Khám phá 6 Di tích Quốc gia Đặc biệt của tỉnh Quảng Ninh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sáu Di tích Quốc gia Đặc biệt gồm Danh lam Vịnh Hạ Long, Di tích Lịch sử Bạch Đằng, Di tích Lịch sử Yên Tử, Di tích Lịch sử Nhà Trần, Di tích Lịch sử Đền Cửa Ông, Khu Di tích Hồ Chủ Tịch ở đảo Cô Tô.
Vịnh Hạ Long. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Vịnh Hạ Long. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Với bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, cùng không gian, cảnh quan đặc sắc, Quảng Ninh lưu giữ trong mình một hệ thống di sản phong phú và độc đáo.

Trong số 123 Di tích Quốc gia Đặc biệt của Việt Nam (tính đến năm 2022), Quảng Ninh sở hữu 6 di tích.

Sáu di tích được xếp hạng Di tích Quốc gia Đặc biệt gồm Danh lam Thắng cảnh Vịnh Hạ Long, Di tích Lịch sử Bạch Đằng, Di tích Lịch sử và Danh lam Thắng cảnh Yên Tử, Di tích Lịch sử Khu di tích Nhà Trần tại Đông Triều, Di tích Lịch sử Đền Cửa Ông và Khu Di tích Lưu niệm Hồ Chủ Tịch trên đảo Cô Tô.

Đây là những điểm nhấn văn hóa, lịch sử; điểm đến hấp dẫn du khách trong hành trình khám phá Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng.

Danh lam Thắng cảnh Vịnh Hạ Long

Danh lam Thắng cảnh Vịnh Hạ Long là Di sản - Kỳ quan Thiên nhiên Thế giới, chứa đựng những dấu tích quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển lịch sử trái đất, là cái nôi cư trú của người Việt cổ; đồng thời là tác phẩm nghệ thuật tạo hình vĩ đại của thiên nhiên với sự hiện diện của hàng nghìn đảo đá muôn hình vạn trạng, với nhiều hang động kỳ thú quần tụ thành một thế giới vừa sinh động vừa huyền bí.

Vịnh Hạ Long được xếp hạng Di tích Quốc gia Đặc biệt tại Quyết định số 1272/QĐ-TTg, ngày 12/8/2009.

Vịnh Hạ Long đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) hai lần công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới nhờ giá trị nổi bật toàn cầu về thẩm mỹ năm 1994 và giá trị địa chất-địa mạo năm 2000.

Khu vực được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới có diện tích 434km2, gồm 775 hòn đảo đá vôi lớn nhỏ - đây là một trong những yếu tố gốc cấu thành nên giá trị di sản, được quản lý, bảo tồn theo Luật Di sản Văn hóa, Luật Bảo vệ Môi trường; Công ước Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới; Quy chế Quản lý, Bảo vệ, Phát huy Giá trị Di sản Thiên nhiên Thế giới Vịnh Hạ Long.

Để có một Di sản Thiên nhiên Thế giới như ngày nay, Vịnh Hạ Long đã trải qua lịch sử địa chất gần 400 triệu năm với quá trình tích tụ tầng đá vôi dày, nhiều lần sụt chìm và bị xâm thực bởi nước biển.

Mới đây, ngày 16/9/2023, Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO đã công nhận quần thể Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà (thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng) là Di sản Thiên nhiên Thế giới.

Di tích Lịch sử Bạch Đằng

Di tích Lịch sử Bạch Đằng nằm trên địa bàn Thị xã Quảng Yên và thành phố Uông Bí. Đây là địa điểm ghi dấu sự kiện quân và dân nhà Trần đã lập nên chiến thắng lẫy lừng - Chiến thắng Bạch Đằng, đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông năm 1288.

Màn lễ tái hiện Chiến thắng Bạch Đằng tại Di tích Lịch sử Bạch Đằng. (Ảnh: Đức Hiếu/TTXVN)

Màn lễ tái hiện Chiến thắng Bạch Đằng tại Di tích Lịch sử Bạch Đằng. (Ảnh: Đức Hiếu/TTXVN)

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, dấu tích của trận chiến trên dòng Bạch Đằng năm 1288 vẫn còn hiện hữu qua những di tích tiêu biểu.

Di tích Lịch sử Bạch Đằng được xếp hạng Di tích Quốc gia Đặc biệt tại Quyết định số 1419/QĐ-TTg, ngày 27/9/2012.

Khu Di tích Lịch sử và Danh lam Thắng cảnh Yên Tử

Khu Di tích Lịch sử và Danh lam Thắng cảnh Yên Tử gắn liền với tên tuổi Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308), vị vua lãnh đạo quân dân thời Trần 2 lần đánh thắng quân Nguyên-Mông, rồi từ bỏ ngai vàng, lên Yên Tử tu hành, sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm.

Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử (còn gọi là Chùa Lân) nằm trên núi Yên Tử, thuộc Khu Di tích Lịch sử và Danh lam Thắng cảnh Yên Tử, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử (còn gọi là Chùa Lân) nằm trên núi Yên Tử, thuộc Khu Di tích Lịch sử và Danh lam Thắng cảnh Yên Tử, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Khu di tích là một quần thể chùa, am, tháp, tượng, rừng cây cổ thụ; địa hình, địa chất phức tạp của khu vực đã kiến tạo nên các điểm cảnh quan kỳ vĩ, như thác Ngự Dội, thác Vàng, thác Bạc, cổng Trời, đường Tùng, rừng trúc, đỉnh núi Yên Tử..., nơi có những kiến trúc cổ truyền hòa mình vào thiên nhiên hùng vỹ.

