Gia Lai khẳng định vị thế trong khu vực
Vùng Tây Nguyên có diện tích tự nhiên 54.548 km2, chiếm 1/6 diện tích tự nhiên của cả nước. Tây Nguyên có khí hậu, thổ nhưỡng và nhiều tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là khoảng 1 triệu ha đất đỏ bazan màu mỡ, hơn 3 triệu ha rừng (chiếm 35,7% diện tích rừng cả nước) và khoảng 10 tỷ tấn trữ lượng bôxit (chiếm 90% trữ lượng bôxit cả nước).
Tây Nguyên là nơi sinh sống của khoảng 6 triệu người, trong đó có 52 dân tộc thiểu số với gần 2,2 triệu người. Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên có truyền thống đoàn kết, đấu tranh cách mạng rất kiên cường; có nền văn hóa dân tộc vừa đa dạng, phong phú, vừa có nhiều nét đặc sắc riêng. Nằm trong khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam, Tây Nguyên được coi là một địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh của cả nước, là “phên giậu” phía Tây của Tổ quốc, là “nóc nhà” của Đông Dương.
Lãnh đạo tỉnh tiếp đón Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc vào sáng 22-5-2022 tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku). Ảnh: Đức Thụy |
Xuất phát từ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng đất này, cách đây 20 năm, Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW và 10 năm sau, Bộ Chính trị khóa XI ban hành Kết luận số 12-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2010 và thời kỳ 2011-2020.
Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TW, các tỉnh Tây Nguyên đã khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế để phát triển. Quy mô kinh tế toàn vùng được mở rộng, năm 2020 đạt khoảng 287 ngàn tỷ đồng, gấp khoảng 14 lần năm 2002. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng dịch vụ; công nghiệp phát triển nhanh. Tây Nguyên trở thành vùng sản xuất nông sản lớn với nhiều mặt hàng chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu của cả nước như: cà phê, cao su, hồ tiêu, trái cây...
Trên cơ sở Nghị quyết 10-NQ/TW của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 14-CT/TU ngày 24-4-2002 và Nghị quyết số 21-NQ/TU ngày 18-10-2004 về xây dựng và phát triển Gia Lai toàn diện, bền vững. Sau 20 năm triển khai, kinh tế của tỉnh có bước tăng trưởng khá qua từng năm. Gia Lai từ một tỉnh miền núi nghèo nàn, lạc hậu, phân nửa số dân là người dân tộc thiểu số với trình độ còn hạn chế đã vươn lên phát triển, từng bước khẳng định vị thế của mình trong khu vực.
Cụ thể, tốc độ tăng GRDP bình quân giai đoạn 2002-2020 của vùng đạt 8,22%/năm. Lâm Đồng là địa phương đứng đầu toàn vùng với tốc độ tăng GRDP bình quân giai đoạn 2002-2020 đạt 8,86%/năm, tiếp theo là Kon Tum 8,72%/năm; Gia Lai thứ 3 với 7,55%/năm. Tỉnh Đak Lak có tốc độ tăng thấp nhất với 6,88%/năm.
Gia Lai triển khai nhiều chính sách liên kết hình thành chuỗi sản phẩm để nâng cao giá trị nông sản. Ảnh: Hà Duy |
Tổng thu ngân sách trên địa bàn vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016-2020 đạt 113,4 ngàn tỷ đồng (tăng 67,8% so với giai đoạn 2011-2015), tăng 14,4%/năm, cao hơn 6,1% so với bình quân cả nước (8,3%/năm). Gia Lai cũng đứng thứ 3 khu vực về tổng thu ngân sách trong giai đoạn này với 20.374 tỷ đồng (cao nhất là tỉnh Lâm Đồng đạt 35.689 tỷ đồng, Đak Lak đạt 30.678 tỷ đồng, thấp nhất là Đak Nông với 11.531 tỷ đồng).
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội của vùng dần được cải thiện với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2002-2020 đạt 16,1%/năm (năm 2020 có tốc độ tăng trưởng vốn cao nhất là 25,3%). Gia Lai nằm trong top đầu với tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2016-2020 đạt 104.402 tỷ đồng (Lâm Đồng cao nhất với 130.000 tỷ đồng, Đak Nông thấp nhất với 72.300 tỷ đồng). Thu nhập bình quân đầu người của vùng tăng đều qua các năm, đến năm 2020 đạt 33,8 triệu đồng/năm. Riêng Gia Lai, nếu năm 2005, thu nhập bình quân đầu người mới đạt 5,14 triệu đồng thì đến năm 2015 đã tăng lên 35 triệu đồng và tiếp tục tăng lên đạt 51,9 triệu đồng năm 2020.
Văn hóa-xã hội của vùng có nhiều tiến bộ. Đời sống văn hóa của người dân ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống được phát huy. Công tác giảm nghèo được chú trọng đúng mức. Quốc phòng-an ninh được giữ vững; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức Đảng và đảng viên được nâng lên; chất lượng hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội được nâng cao, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố.
