Kông Chro đẩy mạnh công tác giảm nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm gần đây, huyện Kông Chro (Gia Lai) đã huy động nhiều nguồn lực, tập trung triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Nhờ đó, huyện đã duy trì tỷ lệ giảm nghèo bình quân mỗi năm hơn 6%, cao gấp đôi mức bình quân chung của tỉnh.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 6%/năm
Theo thống kê, cuối năm 2017, huyện Kông Chro còn 4.132 hộ nghèo, chiếm 37,37%, giảm 7,67% so với cuối năm 2016. Trong đó, có đến 3.979 hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 96,3% số hộ nghèo toàn huyện. Do vậy, năm 2018, huyện Kông Chro tiếp tục đặt ra mục tiêu đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo, phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 6% trở lên so với năm 2017.
Nông dân xã Yang Trung thu hoạch bắp. Ảnh: Ngọc Sang
Nông dân xã Yang Trung thu hoạch bắp. Ảnh: Ngọc Sang
Theo ông Đinh Văn Brơn-Phó Chủ tịch UBND xã Yang Trung, toàn xã còn 137 hộ nghèo (chiếm 20,69%) và 65 hộ cận nghèo (chiếm 9,81%). Mục tiêu của xã đến năm 2020 là kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 7%. Để đạt mục tiêu này, xã đã chủ động phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm phát triển kinh tế gia đình. Hiện nhiều hộ dân trong xã đã chuyển đổi sang trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, địa phương còn tập trung thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế cho người nghèo như: mở 2 lớp tập huấn kỹ thuật trồng lúa và trồng bắp cho 60 hộ dân; hỗ trợ bò sinh sản cho 12 hộ nghèo; khuyến khích vay vốn đầu tư phát triển sản xuất; triển khai Chương trình 30a của Chính phủ…
Tương tự, những năm qua, xã Đak Pơ Pho cũng đã triển khai hiệu quả 2 chương trình mục tiêu quốc gia đó là xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, trọng tâm là hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phát triển sản xuất. Nhờ vậy, tỷ lệ giảm nghèo của xã vài năm trở lại đây luôn đạt 7%. Ông Trương Quang Giàu-Chủ tịch UBND xã Đak Pơ Pho-cho biết: Từ đầu năm đến nay, địa phương đã cấp 10 con bò giống cho 10 hộ nghèo; cấp hơn 26.500 kg phân bón cho 604 hộ; các chương trình 30a, xây dựng nông thôn mới cũng đang được triển khai thực hiện để hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo; công tác hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, gia đình người có công cũng được xã quan tâm.
Huy động tối đa các nguồn lực để giảm nghèo
 Cán bộ xã Đak Pling tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm để phát triển sản xuất. Ảnh: Ngọc Sang
Cán bộ xã Đak Pling tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm để phát triển sản xuất. Ảnh: Ngọc Sang
Xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương, cấp ủy, chính quyền huyện Kông Chro đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp. Đặc biệt, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan, UBND các xã, thị trấn chủ động triển khai tốt kế hoạch giảm nghèo năm 2018. Theo đó, huy động toàn bộ hệ thống chính trị, mọi nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2018 giảm trên 6% so với cuối năm 2017; tập trung đẩy nhanh giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phấn đấu không còn hộ nghèo là gia đình chính sách, người có công; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Ông Trần Đình Phùng-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện-cho biết: Năm 2018, tổng nguồn vốn bố trí cho chương trình giảm nghèo bền vững là hơn 60,8 tỷ đồng để triển khai các chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt; đào tạo nghề, giải quyết việc làm; hỗ trợ nhà ở; khám-chữa bệnh. Đặc biệt, 9 tháng năm 2018, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đạt hơn 207,7 tỷ đồng với hơn 8.990 lượt hộ vay, chủ yếu là hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Nhìn chung, nguồn vốn chính sách đã phát huy hiệu quả, tạo cơ hội cho nhiều hộ vươn lên thoát nghèo. Nhiều địa phương trong huyện cũng đã xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững như sản xuất chuyên canh, hình thành cánh đồng mẫu lớn theo hướng hàng hóa để người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận và tham gia.
“Trong những năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững cùng hàng loạt chủ trương, chính sách xóa đói giảm nghèo đã được khiển khai đồng bộ ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo cơ hội phát triển kinh tế-xã hội, làm thay đổi rõ rệt diện mạo nông thôn các xã đặc biệt khó khăn, nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất hàng hóa. Đồng thời, các chương trình giảm nghèo cũng tạo cơ hội cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ phát triển sản xuất, các dịch vụ xã hội thuận lợi, chất lượng hơn; nhận thức và năng lực của người nghèo cũng được nâng cao. Nhờ đó, kết quả giảm nghèo cũng có những chuyển biến rõ nét”-ông Phùng đánh giá.
Để đạt tỷ lệ giảm nghèo từ 6% trở lên vào cuối năm 2018, hệ thống chính trị các cấp trong huyện đã cùng vào cuộc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, huyện tiếp tục nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững; tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt phát triển kinh tế hàng hóa ở các xã nghèo và thôn, làng đặc biệt khó khăn; gắn chương trình giảm nghèo bền vững với chương trình xây dựng nông thôn mới, các dự án phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn nhằm huy động tối đa các nguồn lực cho giảm nghèo, đảm bảo người nghèo được thụ hưởng đúng, kịp thời các chính sách của Nhà nước; tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh ở các xã đặc biệt khó khăn; giảm khoảng cách về thu nhập và mức sống giữa các vùng, các nhóm dân cư.
Ngọc Sang

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.