Khu di tích được xếp hạng Di tích Quốc gia Đặc biệt tại Quyết định số 1419/QĐ-TTg, ngày 27/9/2012.

Khu Di tích Nhà Trần tại Đông Triều

Khu Di tích Lịch sử nhà Trần tại Đông Triều gồm 14 di tích với 22 điểm di tích, bao gồm các đền, miếu, lăng tẩm, am tháp, chùa và công trình tôn giáo gắn liền với lịch sử nhà Trần và Thiền phái Trúc Lâm.

Người dân, du khách tới lễ chùa đầu xuân tại Chùa Ngọa Vân, thị xã Đông Triều. (Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Quảng Ninh)

Người dân, du khách tới lễ chùa đầu xuân tại Chùa Ngọa Vân, thị xã Đông Triều. (Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Quảng Ninh)

Nhiều công trình văn hóa đặc sắc được xây dựng với quy mô lớn mang tầm quốc gia như Thái Miếu, đền An Sinh, hệ thống lăng miếu nhà Trần, chùa Quỳnh Lâm, chùa Ngọa Vân...

Khu di tích được xếp hạng Di tích Quốc gia Đặc biệt tại Quyết định số 2383/QĐ-TTg, ngày 9/12/2013.

Bên cạnh giá trị về kiến trúc, Khu di tích còn lưu giữ khá nhiều di vật, cổ vật có giá trị về lịch sử, văn hóa và khoa học; duy trì nhiều sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo gắn với lịch sử vùng đất.

Di tích Lịch sử Đền Cửa Ông

Di tích Lịch sử Đền Cửa Ông nằm trên dãy núi Cẩm Sơn (phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả), mặt hướng ra bờ Vịnh Bái Tử Long, hội tụ được các lợi thế về phong thủy: Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ. Nơi đây tạo nên sự giao hòa giữa núi non, rừng, biển, một cảnh đẹp tuyệt vời của vùng Đông Bắc Tổ quốc.

Toàn cảnh đền Cửa Ông từ trên cao. (Ảnh: Lâm Phan/Vietnam+)

Toàn cảnh đền Cửa Ông từ trên cao. (Ảnh: Lâm Phan/Vietnam+)

Đền thờ Đức Ông Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng, phối thờ gia thất cùng nhiều tướng lĩnh thời nhà Trần; là nơi diễn ra Lễ hội Đền Cửa Ông hằng năm.

Di tích Đền Cửa Ông được xếp hạng Di tích Quốc gia Đặc biệt tại Quyết định số 2081/QĐ-TTg, ngày 25/12/2017.

Khu Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô

Di tích Lịch sử Khu Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô gắn liền với sự kiện ngày 9/5/1961, Bác Hồ ra thăm đảo Cô Tô. Đây là nơi duy nhất trong cả nước được Bác Hồ đồng ý cho dựng tượng của mình khi Người còn sống.

Di tích được xây dựng từ năm 1968 và công nhận xếp hạng Di tích quốc gia năm 1997.

Cán bộ, chiến sỹ huyện đảo Cô Tô dâng hương, báo công trước tượng đài Bác Hồ. (Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Quảng Ninh)

Cán bộ, chiến sỹ huyện đảo Cô Tô dâng hương, báo công trước tượng đài Bác Hồ. (Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Quảng Ninh)

Trải qua nhiều lần tu sửa, nâng cấp, mở rộng, công trình vẫn lưu giữ được nguyên bản về giá trị và ngày càng có ý nghĩa sâu sắc, là địa điểm tham quan ý nghĩa nhất trong các tuyến, điểm du lịch trên đảo Cô Tô.

Ngày 18/1/2022, Khu lưu niệm được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia Đặc biệt.

Khu di tích là điểm nhấn về cảnh quan, lịch sử-văn hóa, là niềm vinh dự, tự hào, điểm tựa tinh thần vững chắc của cán bộ, chiến sỹ, nhân dân huyện đảo vùng Đông Bắc Tổ quốc.

Có thể bạn quan tâm

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày không chỉ làm bùng nổ các tua du lịch, mà còn tạo ra cuộc chạy đua hấp dẫn giữa những chuyến đi xa và những kỳ nghỉ gần. Thị trường đang bày ra “mâm cỗ” phong phú, đủ hương vị từ truyền thống đến hiện đại, tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền.

Xây dựng Bích Đầm thành điểm du lịch cộng đồng tại vịnh Nha Trang

Xây dựng Bích Đầm thành điểm du lịch cộng đồng tại vịnh Nha Trang

Ngày 3/1, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa phối hợp các đơn vị tổ chức hội nghị tổng kết Dự án thúc đẩy đối thoại, hợp tác giữa cộng đồng và khối tư nhân với cơ quan nhà nước trong bảo tồn rạn san hô và phát triển bền vững khu vực biển Hòn Mun, vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.