(GLO)- Ngày 6-10, đoàn giám sát do ông Nguyễn Đình Phương-Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh Gia Lai làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND huyện Ia Grai về sử dụng kinh phí 10% trích từ nguồn thu tiền sử dụng đất và tiền thuê đất để chi cho công tác quản lý đất đai trên địa bàn giai đoạn 2017-2021.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Hà Phương |
Theo báo cáo của UBND huyện Ia Grai, giai đoạn 2017-2021, tổng thu tiền sử dụng đất và tiền thuê đất là hơn 63,3 tỷ đồng; tổng kinh phí trích tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trên địa bàn hơn 4,1 tỷ đồng (trong đó 10% trích từ nguồn thu tiền sử dụng đất và tiền thuê đất trên địa bàn để tại ngân sách huyện hơn 2,7 tỷ đồng, 10% trích từ nguồn thu tiền sử dụng đất và tiền thuê đất năm 2021 đã nộp về ngân sách cấp tỉnh theo Nghị quyết số 128/2020/NQ-HĐND tỉnh là 1,335 tỷ đồng). Ngoài ra ngân sách xã đã trích 10% từ nguồn thu tiền sử dụng đất và tiền thuê đất năm 2021 trên địa bàn xã đã nộp về ngân sách cấp tỉnh với số tiền trên 2,307 tỷ đồng. Tổng kinh phí chi cho công tác đo đạc giai đoạn 2017-2021 là 2,156 tỷ đồng.
Tổng diện tích đã đo đạc, lập bản đồ địa chính trên địa bàn huyện (hệ tọa độ HN-72, VN-2000) là 27.330,93 ha, chiếm tỷ lệ 24,41% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện. Hiện nay, diện tích cần đo đạc trên địa bàn huyện chủ yếu là các diện tích nhỏ lẻ, manh mún tại địa bàn các xã và diện tích thuộc các công ty, nông trường bàn giao về địa phương quản lý với diện tích khoảng 2.000 ha. Nhu cầu kinh phí để đo đạc đối với diện tích còn lại dự kiến là 5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, đại diện UBND huyện Ia Grai đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng hồ sơ địa chính, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cơ sở dữ liệu đất đai ở từng huyện, thành phố để lập dự án và cân đối, bố trí kinh phí để thực hiện có hiệu quả các dự án đo đạc lập bản đồ địa chính, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai của từng huyện, thành phố...
Ủy ban nhân dân huyện Ia Grai cũng đề nghị sớm triển khai dự án đo đạc tổng thể tại các xã còn lại trên địa bàn huyện (hiện nay huyện đã được đo đạc lại toàn diện 2 xã là Ia Bă, la Hrung và thị trấn Ia Kha) để làm cơ sở xây dựng dữ liệu, đưa vào khai thác sử dụng đồng nhất, phục vụ tốt hơn trong công tác quản lý đất đai. Đồng thời, cho phép thực hiện đo đạc chính lý đối với địa bàn các xã hiện nay đã có biến động lớn (trên 50%), những xã sử dụng phần lớn bản đồ theo hệ tọa độ giả định trước đây nhưng không có file bản đồ số, làm cơ sở cho việc cập nhật, quản lý được tốt hơn…
Sau khi nghe báo cáo, các đại biểu đã nêu ra những tồn tại, hạn chế về phân bổ và sử dụng kinh phí từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để đầu tư cho công tác đo đạc; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa gắn liền với việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính, thiếu kinh phí để triển khai thực hiện số hóa dữ liệu. Đặc biệt, thực trạng các khu đo tại các xã theo hệ tọa độ giả định giai đoạn từ năm 1999 trở về trước đã có sự biến động nhiều so với hiện trạng nên gây khó khăn trong công tác khai thác, thu thập và quản lý, sử dụng dữ liệu đất đai trên địa bàn huyện. Song việc thực hiện đo đạc lại không thực hiện được, dẫn đến mặc dù hàng năm đã bố trí 10% từ nguồn thu tiền sử dụng đất nhưng chủ yếu chỉ thực hiện chi đo đạc tại các khu vực nhỏ lẻ, manh mún; việc triển khai đo đạc theo từng khu vực, từng giai đoạn và không đồng nhất trong việc xây dựng toàn xã nên dẫn đến việc tiếp cận, khai thác dữ liệu đôi lúc không thống nhất…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị huyện Ia Grai cần rà soát diện tích cần đo đạc lại; triển khai đo đạc theo từng khu vực, từng giai đoạn. Trong đó, chú trọng đối với những khu vực đã có biến động lớn, theo các hệ tọa độ giả định trước đây nhưng không được đo đạc, chỉnh lý, xây dựng lại cơ sở dữ liệu dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý… Đoàn sẽ tiếp thu các kiến nghị của huyện, tổng hợp báo cáo cấp trên xem xét.
HÀ PHƯƠNG