Khởi nghiệp độc đáo với dự án cho mượn ly mang đi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong khi một sản phẩm bằng nhựa có thể tái sử dụng rất nhiều lần, nhưng chưa tạo được một hệ thống để tái sử dụng chúng. Từ đó, dự án khởi nghiệp cho mượn ly mang đi ra đời.
Lê Thùy Linh cùng những chiếc ly trong dự án cho mượn ly mang đi Ảnh: NỮ VƯƠNG
Lê Thùy Linh cùng những chiếc ly trong dự án cho mượn ly mang đi Ảnh: NỮ VƯƠNG
Sử dụng hộp đựng bằng bã mía, dùng ống hút giấy thay ống hút nhựa... nhưng Lê Thùy Linh vẫn cho rằng đó chỉ là giải pháp ngắn hạn. Linh đi tìm con đường “giải cứu” rác thải nhựa bằng dự án khởi nghiệp độc đáo: cho mượn ly mang đi.
Mới đây, dự án cho mượn ly mang đi của Linh đã thắng lớn về sáng kiến khởi nghiệp trong cuộc thi “Lối sống carbon thấp tại châu Á - Thái Bình Dương”, nằm trong chương trình về môi trường do Liên Hiệp Quốc tổ chức.
Không muốn có lỗi với… môi trường
Là một cô gái yêu môi trường, Lê Thùy Linh (33 tuổi, TP.HCM) từng sang Phần Lan du học, sau đó có 1 năm làm việc và học tập tại Đức. Nhưng rồi cô nàng quyết định về nước với mong muốn làm điều gì đó để giải bài toán môi trường đang nhức nhối hiện nay.
Linh kể có thời gian đi làm tại một hệ thống tưới nước cho sân golf, một lần đi kiểm tra công trường thì thấy mọi người chặt rừng làm sân golf, không chịu được cảnh đó và thấy có lỗi với môi trường nên Linh quyết định nghỉ việc. Cũng từ lúc đó, Linh đã tìm thấy được mối quan tâm thực sự và hướng đi cho mình.
Trước khi đến với dự án cho mượn ly mang đi, Linh từng có một công ty nhỏ chuyên về phân phối hộp đựng thức ăn bằng bã mía. Trong khi làm, Linh nhận ra giá thành của những hộp bã mía khá đắt và chỉ áp dụng được cho các cửa hàng tầm trung, còn các cửa hàng vỉa hè lại rất khó để áp dụng. Thế nhưng, theo nhiều cuộc khảo sát thì 80 - 90% lượng nhựa thải ra lại đến từ những quán nhỏ, nên Linh thấy hộp bã mía chỉ là giải pháp ngắn hạn cho các cửa hàng có đủ khả năng chi trả, còn giải pháp dài hạn thì chưa có.
Theo Linh, tuy sản phẩm làm từ bã mía rất tốt cho môi trường, nhưng để làm ra được một hộp bã mía lại tốn cả một quy trình sản xuất, tiêu hao nhiều năng lượng, ảnh hưởng đến môi trường và dùng xong lại vứt đi… Trong khi một sản phẩm bằng nhựa có thể tái sử dụng rất nhiều lần, nhưng chưa tạo được một hệ thống để tái sử dụng chúng. Từ đó, dự án khởi nghiệp cho mượn ly mang đi ra đời.
Mong muốn mỗi ngày giảm được 204 tấn nhựa
Thông thường, ở những quán cà phê mang đi, người dùng sẽ nhận ly nhựa dùng một lần và đồng nghĩa với việc dùng xong sẽ vứt đi. Dự án của Linh mang đến cho khách hàng một sự lựa chọn mới để có thể góp phần vào việc bảo vệ môi trường. Với dự án này, Linh kết hợp với các cửa hàng cà phê, nước uống để cung cấp ly dùng nhiều lần và khách hàng chỉ cần đặt cọc 50.000 đồng là có thể mượn ly mang đi. Sau khi sử dụng, người dùng có thể mang trả lại ở bất kỳ quán nào trong hệ thống và lấy lại tiền đặt cọc.
Đặt vấn đề về tiền đặt cọc cao hơn so với giá trị của một chiếc ly nhựa có thể sẽ là rào cản khiến nhiều người không muốn sử dụng hình thức này, Linh lý giải: “Mọi người sẽ có một chút cản trở về giá đặt cọc, nhưng nếu không đặt cọc thì chắc chắn người dùng sẽ vứt ly đi sau khi dùng xong. Và việc đặt cọc với giá tiền như vậy, khách sẽ tiếc số tiền lớn và nhớ đến việc giữ lại chiếc ly, từ đó sẽ dần hình thành thói quen”.
Ly mà dự án của Linh sử dụng cũng là loại ly độc đáo vì được làm từ bột khoai mì và nhựa. Linh cho biết khi trộn bột khoai mì và nhựa sẽ giảm được lượng nhựa trong sản phẩm. Đặc biệt, khi ly nhựa này bị chôn xuống đất hay chôn lấp tại các bãi rác thì bột khoai mì lên men sẽ phá hủy cấu trúc chắc chắn của nhựa và phân hủy nhựa.
Thời gian đầu, chỉ vừa ra mắt, dự án khởi nghiệp của Linh đã kêu gọi được sự tham gia của 20 quán cà phê, đồ uống tại khu vực Thảo Điền, Q.2 (TP.HCM). Thế nhưng, Linh cho biết đó là cả một quá trình khó khăn mà cô đã phải tự xoay xở và tin vào chính mình để có thể đi được đến ngày hôm nay.
“Khó khăn lớn nhất chính là chẳng có ai tin vào dự án mình đang làm. Đến cả việc đi gặp nhà đầu tư mà người ta cũng bảo không tin vào dự án, vì ai cũng nghĩ ý thức của người Việt mình còn kém lắm, ai dùng xong rồi cũng muốn vứt đi cho nhanh. Nhưng mình lại thấy phong trào bảo vệ môi trường của nước mình đang lên rất nhanh. Và không ai tin thì tự mình phải tin vào bản thân trước để thuyết phục được người khác tin mình”, Linh bày tỏ.
Hiện nay, ngoài cung cấp ly cho các quán cà phê, dự án của Linh cũng cung cấp cho những chương trình, sự kiện lớn. Linh kể: “Mình đã từng cung cấp ly tại chương trình ca nhạc 11 ngày ở Phú Quốc cho 15.000 người tham gia và nhờ thế mà họ đã giảm được đến 30.000 ly nhựa dùng một lần. Đối với những chương trình và sự kiện thế này, mình hoàn toàn có thể cho mượn ly miễn phí, dùng xong họ trả lại mình. Vì điều mình mong muốn là nhiều người biết đến dự án và cùng thay đổi thói quen để giảm thiểu rác thải nhựa dùng một lần ra môi trường”.
Sắp tới, Linh dự định sẽ nâng cấp để tất cả mọi quy trình và thủ tục mượn - trả ly đều thông qua ứng dụng, để đỡ vất vả hơn cho những nhân viên ở các quán. Cô chủ trẻ mong muốn thông qua dự án có thể giúp giảm được 204 tấn nhựa từ ngành công nghiệp giao hàng và thực phẩm mang đi hằng ngày.
Theo Nữ Vương (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.