Khởi động tuyển sinh đầu cấp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Từ ngày 3-7, nhiều cơ sở giáo dục trong tỉnh Gia Lai bắt đầu triển khai công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp năm học 2023-2024. Trong bối cảnh hộ khẩu giấy không còn giá trị và thay vào đó là số định danh cá nhân, các trường đã sớm chuẩn bị kỹ từng phương án để việc tuyển sinh đảm bảo nghiêm túc, hiệu quả.

Theo kế hoạch, năm học 2023-2024, các địa phương ở khu vực phía Đông tỉnh (gồm: An Khê, Kông Chro, Kbang, Đak Pơ) sẽ tuyển sinh tổng cộng 177 lớp 1 với 4.782 chỉ tiêu và 125 lớp 6 với 4.929 chỉ tiêu. Trong đó, thị xã An Khê dự kiến tuyển 1.244 học sinh/41 lớp 1 và 1.541 học sinh/36 lớp 6. Căn cứ chỉ tiêu được giao, các trường học trên địa bàn đã chủ động xây dựng kế hoạch tuyển sinh của đơn vị.

Giáo viên Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (phường Tây Sơn, thị xã An Khê) hỗ trợ phụ huynh điền thông tin vào hệ thống tuyển sinh trực tuyến. Ảnh: Ngọc Minh

Giáo viên Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (phường Tây Sơn, thị xã An Khê) hỗ trợ phụ huynh điền thông tin vào hệ thống tuyển sinh trực tuyến. Ảnh: Ngọc Minh

Cô Khổng Quang Ánh-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (phường Tây Sơn, thị xã An Khê) thông tin: Năm học 2023-2024, nhà trường sẽ tuyển sinh 250 chỉ tiêu lớp 1 và biên chế thành 7 lớp ở cả 2 cơ sở. Thời gian nhận hồ sơ từ ngày 3 đến 14-7. Tuy nhiên, đối với những trường hợp phụ huynh đi làm ăn xa, nhà trường vẫn tạo điều kiện tiếp nhận hồ sơ trước khi học sinh nhập học, đảm bảo 100% các em trong độ tuổi ra lớp. Công tác tuyển sinh được triển khai dưới 2 hình thức trực tuyến song song với trực tiếp.

“Vì đa phần phụ huynh hiểu biết về công nghệ thông tin còn hạn chế nên nhà trường cắt cử giáo viên, nhân viên trực tại trường để tiếp nhận hồ sơ, hỗ trợ phụ huynh điền thông tin vào hồ sơ dự tuyển cũng như đăng ký tuyển sinh trực tuyến. Chúng tôi còn phối hợp với lực lượng Công an phường hỗ trợ xác định lại số định danh cá nhân cho những trường hợp có số định danh cá nhân trên hệ thống mà truy xuất không ra, góp phần giúp công tác tuyển sinh của trường đạt kết quả”-cô Ánh cho biết.

Vừa hoàn thành thủ tục nhập học cho con tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, chị Lê Thị Thu Hoài (tổ 3, phường Tây Sơn) phấn khởi chia sẻ: “Vì không rành về công nghệ nên tôi đến trường nộp hồ sơ trực tiếp cho con. Tại đây, các cô giáo đã tận tình hướng dẫn tôi cách điền thông tin vào hồ sơ; cách nhập thông tin trên hệ thống tuyển sinh trực tuyến. Nhờ vậy, mọi khâu diễn ra thuận lợi, nhanh chóng”.

Các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn TP. Pleiku cũng đang tích cực tuyển sinh các lớp đầu cấp, bắt đầu từ ngày 3-7 và kết thúc vào 8-7. Tại Trường THCS Nguyễn Du (phường Ia Kring), trong những ngày đầu đăng ký tuyển sinh, số lượng phụ huynh đến nộp hồ sơ khá đông. Trước đó, nhằm đảm bảo các điều kiện cho công tác tuyển sinh vào lớp 6, nhà trường đã phân công giáo viên, chia làm 4 tổ để thực hiện nhiệm vụ; đồng thời, bố trí khu vực, phương tiện và cử 3 giáo viên túc trực thường xuyên để kịp thời hỗ trợ những phụ huynh chưa biết cách đăng ký tuyển sinh trực tuyến tại nhà hoặc gặp lỗi trong quá trình đăng nhập mã hồ sơ học sinh, mã bảo mật khi đăng ký tuyển sinh trực tuyến.

Tổ tuyển sinh vào lớp 6 của Trường THCS Nguyễn Du (phường Ia Kring, TP. Pleiku) kiểm tra, tiếp nhận hồ sơ từ phụ huynh học sinh. Ảnh: Mộc Trà

Tổ tuyển sinh vào lớp 6 của Trường THCS Nguyễn Du (phường Ia Kring, TP. Pleiku) kiểm tra, tiếp nhận hồ sơ từ phụ huynh học sinh. Ảnh: Mộc Trà

Thầy Bùi Hữu Nghĩa-Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du-cho hay: Năm học tới, nhà trường tuyển sinh 540 chỉ tiêu lớp 6, biên chế vào 12 lớp. Tuy nhiên, qua rà soát, trích xuất dữ liệu từ Công an phường Ia Kring, số lượng học sinh thường trú đúng độ tuổi vào lớp 6 (SN 2012) là khoảng 670 em, chưa kể số học sinh đang tạm trú, vượt so với chỉ tiêu tuyển sinh được giao. Chưa kể, đây là năm đầu tiên sử dụng số định danh cá nhân để làm công tác tuyển sinh thay thế hộ khẩu giấy nên cũng có một số khó khăn nhất định. Chẳng hạn, do dữ liệu không hiển thị thời gian nhập hộ khẩu đối với những trường hợp có cha mẹ không phải là chủ hộ nên không thể dùng yếu tố này làm căn cứ tuyển sinh như mọi năm.

