD không có gì đáng lo ngại và riêng về khía cạnh này doanh nghiệp có lợi. Tuy nhiên, chi phí đầu vào tăng thì nhất định sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của Công ty và chắc chắn tỷ suất lợi nhuận trên vốn sở hữu khó có thể đạt như năm trước.
Đơn vị có tham gia vào dự án phát triển cao su tại Campuchia. Với suất đầu tư khá lớn và quy đổi ra ngoại tệ để đầu tư thì việc điều chỉnh tỷ giá giữa VND và USD lại là bất lợi cho doanh nghiệp ở phương diện này.
Công ty đang đầu tư rất lớn trên nhiều lĩnh vực nên đương nhiên phải vay vốn ngân hàng. Với lãi suất rất cao như hiện nay thì lợi ích điều chỉnh tỷ giá có bù đắp cho việc vay để đầu tư ?
- Ông Đặng Đức Tri: Như đã phân tích ở trên, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê vừa là doanh nghiệp xuất khẩu nhưng đồng thời vừa nhập khẩu và đầu tư trồng cao su ở nước ngoài thì việc điều chỉnh tỷ giá giữa VND và USD không thể nào bù đắp được cho doanh nghiệp trong việc hạch toán chi phí. Người đi vay trước hết chỉ mong lãi suất thấp. Với cây cao su, trung bình phải mất 7 năm mới cho khai thác mủ, tức là phải đầu tư khá dài mới có thu hoạch, lúc đó mới có doanh thu nên còn cần thêm thời gian cho vay có ân hạn dài khoảng trên 12 năm, thì điều kiện trả nợ và hoàn vốn mới đảm bảo. Song với điều kiện hiện tại, nếu đơn vị không vay thì vốn đâu để đầu tư phát triển? Đây là vấn đề mà các ngân hàng cần xem xét, có cơ chế cho vay, lãi suất phù hợp, ổn định thì doanh nghiệp mới có thể tính toán lỗ, lãi để đầu tư phát triển. Đối với các dự án đầu tư ra nước ngoài, việc điều chỉnh tỷ giá giữa VND và USD lại là một khó khăn không nhỏ cho doanh nghiệp.
Vậy Công ty cần làm gì trong bối cảnh hiện nay?
- Ông Đặng Đức Tri: Trước hết, Công ty đề ra những giải pháp cụ thể thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về những biện pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Về xu hướng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, Công ty luôn quan tâm đến quá trình điều hành, tổ chức sản xuất, quản trị chi phí đầu vào thật tốt, tiết kiệm tối đa có thể; không ngừng tìm kiếm vật tư, máy móc, thiết bị, hóa chất trong nước có giá rẻ thay thế được cho hàng nhập khẩu; khai thác tối đa công suất các máy móc, thiết bị, công cụ, dụng cụ hiện có; hạn chế việc mua sắm.
Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản phải tính toán thật căn cơ hiệu quả, không lãng phí; hạn chế tối đa việc chi tiêu không cần thiết, phát động phong trào thực hành tiết kiệm tối đa để vượt qua khó khăn.
Xin cảm ơn ông!
Hoàng Anh Phượng (thực hiện)