(GLO)- Với 100 tác phẩm của 30 tác giả được lựa chọn từ hơn 600 tác phẩm gửi tham gia, triển lãm ảnh Báo chí-Nghệ thuật lần thứ III-năm 2013 do Báo Gia Lai phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức từ ngày 20 đến 30-6, hứa hẹn sẽ mang đến cho người xem những góc nhìn đa chiều về cuộc sống.
Ảnh: Nguyễn Giác |
Với trên 60 ảnh thuộc thể loại báo chí được trưng bày, người xem dễ dàng có được một cái nhìn tổng quát về các sự kiện nổi bật trên lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh trong thời gian qua và hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền.
Ảnh: Nguyên Võ |
Những vấn đề thời sự nóng hổi như vận chuyển gỗ lậu, phá rừng, thiên tai, biển đảo… được phản ánh phong phú, sinh động trong từng nhóm ảnh. Đặc biệt, tình trạng phá rừng là chủ đề “nóng” trong triển lãm ảnh báo chí năm nay. Tiêu biểu là nhóm 6 ảnh “Nỗi đau của rừng” của hai tác giả Minh Triều-Nguyễn Giác một lần nữa đánh thức trách nhiệm xã hội trước vấn đề chung, cấp bách hiện nay. “Nỗi đau của rừng” cũng là tiếng nói đầy trách nhiệm của nhà báo khi chứng kiến sự tàn phá không thể tàn khốc hơn của con người.
Ảnh: Nguyễn Giác |
Nhóm ảnh về quá trình tác nghiệp của phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí cũng mang đến nhiều thú vị, giúp người xem hiểu hơn về quá trình lao động vất vả của nhà báo đằng sau mỗi thông tin đưa đến bạn đọc. Những góc nhìn về biển đảo lại khiến người xem xúc động với hình ảnh đời thường cũng như nhiệm vụ cao cả của những người lính ngày đêm canh giữ biển Đông.
Ngoài ra, nhiều góc ảnh khá thú vị, gợi nhiều cảm xúc với người xem như hình ảnh lao động dung dị giữa đời thường của người nông dân, xúc động với hình ảnh chiến sĩ mới tuyên thệ dưới lá cờ Tổ quốc hay những hình ảnh vất vả nhưng đầy chất thơ của những buổi huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của người lính. Điều đặc biệt trong số những tác phẩm trưng bày lần này, có những bức ảnh được gửi về từ Trường Sa. Đó là hai bức “Trực thăng cứu hộ” và “Thể thao lính đảo” do Thiếu tá Nguyễn Văn Nam-công tác ở đảo Song Tử Tây, chụp tại đảo này.
Ảnh: Nguyễn Giác |
Không chiếm số lượng lớn song nhóm ảnh thuộc thể loại nghệ thuật tại triển lãm lần này vẫn được chú trọng, đủ sức gợi những xúc cảm của người thưởng lãm. Với chủ đề bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thể tài ảnh nghệ thuật phát huy tối đa ưu thế với nhiều tác phẩm xuất sắc của các tay máy chuyên nghiệp.
Trong đó ảnh về văn hóa Tây Nguyên vẫn chiếm số lượng lớn không gian ảnh nghệ thuật. Dụng công trong bố cục, ánh sáng, đặc biệt là trải nghiệm từ những chuyến đi, ảnh nghệ thuật của các tác giả vừa dẫn dắt người xem qua những vùng đất, những con người lạ mà quen. Vẫn không gian quen thuộc ấy của bếp lửa, nhà rông, giọt nước đầu làng, vẫn là những Pram-nhân vật hề không thể thiếu trong lễ hội, những vòng xoang ngày hội, khoảnh khắc pơ thi hay chỉ là nhịp sống rất đời thường của con người, nhưng dưới góc nhìn nhiếp ảnh, người xem như lạc vào miền mơ tưởng. Đôi khi không tránh khỏi ưu tư khi những vẻ đẹp văn hóa ấy, rất có thể chỉ còn lại trong khoảnh khắc ảnh nghệ thuật.
Ảnh nghệ thuật đánh thức sâu xa trong mỗi người sự trân quý cái đẹp. Đó cũng là lý do triển lãm năm nay lấy chủ đề về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Phong nhận xét: “Phần lớn ảnh nghệ thuật tham gia triển lãm là những tác phẩm có giá trị nghệ thuật, trong đó có nhiều tác phẩm từng được giải cao trong khu vực và trên thế giới. Do điều kiện của tỉnh, nhiều tác phẩm có giá trị lại chưa một lần được triển lãm để công chúng Gia Lai thưởng lãm.
Vì thế, việc Báo Gia Lai tổ chức triển lãm ảnh báo chí-nghệ thuật góp phần đưa ảnh nghệ thuật đến gần với công chúng hơn. Qua những lần triển lãm cũng phát hiện thêm nhiều tay máy mới. Đây vừa là sân chơi nghệ thuật, vừa là dịp để đánh giá chất lượng ảnh nghệ thuật hàng năm”.
Còn Tổng biên tập Báo Gia Lai Đoàn Minh Phụng thì nhận xét: “Đây là năm thứ ba Báo Gia Lai phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức triển lãm ảnh báo chí-nghệ thuật vào dịp 21-6. So với hai lần triển lãm trước, triển lãm năm nay có trọng điểm và chủ đề rõ ràng. Chất lượng ảnh khá hơn mọi năm, khoảng cách giữa các tay máy chuyên và không chuyên cũng được rút ngắn”.
Nguyên Bình