(GLO)- Những năm qua, Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để giảm nhanh hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 7,04%, trong đó, hộ nghèo đồng bào DTTS giảm còn 15,2%.
Tiếp sức cho hộ nghèo
Những năm trước, gia đình anh Xuyên (làng Klăh 1, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) dù “khéo co” đến mấy cũng vẫn thiếu trước hụt sau. Năm 2015, biết anh chị chịu thương chịu khó mà vẫn nghèo, địa phương đã hỗ trợ 5 sào đất để sản xuất. Bắt đầu từ đó, cuộc sống gia đình khởi sắc. Anh Xuyên cho hay: “Khi được xã giao đất, mình bàn với vợ vay Ngân hàng Chính sách xã hội 12 triệu đồng thuê máy múc san đất, trồng cà phê. Tiền thuê san đất hết 5 triệu đồng, số còn lại dành mua cây giống cà phê và phân bón. 2 vợ chồng ngày đi làm thuê, đêm về đào hố, cải tạo đất để trồng cà phê”. Sau 3 năm, 5 sào cà phê của gia đình anh Xuyên cho thu bói được 22 triệu đồng. “Vợ chồng mình mừng lắm. Có ít vốn, mình bàn với vợ ở nhà mở quán tạp hóa. Hàng ngày, mình đi làm thuê, vợ ở nhà bán hàng, có thời gian chở con đi học, chăm sóc mẹ già. Vợ mình có duyên bán hàng, bà con trong làng đến mua rất đông. Cuối năm 2018, gia đình mình đã thoát nghèo”-anh Xuyên tươi cười khoe.
Vợ chồng ông Y Phong cùng các cháu bên ngôi nhà mới. Ảnh: Đ.Y |
Tương tự, gia đình ông Y Phong (làng Jek, xã Ia Sao, huyện Ia Grai) cũng vừa thoát nghèo với mô hình nuôi heo và gà siêu trứng. Gia đình ông Phong thuộc hộ nghèo do ít đất sản xuất, lại thiếu vốn. Năm 2016, gia đình được địa phương tạo điều kiện cho vay 15 triệu đồng để làm chuồng, mua heo giống. Với số vốn ấy, ông mua 6 con heo giống về nuôi. Nhờ chịu thương chịu khó, 7 tháng sau, gia đình bán được 25 triệu đồng. Ông tiếp tục đầu tư 3 triệu đồng mua thêm heo giống. Đợt xuất chuồng thứ 2 tiếp tục thu được 32 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Không chỉ có tiền trả nợ ngân hàng, ông Phong còn đầu tư đàn gà siêu trứng, mỗi tháng thu 1-2 triệu đồng tiền bán trứng. Đầu năm 2018, gia đình ông làm lại căn nhà khá kiên cố với chi phí gần 100 triệu đồng. “Tuy chưa khá giả gì nhưng thoát nghèo là tôi mừng rồi. Đây là tiền đề để gia đình cố gắng làm ăn vươn lên trong cuộc sống”-ông Phong chia sẻ.
Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 7%
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 12-4-2017 của Tỉnh ủy “về giảm nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025”, tỉnh ta đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2020 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 7% và tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS xuống dưới 15,2% (bình quân mỗi năm giảm 5%). Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh còn 125 xã/184 xã có tỷ lệ hộ nghèo dưới 7%, đảm bảo tiêu chí hộ nghèo trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đến cuối năm 2025, giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020) toàn tỉnh xuống dưới 5%.
Là cơ quan thường trực thực hiện các chủ trương, chính sách giảm nghèo nói chung và chính sách giảm nghèo trong đồng bào DTTS nói riêng, bà Trần Thị Hoài Thanh-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và xã hội-cho rằng: Thời gian qua, trên cơ sở văn bản chỉ đạo của tỉnh, Sở đã phối hợp với các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đồng bào DTTS và cộng đồng xã hội về giảm nghèo bền vững. Cùng với đó, các ngành, địa phương đã tích cực huy động toàn xã hội vào cuộc với tinh thần “Tương thân tương ái”, “Lá lành đùm lá rách” và triển khai sâu rộng cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Huyện Krông Pa là địa phương triển khai tốt công tác hỗ trợ đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo. Ông Nguyễn Văn Hường-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện-cho biết: Huyện đã đưa chỉ tiêu thực hiện giảm nghèo bền vững, nhất là giảm nghèo vùng đồng bào DTTS vào tiêu chí chủ yếu để đánh giá, xếp loại thi đua của tập thể, cá nhân hàng năm. Đồng thời, phân công 55 cơ quan, đơn vị trực tiếp hỗ trợ theo địa chỉ cụ thể. Nhờ đó, nếu đầu năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS là 55,6% thì đến cuối năm 2019 giảm còn 22,17%.
“Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo trong đồng bào DTTS, Sở sẽ tham mưu xây dựng các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù; đồng thời huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Tiếp tục vận động doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đóng góp xây dựng Quỹ “Vì người nghèo”, Quỹ “An sinh xã hội”; thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Gia Lai chung tay vì người nghèo”-bà Trần Thị Hoài Thanh cho biết thêm.
ĐINH YẾN