(GLO)- Xã hội ngày càng văn minh, hiện đại, quan niệm về giáo dục giới tính cho trẻ vị thành niên đã và đang dần thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Nhưng ở vùng sâu, vùng xa thì sao?
“Lắng nghe cơ thể, làm chủ cảm xúc”
“Khi nhận thấy những thay đổi trên cơ thể mình em rất lo sợ. Ban đầu là bị “vỡ tiếng”, yết hầu nhô ra, mặt xuất hiện mụn trứng cá, mọc râu… em hoang mang. Không biết phải chia sẻ với ai, em lên internet tìm hiểu thì biết đó là dấu hiệu bước vào tuổi dậy thì. Em ngại và không dám chia sẻ với ai trong gia đình. Lên lớp, em chỉ dám thì thầm trò chuyện với mấy đứa bạn thân”-em Nguyễn Hữu Thọ (học sinh lớp 9, Trường THCS Lê Quý Đôn, xã Yang Trung, huyện Kông Chro) chia sẻ trong chương trình giáo dục giới tính mới đây do dự án “Bạn hữu trẻ em” (UNICEF) tài trợ. Còn với cô học trò Đinh Thị Bon (cùng trường) thì đón nhận tất cả sự thay đổi khác lạ của cơ thể chỉ trong im lặng, không sẻ chia bất cứ ai dù em học, sinh hoạt trong môi trường nội trú với rất nhiều bạn bè, thầy cô bên cạnh.
Học sinh một số trường THCS trên địa bàn huyện Kông Chro tham gia buổi truyền thông liên quan tới giáo dục giới tính. Ảnh: L.H |
Bác sĩ Ngô Thị Tuyết Minh-Phó Trưởng khoa Nam học-Vị thành niên (Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Sinh sản tỉnh) cho biết: “Hiện các em vẫn còn tâm lý e ngại, không dám cởi mở chia sẻ về giới tính giữa con và cha mẹ, thầy cô, bạn bè; vấn đề giáo dục giới tính trong trường học còn chưa được quan tâm đúng mức; định kiến xã hội còn dè dặt khi nhắc đến các vấn đề nhạy cảm liên quan đến giáo dục giới tính cho trẻ… Hậu quả là chính con em của chúng ta phải đối mặt với vấn đề này trở nên khó khăn hơn, thậm chí có em vì quá lo sợ đã trở nên stress, trầm cảm. Qua buổi giáo dục giới tính lần này, chúng tôi hướng đến cung cấp cho các em thông tin về những thay đổi của cơ thể ở tuổi vị thành niên để các em biết chăm sóc bản thân, sẵn sàng tâm lý đón nhận sự thay đổi ở cơ thể khi bước vào giai đoạn phát triển mới. Từ đó, các em có thể làm chủ cảm xúc, không lo lắng quá mức hay có những cảm xúc tiêu cực dẫn đến ảnh hưởng xấu về mặt tâm sinh lý”.
“Vẽ đường cho hươu chạy”: Tại sao không?
Không chỉ đón nhận những thay đổi lớn về mặt thể chất, quan trọng hơn, nhiều em có những rung cảm đầu đời với bạn khác giới. Vấn đề này không dễ dàng đối với chính các em và cả gia đình, nhà trường trong việc định hướng để các em không đi quá giới hạn, biết kiềm chế và làm chủ cảm xúc. Trong thực tế, hầu hết các em không dám chia sẻ với người lớn vì sợ sẽ bị la mắng, cấm đoán. Thậm chí, phản ứng chung của tất cả các phụ huynh sẽ là cấm đoán, mắng mỏ các em.
Chủ động “vẽ đường cho hươu chạy” hay áp đặt tâm lý cấm đoán đối với các em trong giai đoạn này là câu hỏi chắc chắn gặp phải nhiều luồng ý kiến trái chiều. “Vẽ đường cho hươu chạy” không phải là “bật đèn xanh” cho các em được quyền yêu và thể hiện cảm xúc công khai, càng không phải để các em tự do quá đà, thích làm gì tùy ý. “Vẽ đường cho hươu chạy” ở đây nghĩa là định hướng cho các em một con đường với đầy đủ những phải-trái, được-mất khi bước vào tình yêu tuổi mới lớn. Từ đó, các em biết được mình cần làm gì, dừng ở đâu hay nói rõ hơn là kiểm soát chính mình để không đi quá giới hạn, tránh những điều không tốt sẽ xảy đến với các em. “Chúng ta không thể bắt mọi đứa trẻ lớn lên theo khuôn mẫu mình định ra, nhất là trong xã hội vận động liên tục hiện nay”-bác sĩ Minh nêu quan điểm.
Nói về thực trạng giáo dục giới tính hiện nay trong nhà trường, nhiều thầy-cô giáo đều thừa nhận vấn đề này chưa được chú trọng đúng mức. “Vấn đề giáo dục giới tính trong nhà trường còn quá hạn chế so với nhu cầu. Theo tôi, không chỉ nhà trường mà ngành chuyên môn địa phương cũng nên có nhiều chương trình phối hợp, hỗ trợ với nhà trường để tuyên truyền giáo dục giới tính cho trẻ vị thành niên hơn vì họ có chuyên môn, kỹ năng tốt hơn”-thầy Nguyễn Hữu Tài-Tổng phụ trách Đội-Liên đội Trường THCS Quang Trung (huyện Kông Chro) nói.
Lê Hòa