"Hóa thạch sống" tưởng tuyệt chủng 273 triệu năm mọc tốt um dưới đáy biển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau khi biến mất khỏi dữ liệu hóa thạch hàng trăm triệu năm, hai dạng sống đại dương có mối quan hệ cộng sinh vừa được phát hiện đang phát triển mạnh mẽ.
Mất tích 273 triệu năm
Các nhà khoa học tìm thấy san hô không xương mọc từ thân loài động vật biển được gọi là crinoid, hay huệ biển, ở đáy Thái Bình Dương, ngoài khơi bờ biển Honshu và Shikoku ở Nhật Bản.
Những mẫu vật này đại diện cho "các dữ liệu và kiểm nghiệm chi tiết đầu tiên" về quần hợp gần đây của "một crinoid (vật chủ) và một hexacoral (epibiont)", các nhà nghiên cứu nêu trong công bố. Do đó, "các phân tích về các quần hợp này có thể làm sáng tỏ thêm về hiểu biết về các quần hợp phổ biến trong Đại Cổ sinh này".
Epibiont là một sinh vật sống trên bề mặt của một sinh vật sống khác, trong khi hexacoral là một phân lớp san hô.
 
Ảnh: Mikołaj Zapalski/Đại học Warsaw
Ảnh: Mikołaj Zapalski/Đại học Warsaw
Trong Đại Cổ sinh, huệ biển và san hô dường như đã thực sự hòa hợp với nhau. Dữ liệu hóa thạch đáy biển chứa đầy những sinh vật này.
Tuy nhiên, những cá thể sinh vật đáy này đã biến mất khỏi hồ sơ hóa thạch khoảng 273 triệu năm trước, sau khi các loài huệ biển và san hô cụ thể được đề cập đã tuyệt chủng.
Các loài huệ biển và san hô khác đã xuất hiện trong Đại Trung sinh, sau sự kiện tuyệt chủng kỷ Permi–kỷ Trias, nhưng chưa bao giờ các nhà khoa học thấy hai loài này có mối quan hệ cộng sinh.
Lấp đầy khoảng trống dữ liệu hóa thạch
Tuy nhiên, mới đây, ở độ sâu hơn 100 mét dưới bề mặt đại dương, các nhà khoa học tìm thấy hai loài san hô khác nhau: Hexacoral thuộc chi Abyssoanthus - vốn rất hiếm và Metridioidea - loại hải quỳ mọc từ thân huệ biển Nhật Bản (Metacrinus rotundus).
Nhóm nghiên cứu chung Ba Lan-Nhật Bản do nhà cổ sinh vật học Mikołaj Zapalski thuộc Đại học Warsaw ở Ba Lan đã dùng kính hiển vi soi nổi để quan sát và chụp ảnh các mẫu vật.
Sau đó, nhóm nghiên cứu dùng phương pháp chụp cắt lớp vi mô không phá hủy để quét các mẫu vật nhằm xem cấu trúc bên trong và mã vạch ADN để xác định loài.
Nhóm nghiên cứu phát hiện san hô ký sinh ở huệ biển có khả năng không cạnh tranh thức ăn với vật chủ và không có xương. Điều này có thể không ảnh hưởng đến tính linh hoạt của thân huệ biển mặc dù hải quỳ có thể đã cản trở chuyển động của vật chủ.
Chưa rõ lợi ích mà huệ biển nhận được từ mối quan hệ cộng sinh với san hô nhưng điểm đáng chú ý là, không giống như san hô Paleozoi, các mẫu vật mới không thay đổi cấu trúc xương của huệ biển.
Các nhà nghiên cứu nói rằng, điều này có thể giúp giải thích khoảng trống trong dữ liệu hóa thạch. Hóa thạch Đại Cổ sinh của san hô cộng sinh và huệ biển có liên quan đến san hô có bộ xương canxit như Rugosa và Tabulata.
Hóa thạch của các sinh vật thân mềm, ví dụ san hô không xương, rất hiếm. Loài thuộc bộ Zoantharia như Abyssoanthus không có xác nhận trong dữ liệu hóa thạch và các loài hải quỳ như Metridioidea cũng rất hiếm.
 
Tiêu bản khô của hải quỳ Metridioidea trên thân của huệ biển Metacrinus rotundus. Ảnh: Mikołaj Zapalski/Đại học Warsaw
Tiêu bản khô của hải quỳ Metridioidea trên thân của huệ biển Metacrinus rotundus. Ảnh: Mikołaj Zapalski/Đại học Warsaw
Nếu những loài san hô này không biến đổi vật chủ và không để lại dữ liệu hóa thạch, có lẽ chúng đã có mối quan hệ lâu dài với huệ biển nhưng chưa được ghi nhận.
Điều này có nghĩa là mối quan hệ hiện đại giữa san hô và huệ biển có thể chứa một số manh mối về sự tương tác giữa san hô và huệ biển trong Đại Cổ sinh. Ví dụ, có bằng chứng cho thấy rằng bộ Zoantharia và bộ san hô bốn tia có tổ tiên chung.
Số lượng các mẫu vật được khai quật cho tới nay ít, do đó có nhiều việc hơn nữa cần thực hiện để khám phá thêm về mối quan hệ khác lạ này.
"Các quần hợp san hô-huệ biển, đặc trưng của các cộng đồng vùng đáy nước Đại Cổ sinh, đã biến mất vào cuối kỷ Permi, và công trình hiện tại này đại diện cho việc kiểm nghiệm chi tiết đầu tiên về sự tái khám phá chúng ở các vùng biển hiện đại" - nhóm nhà khoa học nêu trong nghiên cứu mới được xuất bản trên tạp chí Cổ địa lý học, Cổ khí hậu học, Cổ sinh thái học.
THANH HÀ (LĐO)

Có thể bạn quan tâm