Giá vàng liên tục "nhảy múa": Người mua và bán đều thận trọng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong khi giá vàng thế giới ở ngưỡng 2.000 USD/ounce thì giá vàng miếng SJC trong nước có thời điểm đã chạm mức lịch sử 74 triệu đồng/lượng, chênh lệch hơn 18,7 triệu đồng/lượng. Sự biến động không ngừng của giá vàng đã khiến biên độ giao dịch được nới rộng, rủi ro tăng khiến cả người bán và người mua trở nên thận trọng hơn bao giờ hết.  
Trưa 7-3, giá vàng miếng SJC đã lập đỉnh 74 triệu đồng/lượng, đây là mức giá cao kỷ lục từ trước đến nay. Mức giá này tiếp tục được giữ ổn định cho tới 9 giờ sáng 8-3. Tuy nhiên, đến 11 giờ 20 phút cùng ngày, giá vàng miếng SJC đã hạ xuống mức 70,4 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 72,2 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. 
Giá vàng liên tục biến động khiến người mua và người bán thận trọng khi giao dịch. Ảnh: Đức Thụy
Giá vàng liên tục biến động khiến người mua và người bán thận trọng khi giao dịch. Ảnh: Đức Thụy
Trước diễn biến của giá vàng, chị Trần Thị Ngọc Nhi (phường Hội Phú, TP. Pleiku) quyết định bán ra một số vàng miếng, vàng khâu. Chị giãi bày: “Số vàng miếng này tôi dành dụm mấy năm nay. Gia đình đang có việc cần đầu tư cộng thêm giá vàng đang tăng cao nên tôi quyết định bán luôn. Thật tình là tôi mua vàng với mục đích để tích trữ làm vốn dự phòng lúc rủi ro nên bây giờ bán ra thấy tiếc lắm”.
Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Thanh Cường (thị trấn Đak Đoa) liên tục theo dõi tình hình giá vàng biến động từ đầu năm đến nay. Phân tích tình hình giá vàng và xu hướng đầu tư lướt sóng, ông Cường chia sẻ: “Khi giá đạt đỉnh 74 triệu đồng/lượng vào ngày 7-3 thì việc đầu tư khá mạo hiểm, nhiều rủi ro khi biên độ mua vào-bán ra chênh nhau tới 2 triệu đồng/lượng. Theo tôi, nếu như đầu tư vàng vào thời điểm ngày 10-2 trở về trước thì thời điểm này đã có thể bán chốt lời ngắn hạn thay vì mua vào lúc giá đang dao động trên đỉnh. Các nhà đầu tư lướt sóng cũng đã có nhiều kinh nghiệm qua nhiều đợt nên thời điểm này đang khá thận trọng giữa mua vào và bán ra”. 
Mặc dù giá vàng tăng vọt nhưng các giao dịch vẫn không tăng đột biến. Ảnh: Sơn Ca
Khách hàng giao dịch tại tiệm vàng Vĩnh Thạnh (83 Đình Tiên Hoàng, TP. Pleiku). Ảnh: Sơn Ca
Theo thông tin thị trường, chiều tối 7-3, giá vàng thế giới đã vượt ngưỡng 2.000USD/ounce khi nhu cầu trú ẩn an toàn ở kênh đầu tư này gia tăng mạnh mẽ trước tác động của tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine. Đây cũng là mức giao dịch cao nhất trong gần 2 năm qua. Đến sáng 8-3, giá vàng thế giới niêm yết tại sàn Kitco là 1.998,3 USD/ounce, tương đương 55,3 triệu đồng/lượng. Trong bối cảnh đó, giá vàng miếng SJC trong nước vẫn ở mức 74 triệu đồng/lượng, chênh lệch tới 18,7 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới.