“Kích hoạt” để phát triển vùng
Mô hình phát triển kinh tế của 5 tỉnh vùng Tây Nguyên tương đối giống nhau, song khu vực này vẫn chưa có sự liên kết vùng và phân công giữa các tỉnh trong phát triển kinh tế. Các địa phương vẫn áp dụng mô hình phát triển theo chiều rộng, chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ, xuất khẩu nguyên liệu thô, do đó hiệu quả thấp và không bền vững. Mạng lưới giao thông kết nối các địa phương trong nội vùng Tây Nguyên chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động và phát triển liên kết kinh tế vùng, chưa bảo đảm lưu thông hàng hóa, hành khách với tốc độ cao và thông suốt giữa các địa phương trong vùng, liên vùng.
Gia Lai hiện có diện tích cây công nghiệp lớn trên 98.400 ha (sản lượng trên 257.000 tấn), khoảng 88.650 ha cao su (sản lượng trên 123.700 tấn), khoảng 13.700 ha hồ tiêu (sản lượng trên 49.500 tấn), trên 21.300 ha điều (sản lượng khoảng 17.100 tấn) và trên 21.300 ha cây ăn quả. Về chăn nuôi, Gia Lai có đàn trâu trên 14.000 con, đàn bò trên 434.000 con (đứng đầu vùng Tây Nguyên), đàn heo trên 462.000 con và đàn gia cầm trên 4 triệu con. Tỉnh đang định hướng phát triển theo chiều sâu chứ không phát triển theo chiều rộng như trước kia. Theo đó, tập trung phát triển các “trụ cột” như: năng lượng tái tạo và du lịch. Song để có được những kết quả xứng với tiềm năng vẫn cần những điều kiện đặc thù cũng như sự đầu tư đúng mức.
Gia Lai từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông để tăng cường liên kết vùng. Ảnh: Hà Duy |
Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với vùng; đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Tây Nguyên trong bối cảnh phát triển mới. Đây cũng sẽ là cơ sở quan trọng cho sự ra đời của các cơ chế, chính sách mới nhằm khai thác, phát huy ở mức cao nhất tiềm năng, lợi thế cho phát triển nhanh và bền vững toàn vùng cũng như các địa phương trong vùng.
Tại hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW tổ chức ngày 20-11-2022 tại tỉnh Lâm Đồng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu phát triển vùng Tây Nguyên gói gọn trong 8 chữ “Đột phá-Bao trùm-Toàn diện-Bền vững”, trong đó, xác định lấy nội lực (con người, thiên nhiên, truyền thống lịch sử-văn hóa) là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, kết hợp hài hòa với ngoại lực (như công nghệ, quản trị, tài chính, hỗ trợ đào tạo nhân lực…) là quan trọng, đột phá, thường xuyên. Định hướng nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh: “Chính phủ sẽ mạnh dạn cho địa phương thí điểm triển khai một số chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Thể chế chính sách phải xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, nên các địa phương Tây Nguyên phải chủ động đề xuất”.
Cũng tại hội nghị này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã khẳng định: Tư tưởng chỉ đạo và nội dung Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 152/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ đã đưa ra nhiều quan điểm định hướng mới, có tính đột phá trong phát triển của vùng Tây Nguyên, gắn với một số chủ trương lớn về xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi, đặc thù. Chương trình hành động bám sát quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị. Chương trình hành động đã đặt ra 20 chỉ tiêu cụ thể về kinh tế-xã hội và môi trường phấn đấu đạt đến năm 2030. Trong đó, có một số chỉ tiêu quan trọng như: tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 7-7,5%; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 130 triệu đồng/năm; tỷ lệ nghèo đa chiều giảm bình quân 1-1,5%/năm, 85% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 47%.
Gia Lai đề ra mục tiêu: Đến năm 2030 phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững; nâng cao chất lượng tăng trưởng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, trở thành vùng động lực khu vực Tây Nguyên. Tỉnh cũng đề ra mục tiêu đến năm 2045 trở thành “Cao nguyên sinh thái, thể thao và nâng cao sức khỏe”. Một số chỉ tiêu quan trọng được tỉnh đặt ra như: tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân/năm giai đoạn 2021-2030 đạt 9,56%; thu nhập bình quân đầu người và tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người (GRDP/người) đến năm 2030 đạt 160 triệu đồng; thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân hàng năm 9-10%; tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 là 40%; đến năm 2030 không còn hộ nghèo...
Giải pháp mà tỉnh đưa ra là xây dựng quy hoạch phát triển vùng, xác định các chiến lược phát triển; tăng cường liên kết giữa các tỉnh trong vùng, giữa Tây Nguyên với các vùng khác; chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế; thúc đẩy cơ chế liên kết hình thành chuỗi sản phẩm. Đặc biệt, tỉnh chú trọng xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng vùng động lực; ưu tiên đầu tư đường cao tốc Quy Nhơn-Pleiku-Lệ Thanh; nâng cấp Cảng Hàng không Pleiku; phát triển hạ tầng khu-cụm công nghiệp, logistics. Đồng thời tạo đột phá hành lang phát triển và các cực không gian tăng trưởng, trong đó, trục hành lang kinh tế quốc lộ 14, 19, 25 sẽ là 3 hành lang kinh tế động lực kết nối TP. Pleiku và phụ cận lan tỏa kinh tế-xã hội đến các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh.
KIM LINH