“Nhằm tạo thuận lợi cho công tác tuyển sinh, nhà trường đã xây dựng phương án phù hợp. Trong đó, ưu tiên tuyển sinh đối với những học sinh có hộ khẩu thường trú tại phường Ia Kring thuộc các nhóm đối tượng là con liệt sĩ, người có công theo quy định, học sinh người dân tộc thiểu số và có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số. Nếu chưa đủ chỉ tiêu, nhà trường sẽ tiếp tục tuyển sinh những đối tượng khác theo thứ tự: học sinh có hộ khẩu thường trú theo ông bà nội-ngoại, theo người thân, có hộ khẩu thường trú nhưng đang sinh sống ở ngoài địa bàn phường”-thầy Nghĩa thông tin thêm.

Theo ông Nguyễn Lương Bảy-Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Pleiku: Năm học 2023-2024, tổng số chỉ tiêu tuyển sinh lớp 1 phân bổ cho các trường là 5.502 học sinh/149 lớp; lớp 6 là 5.238 học sinh/119 lớp. Để đảm bảo tuyển sinh hiệu quả, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố yêu cầu các trường học, nhất là ở khu vực trung tâm tiến hành rà soát, sàng lọc dữ liệu học sinh trong độ tuổi theo quy định trên địa bàn (có tính toán dự phòng đối với trẻ mới chuyển tới) đúng tuyến tuyển sinh; xây dựng kế hoạch tuyển sinh chặt chẽ, phù hợp gắn với công tác truyền thông để học sinh và phụ huynh biết đầy đủ, chính xác những thông tin liên quan; sử dụng có hiệu quả hệ thống tuyển sinh trực tuyến.

“Đặc biệt, để tránh xảy ra các điểm nóng về tuyển sinh và siết chặt sĩ số, thành phố yêu cầu các đơn vị, địa phương kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tối đa việc tuyển sinh trái tuyến, không tiếp nhận học sinh trái tuyến đối với các cơ sở giáo dục đã tuyển đủ chỉ tiêu được giao”-ông Bảy khẳng định.

Chị Trương Thị Ngọc Tuyết (tổ 1, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) thử nghiệm các thao tác nộp hồ sơ trực tuyến cho con. Ảnh: Vũ Chi

Chị Trương Thị Ngọc Tuyết (tổ 1, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) thử nghiệm các thao tác nộp hồ sơ trực tuyến cho con. Ảnh: Vũ Chi

Đối với bậc học mầm non, các trường đang phối hợp cùng chính quyền địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm huy động 100% trẻ trong độ tuổi ra lớp. Riêng bậc THPT (trừ Trường THPT chuyên Hùng Vương và các trường dân tộc nội trú), việc tuyển sinh vào lớp 10 sẽ diễn ra từ ngày 17 đến 22-7.

Riêng tại khu vực Đông Nam tỉnh, hầu hết các trường vẫn chưa thực hiện công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp. Hoạt động này dự kiến sẽ bắt đầu vào giữa tháng 7. Ghi nhận tại Trường Tiểu học và THCS Phạm Hồng Thái (xã Ia Tul, huyện Ia Pa), để chuẩn bị cho công tác tuyển sinh, nhà trường đã thành lập Hội đồng tuyển sinh, ban hành kế hoạch tuyển sinh gửi Đảng ủy, UBND xã, các thôn, làng để thông báo rộng rãi trên loa truyền thanh cũng như tuyên truyền, vận động phụ huynh nộp hồ sơ cho con em đúng thời hạn.

“Dựa trên kết quả điều tra, rà soát học sinh đến độ tuổi vào lớp 1 và lớp 6 tại các thôn, làng, nhà trường sẽ tuyển sinh 2 lớp 1 và 2 lớp 6, mỗi khối 72 học sinh. Do dân cư địa phương chủ yếu là người dân tộc thiểu số nên nhà trường tuyển sinh theo phương thức nhận hồ sơ trực tiếp tại trường. Trong thời gian nhận hồ sơ, căn cứ tình hình thực tế, chúng tôi có thể sẽ đi tuyển sinh thêm trực tiếp ở thôn, làng nhằm đảm bảo chỉ tiêu đề ra”-Hiệu trưởng Nguyễn Thị Mận cho biết.

Để thuận lợi trong việc nộp hồ sơ và đưa đón con đến lớp, chị Trương Thị Ngọc Tuyết (tổ 1, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) quyết định cho con học đúng tuyến. “Do công việc làm văn phòng cả ngày, tôi dự kiến nộp hồ sơ trực tuyến nhập học lớp 1 cho con khi nhà trường bắt đầu tuyển sinh. Nhờ dữ liệu dân cư đã có hết trên hệ thống nên việc nộp hồ sơ trực tuyến sẽ giúp phụ huynh tiết kiệm được thời gian, giảm tình trạng chen lấn so với việc nộp hồ sơ trực tiếp tại trường”-chị Tuyết nói.

Có thể bạn quan tâm

Phòng ngừa gian lận trong thi tốt nghiệp THPT

Phòng ngừa gian lận trong thi tốt nghiệp THPT

Kỳ thi tốt nghiệp năm 2024 là kỳ thi cuối cùng của chương trình giáo dục 2006. Từ năm sau thí sinh sẽ thi theo chương trình mới với nhiều thay đổi nên việc phòng chống gian lận thi cử trong năm nay càng được đặt ra quyết liệt.