Khu kinh tế đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với chủ đề: “Đoàn kết-Sáng tạo-Đồng hành-Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển”, năm 2017, các thành viên trong Khối thi đua Ban Quản lý Khu Công nghiệp, Khu Kinh tế các tỉnh Tây Nguyên đã thực hiện tốt các mặt công tác, đồng hành cùng doanh nghiệp để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ sản xuất kinh doanh.

Ông Phạm Văn Binh-Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Gia Lai, Trưởng khối thi đua, cho biết: Ngay từ đầu năm, Thường trực khối đã triển khai thực hiện tốt công tác thi đua gắn với thực hiện nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao theo Kế hoạch số 130/KH-KTĐ về tổ chức phong trào thi đua năm 2017. Các đơn vị thành viên trong khối đã triển khai các nội dung giao ước thi đua đến các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

 

Hội thao Khối thi đua Ban Quản lý Khu Công nghiệp, Khu Kinh tế các tỉnh Tây Nguyên giúp thắt chặt sự đoàn kết giữa các thành viên. Ảnh: H.D
Hội thao Khối thi đua Ban Quản lý Khu Công nghiệp, Khu Kinh tế các tỉnh Tây Nguyên giúp thắt chặt sự đoàn kết giữa các thành viên. Ảnh: H.D

Trong đó, công tác hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp được quan tâm với việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Thực hiện công tác này, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh Đak Lak thường xuyên rà soát, trình UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung các thủ tục hành chính kịp thời; tiếp tục duy trì, áp dụng có hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008. Mô hình “một cửa” của ban được các nhà đầu tư đánh giá cao. Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều nỗ lực đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm 10% về thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Nhờ vậy, trong năm 2017, đơn vị đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 7 doanh nghiệp/dự án, đạt 116% kế hoạch với tổng vốn đầu tư đăng ký là 280 tỷ đồng và 12 triệu USD.

Các thành viên khác trong khối cũng ra sức thi đua và đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Theo đó, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Kon Tum thực hiện tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan, 100% văn bản đến, đi được gửi qua hộp thư công vụ. Trang thông tin điện tử của Ban Quản lý thường xuyên cập nhật các hoạt động của đơn vị và những thông tin cần thiết đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp. Đak Nông là một trong những địa phương đã thu hút được nhiều dự án đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp với 36 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng số vốn đăng ký là 17.684,1 tỷ đồng, vốn thực hiện 1.954,4 tỷ đồng; doanh thu 9 tháng năm 2017 của các doanh nghiệp Khu Công nghiệp ước đạt 3.200 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó xuất khẩu ước đạt 2.000 tỷ đồng.

Riêng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Gia Lai đã tích cực triển khai thực hiện các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai, minh bạch thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” và trên trang thông tin điện tử; khai thác, vận hành hiệu quả phần mềm quản lý văn bản điều hành, một cửa điện tử; triển khai tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính qua mạng internet. Ban Quản lý đã đề ra và thực hiện hàng loạt giải pháp nhằm đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp như: rà soát, bổ sung quy trình đầu tư; kiện toàn tổ tư vấn, hỗ trợ đầu tư. Tình hình thu hút đầu tư, phát triển kinh tế tại khu công nghiệp, khu kinh tế của tỉnh đạt được kết quả rất tích cực, trong năm 2017 đã thu hút được 11 dự án đầu tư mới (Khu Công nghiệp Trà Đa 5 dự án, Khu Kinh tế Cửa khẩu Lệ Thanh 6 dự án) với tổng vốn đăng ký 616,14 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, Khu Công nghiệp Trà Đa có 43 nhà đầu tư, triển khai đầu tư 48 dự án với tổng vốn đăng ký là 1.853 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2016; tổng vốn đầu tư đã thực hiện 1.210,8 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 65,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.

 

Năm 2017, các thành viên trong khối luôn nỗ lực để đạt kết quả tốt nhất trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tính đến nay, đã có 32 dự án được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng vốn đăng ký gần 2.570 tỷ đồng, nâng tổng số dự án lên gần 300, tổng vốn đầu tư khoảng 30.000 tỷ đồng tại các khu công nghiệp, khu kinh tế các tỉnh trong khối. Các doanh nghiệp đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động với thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/người/tháng.

Các phong trào văn hóa, thể thao cũng được phát động rộng khắp  dưới nhiều hình thức nhằm tăng cường sự giao lưu, đoàn kết giữa các thành viên trong khối. Việc đôn đốc, theo dõi, kiểm tra, biểu dương, khen thưởng được chú trọng thực hiện. Thông qua việc trao đổi, học hỏi giữa các đơn vị thành viên trong khối đã thu được nhiều kinh nghiệm quý báu giúp công tác thi đua, khen thưởng ngày càng có chất lượng và hiệu quả hơn.

“Phát huy những kết quả đạt được, năm 2018, các đơn vị thành viên trong Khối thi đua Ban Quản lý Khu Công nghiệp, Khu Kinh tế các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục đẩy mạnh thực hiện toàn diện, đồng bộ các giải pháp về cải cách hành chính, thu hút đầu tư, phấn đấu hoàn thành tốt các nội dung giao ước thi đua đã ký kết. Tăng cường trao đổi thông tin giữa các đơn vị trong khối, thắt chặt tình đoàn kết, tương thân, tương ái hỗ trợ chuyên môn cũng như thực hiện tốt các phong trào thi đua”-ông Phạm Văn Binh nhấn mạnh.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.