Kỹ năng bị tước đoạt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cái gọi là kỹ năng sống có lẽ không có trong “từ điển” của những đứa trẻ nhà nghèo, bởi đó vốn đã là điều cơ bản, thực tế, hiển nhiên mà chúng phải thực hiện trong cuộc sống hàng ngày. Đơn giản nhất, mỗi sáng khi thức dậy, trẻ phải tự mình gấp chăn màn rồi mới tiến hành vệ sinh cá nhân. Xong việc, quay ra tự ăn sáng và dọn dẹp nhà cửa. Nếu đứa trẻ tầm 6-7 tuổi thì việc nấu ăn cũng không là ngoại lệ. 
Ở thập niên 70-80 của thế kỷ trước, đấy là việc hiển nhiên của từng đứa trẻ, không mè nheo, không kỳ kèo bởi đó đã là trật tự, là nền nếp. Cứ ăn sáng xong là đeo cặp tự đi bộ đến trường. Đi học một buổi, buổi còn lại giúp bố mẹ việc nhà như: kiếm củi, gánh cỏ, cắt phân xanh, chăn bò… “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, cứ vừa làm vừa chơi, vừa chơi vừa học. Bố mẹ không cần chỉ dẫn nhiều bởi nhà nào cũng nhiều con, cứ đứa trước chỉ đứa sau, đứa lớn bảo đứa nhỏ một cách trật tự, dễ hiểu. Đứa trẻ nào cũng phải tự làm là chính, làm một lần không được thì 2-3 lần, thể nào cũng phải biết.
 Ảnh minh họa (nguồn: INTERNET)
Ảnh minh họa (nguồn: INTERNET)
Cái gọi là kỹ năng sống có từ đó. Đi rừng đi núi kiếm củi như ngày xưa thì làm gì có diêm hay bật lửa mà bọc theo. Vậy nên, đám con trai tháo vát luôn biết cách lấy đá đánh lửa nhúi vào các búi cỏ, búi rơm khô rồi phồng má mà thổi. Muốn nấu cơm thì mang theo dao nhỏ để chặt ống nứa, không thì cứ chuẩn bị theo một cái lon sữa bò, bỏ nhúm gạo vào, xuống suối lấy nước vo rồi cứ thế bắc lên bếp mà nấu. Kiếm được thêm chút củ, nấm, rau dại gì cho thêm vào nồi cũng được, không đủ chỗ để nấu thì cứ vùi đại vào tro trong bếp thể nào cũng chín. Và cũng từ các chuyến đi rừng như vậy, tự đám trẻ sẽ phân biệt được các loại rau, củ, nấm, cây rừng nào ăn được, loại nào có độc để tránh xa; cây nào là thuốc cần mang về nhà dùng, lá nào cầm máu, lá nào giải độc rắn cắn… Về đến nhà là tự động tắm rửa, nấu nướng, sắp xếp công việc rồi học bài và soạn sách vở cho hôm sau. Dần dần, những kỹ năng được nâng tầm lên từ lúc nào không biết. 
Vậy mà ngày nay, các việc đơn giản của con trẻ như tự vệ sinh cá nhân, tự ăn, tự xách cặp đi học đều bị bố mẹ tước đoạt một cách không thương tiếc bằng cách làm hết giúp con với lý do con còn nhỏ, chưa tự làm được. Chỉ cần thấy con đến lớp khênh bàn ghế, cầm cái chổi quét dọn là có phụ huynh đã nhảy dựng lên đòi kiện nhà trường vì mình đã nộp tiền phục vụ mà tại sao con mình phải làm những việc vất vả đó. Cái lý của các vị phụ huynh này là: “Con tôi ấy à, ở nhà cháu chả biết làm một việc gì cả”. Nói một cách hồn nhiên, một cách tự hào vì mình đã bảo bọc con đủ đầy sung sướng đến mức không biết làm một việc gì (ngày xưa đấy là đặc quyền của những thiếu gia, tiểu thư con nhà giàu có). Vì vậy mà đến giờ có những cô cậu học trò đã học đến bậc THPT vẫn chưa biết những kỹ năng cơ bản nhất như nấu cơm, nhặt rau, phụ giúp cha mẹ việc nhà. Vì vậy mới có câu chuyện dở khóc dở cười trên mạng xã hội vừa qua, khi một sinh viên “tố” bạn cùng phòng ăn tô mì xong để tận 1 tuần chưa rửa khiến chiếc tô mốc xanh mốc đỏ! 
Quan tâm và yêu thương con có rất nhiều cách, không phải cứ con ngã là chạy lại nâng đỡ, xuýt xoa mới là yêu thương, còn bảo con hãy tự đứng dậy là không quan tâm. Chính các bậc phụ huynh mới là những người sáng suốt nhất trong việc chọn con đường cho con em mình; con đường nào sau này con có thể tự mình đi mà không cần chỉ bảo, dẫn dắt quá nhiều mới là lối đi nên hướng đến. Vậy thì tại sao phụ huynh lại tự mình tước bỏ đi những kỹ năng thiết yếu của con ngay khi chúng đang dần hình thành?
 KIM SƠN

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.