(GLO)- Mặc dù công tác phòng-chống hàng giả, hàng nhái liên tục được các cơ quan chức năng tăng cường và đẩy mạnh, song vì cái lợi trước mắt, các gian thương vẫn lén lút đưa hàng giả, hàng nhái ra thị trường với thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Thực hiện Kế hoạch số 20/KH-BCĐ389 của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh 6 tháng cuối năm 2015, Đội Quản lý Thị trường (QLTT) Lưu động (Chi cục QLTT Gia Lai) đã đồng loạt kiểm tra đột xuất 4 cơ sở kinh doanh mỹ phẩm tại TP. Pleiku bao gồm: Shop mỹ phẩm Hùng Nhân số 84 Duy Tân; Cơ sở mỹ phẩm Á Đông 55 Ngô Gia Tự; Shop mỹ phẩm Phượng số 06 Trần Hưng Đạo và cơ sở kinh doanh Trần Lệ Mẫn số 29A1 Trung tâm Thương mại Pleiku.
Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, quản lý hàng giả, hàng nhái. Ảnh: H.D |
Qua kiểm tra, Đội đã tạm giữ gần 600 mỹ phẩm các loại không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp gồm: son, phấn, kem dưỡng da, nước hoa, sữa tắm, thuốc nhuộm, dầu gội đầu… Tất cả đều không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đội đã hoàn chỉnh hồ sơ chuyển cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính tổng cộng 52,5 triệu đồng, tịch thu toàn bộ các loại mỹ phẩm nói trên để tiêu hủy theo quy định của pháp luật, tổng giá trị hàng hóa tịch thu là gần 42 triệu đồng.
Trước đó, Đội QLTT Lưu động cũng đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với cơ sở kinh doanh của bà Trương Thị Mai Sen (30 Hai Bà Trưng, TP. Pleiku) về việc bán hàng hóa xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp đã được bảo hộ tại Việt Nam. Qua nguồn tin được cung cấp, Đội đã tiến hành kiểm tra đột xuất và phát hiện cơ sở kinh doanh này buôn bán trên 1.000 đôi giày có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, gồm 900 đôi giày HUNG SANG hình 4 dải sọc xâm phạm quyền nhãn hiệu hình 3 dải sọc và 140 đôi giày cao cổ đế đinh xâm phạm kiểu dáng công nghiệp của Công ty TNHH Giày Bình Minh đã được bảo hộ tại Việt Nam. Cơ sở này đã bị đề xuất mức xử phạt 26 triệu đồng đối với cơ sở kinh doanh trên, đồng thời tịch thu trên 1.000 đôi giày theo quy định của pháp luật.
Có thể thấy, công tác đấu tranh phòng-chống buôn bán hàng giả, háng nhái, hàng kém chất lượng được lực lượng chức năng tích cực triển khai trên tất cả các lĩnh vực, trong đó đặc biệt chú ý tới mảng sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, góp phần ổn định thị trường, đảm bảo quyền lợi cho nhà sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là người nông dân. Từ đầu năm đến nay, Chi cục Quản lý Thị trường đã phối hợp với các lực lượng chức năng lấy 8 mẫu phân bón vô cơ để thử nghiệm chất lượng và đáng buồn là kết quả thử nghiệm cho thấy 4/8 mẫu không đạt chất lượng theo chỉ tiêu công bố áp dụng. Chi cục đã hoàn chỉnh hồ sơ chuyển cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính tổng cộng 730 triệu đồng. Mới đây, để tiếp tục triển khai Công văn số 1131/QLTT-TH của Cục QLTT về việc mở đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, Đội QLTT Lưu động đã tiến hành kiểm tra đột xuất Công ty cổ phần Vật tư Nông nghiệp Bảo Đạt (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai).
Qua đó đã phát hiện Công ty đã buôn bán thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng, khối lượng 158,64 lít thuốc thành phẩm các loại. Đội đã hoàn chỉnh hồ sơ chuyển cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính 15 triệu đồng, tước quyền sử dụng chứng chỉ ngành nghề buôn bán thuốc bảo vệ thực vật 2 tháng và buộc thu hồi trả lại nhà sản xuất.
Theo Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam, hiện có hơn 30 ngành hàng bị làm giả nhiều nhất, từ hàng tiêu dùng thông thường đến hàng cao cấp, là mỹ phẩm, rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo, đường sữa, thuốc thú y, đồ điện tử, điện thoại, xe máy các loại… Thực trạng này khiến ngân sách nhà nước bị thất thu, doanh nghiệp thiệt hại, quyền lợi người tiêu dùng bị xâm phạm và ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái là một cuộc chiến trường kỳ, khó khăn và không thể chỉ trong một sớm, một chiều, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các lực lượng thực thi và doanh nghiệp, đồng thời phải phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, hiệp hội, người tiêu dùng và cơ quan thông tin đại chúng để phối hợp đấu tranh, tạo dư luận lên án mạnh mẽ hoạt động sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Bên cạnh đó, cần phải có chế tài xử phạt thật mạnh, xử lý thật nghiêm các cơ sở sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tính răn đe mới có tác dụng.
Hà Duy