(GLO)- Kbang là một trong 5 huyện của cả nước được Chính phủ chọn là huyện điểm về xây dựng nông thôn mới và được UBND tỉnh Gia Lai chọn 13/13 xã làm điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Tuy còn gặp nhiều khó khăn, song với sự đồng thuận, chung lòng, chung sức của chính quyền và nhân dân, quá trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Kbang cũng bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Ngay từ khi tiếp thu ý kiến chỉ đạo từ UBND tỉnh, công tác thực hiện chương trình được cả hệ thống chính trị ở huyện triển khai hết sức khẩn trương. Đến nay, 13/13 xã đã hoàn thành việc lập Quy hoạch và Đề án xây dựng nông thôn mới; 140/140 thôn, làng đã thành lập được Ban phát triển thực hiện chương trình.
Một góc thị trấn Kbang. Ảnh: Hồng Thi |
Để người dân nắm bắt và hiểu rõ Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về xây dựng nông thôn mới, huyện Kbang đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức như: treo panô, áp phích, tuyên truyền miệng trong các cuộc họp, hội nghị và các cuộc họp ở thôn, làng…
Ngoài ra, UBND huyện còn phối hợp với Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện xây dựng chuyên mục nông nghiệp và nông thôn nhằm chuyển tải các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chương trình đến với mọi tầng lớp nhân dân.
Theo Báo cáo, tình hình triển khai thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Kbang năm 2012, tổng kinh phí thực hiện chương trình trong năm là hơn 226 tỷ đồng. Trong đó, hơn 113 tỷ đồng cho công tác triển khai chương trình, công tác phát triển sản xuất là hơn 16 tỷ đồng và gần 97 tỷ đồng cho công tác xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.
Công tác xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh được huyện hết sức chú trọng. 140/140 thôn, làng có đủ các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở theo quy định, đạt so với tiêu chí. Cán bộ, công chức cấp xã có 237 người, trong đó cán bộ chuyên trách 136, công chức 101 người; số cán bộ xã đạt chuẩn 95 người; có 8/13 xã Đảng bộ, chính quyền xã đạt trong sạch vững mạnh, chiếm 61,53%; có 11/13 xã có các tổ chức đoàn thể đạt danh hiệu tiên tiến trở lên, chiếm 84,6%.
An ninh chính trị trên địa bàn huyện được giữ vững, ổn định, công tác bám dân, nắm tình hình cơ sở được duy trì và thực hiện nghiêm túc; thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế xã hội gắn liền với củng cố quốc phòng an ninh, quan tâm đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc; phát huy vai trò của người có uy tín trong dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; triển khai có hiệu quả công tác đảm bảo an ninh nông thôn, an ninh dân tộc, an ninh tôn giáo và an ninh tư tưởng văn hóa.
Về giáo dục, hiện tại, toàn huyện có 39 trường gồm 12 trường mầm non, 16 trường tiểu học, 11 trường THCS, với tổng số 434 lớp học và 394 phòng học. Cơ sở vật chất trường, lớp bảo đảm được việc dạy và học, các điểm trường phân bố hợp lý tạo điều kiện thuận lợi cho các em học sinh đến trường; không còn tình trạng trường, lớp tạm bợ, dột nát. Các cấp học đã và đang tiếp tục được đầu tư xây dựng, mở rộng nhằm đạt chuẩn quốc gia. Công tác phổ cập giáo dục THCS đạt so với tiêu chí. Tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 18,67%, đạt 93,35% so với tiêu chí.
Mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu trong toàn huyện được kiện toàn và tổ chức phát triển theo hướng phổ cập và tập trung củng cố nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân tại địa phương. Hiện tại 8/13 xã trên địa bàn huyện đã đạt Chuẩn quốc gia về y tế xã chiếm tỷ lệ 61,53%. Đó là các xã: Đông, Nghĩa An, Đak H’Lơ, Kông Lơng Khơng, Tơ Tung, Lơ ku, Kông Bờ La và Đak Rong). Trạm y tế có đủ các hạng mục theo Chuẩn quốc gia như có hàng rào, có điện thoại, có điện sinh hoạt, được trang bị các trang thiết bị cơ bản để thực hiện việc khám, điều trị bệnh nhân và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế.
Trong lĩnh vực văn hóa, toàn huyện Kbang có 4 nhà văn hóa xã đạt chuẩn thuộc các xã Tơ Tung, Sơn Lang, Đak Rong và Đak Smar; 7 xã (gồm: Sơ Pai, Đak Smar, Nghĩa An, Tơ Tung, Kông Lơng Khơng, Kông Bờ La, Đăk H’Lơ) đã có sân thể thao; 23/140 thôn, làng đạt chuẩn; 57 thôn, làng có sân thể thao đủ diện tích theo tiêu chí…
Công tác bảo vệ môi trường được huyện thực hiện tốt như: kiểm tra, xử lý các trường hợp gây ô nhiễm môi trường khu vực trung tâm, các chợ và 18 cơ sở kinh doanh; triển khai xây dựng các hầm biogas nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường của các hộ chăn nuôi gia súc; triển khai các chính sách hỗ trợ hộ nghèo cải thiện môi trường, các chính sách tín dụng ưu đãi cho vay vốn nước sạch vệ sinh môi trường… Đến nay, tỷ lệ dân nông thôn được sử dụng nước sạch trên địa bàn huyện đạt 85%. Tỷ lệ hộ gia đình có chuồng trại chăn nuôi, hố tiêu hợp vệ sinh 40%.
Để đạt được những kết quả đó, huyện đã huy động sức mạnh nội lực của toàn dân cùng hưởng ứng tham gia tích cực phong trào xây dựng nông thôn mới. Cụ thể là việc thực hiện những tiêu chí như chỉnh trang, sửa chữa nhà ở, vườn tược, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, phát huy tinh thần tương thân, tương ái trong các cộng đồng khu dân cư, phát huy cao độ khả năng, điều kiện của các tầng lớp nhân dân…
Tuy nhiên, quá trình xây dựng nông thôn mới của huyện Kbang còn gặp nhiều khó khăn. Huyện có địa bàn rất rộng, địa hình bị chia cắt phức tạp, giao thông đi lại còn rất khó khăn, nhất là mùa mưa; điểm xuất phát kinh tế - xã hội của huyện thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao (trên 45,88 %); trình độ dân trí còn thấp, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tuy những năm qua có bước cải thiện nhưng nhìn chung còn nhiều khó khăn nhất là vùng sâu, vùng xã, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Trong thời gian tới, huyện Kbang sẽ tiếp tục củng cố hệ thống chính trị cấp cơ sở, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức xã; thường xuyên giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Đồng thời tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển mạng lưới giao thông, nâng tỷ lệ cứng hóa đường giao thông; tiếp tục đầu tư một số công trình thủy lợi và nâng tỷ lệ kiên cố hóa kênh mương nội đồng; đầu tư nhà văn hóa và khu thể thao xã, thôn, làng đạt chuẩn quốc gia.
Từ đó, phấn đấu đến năm 2015 toàn huyện có 10 xã đạt xã nông thôn mới (tương ứng với 76,92% đạt tiêu chí nông thôn mới); và đến năm 2020 có thêm 03 xã đạt chuẩn các tiêu chí nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn huyện là 13 xã (tương ứng với 100%).
Hồng Thi