Trước diễn biến giá vàng trong nước liên tục lập đỉnh lịch sử, ông Hoàng Ngọc Hòa-chủ tiệm vàng Vĩnh Thạnh III (TP. Pleiku) nhận định: “Giá vàng trong nước biến động liên tục gần 10 lần/ngày khiến người kinh doanh vàng phải cân não ứng phó theo, tính toán cân đối giữa mua và bán vì rủi ro rất lớn, giá lên xuống gần 1 triệu đồng/ngày. Với tình hình giá vàng hiện nay, số lượng giao dịch không tăng đột biến ở cả 2 chiều mua vào và bán ra, chủ yếu xoay quanh vàng miếng SJC và vàng nữ trang. Thời điểm này, khách hàng đa số đến tiệm hỏi giá rất nhiều, chỉ những ai thực sự có nhu cầu mới bán vàng ra vì người dân rất thận trọng, luôn theo sát giá vàng và lo lắng giá vàng sẽ tăng cao hơn”. Không chỉ vàng miếng SJC tăng giá, giá vàng 999 bán ra hiện đang ở mức 56,3 triệu đồng/lượng, giá vàng 98 bán ra hiện đang ở mức 55,3 triệu đồng/lượng, xấp xỉ với mức giá niêm yết ngày 25-2. 
Mặc dù giá vàng tăng vọt nhưng các giao dịch vẫn không tăng đột biến. Ảnh: Đức Thụy
Mặc dù giá vàng tăng vọt nhưng các giao dịch vẫn không tăng đột biến. Ảnh: Đức Thụy
Trong bối cảnh giá vàng “nhảy múa” và liên tục lập đỉnh, các giao dịch mua bán thay vì gia tăng đột biến thì lại có xu hướng chững lại ở hầu hết tiệm vàng lớn. Tại cửa hàng PNJ (14 Hoàng Văn Thụ, TP. Pleiku), bà Nguyễn Thị Xuân Mai-Cửa hàng trưởng-cho biết: “Hiện nay, các giao dịch vàng miếng đang chững lại. Một số khách hàng dự đoán tình hình nên đầu tư mua vàng giai đoạn sau ngày vía Thần Tài. Qua các giao dịch cho thấy, nhu cầu khách hàng mua vàng miếng SJC chủ yếu là để đầu tư lướt sóng, còn nhu cầu tích trữ thì mua vàng miếng PNJ. Hiện nay, giá vàng miếng PNJ đang theo sát giá vàng thế giới, giao dịch trưa ngày 8-3 mua vào là 55,85 triệu đồng/lượng, bán ra 56,75 triệu đồng/lượng. Riêng vàng nữ trang PNJ vẫn luôn giữ ổn định giá bán ra”.
Tương tự, ông Võ Văn Phương-chủ tiệm vàng Phương Yến (318 Hùng Vương, TP. Pleiku) thông tin: “Mặc dù giá vàng liên tục biến động nhưng số lượng giao dịch hàng ngày vẫn duy trì ổn định. Đa phần khách hàng bán vàng do có nhu cầu công việc, còn một số ít thì chốt lời. Nhu cầu khách hàng mua nữ trang vẫn ổn định, giá có tăng nhẹ theo giá vàng thế giới nhưng không đáng kể. Cả người bán và người mua cũng đều có tâm lý thận trọng trong bối cảnh giá vàng quá cao hiện nay”. Tính đến ngày 8-3, giá vàng 99 tại tiệm Phương Yến nằm ở mức 5,4-5,6 triệu đồng/chỉ, vàng 98 ở mức 5,38-5,6 triệu đồng/chỉ, vàng nữ trang 610 ở mức 3,1-3,6 triệu đồng/chỉ.
SƠN CA

Có thể bạn quan tâm

Ngành Thuế Chư Pưh tiếp tục đôn đốc, khai thác tốt các nguồn thu

Ngành Thuế Chư Pưh tiếp tục đôn đốc, khai thác tốt các nguồn thu

(GLO)- Đến thời điểm này, huyện Chư Pưh đã thu được gần 29 tỷ đồng nộp ngân sách, đạt khoảng 120% dự toán tỉnh và HĐND huyện giao (trừ tiền sử dụng đất). Từ nay đến hết năm 2024, ngành Thuế huyện tiếp tục triển khai các giải pháp để quản lý thuế, chống thất thu cũng như khai thác tốt các nguồn thu.

Tiếp tục giảm 2% thuế VAT tới 1.7.2025

Tiếp tục giảm 2% thuế VAT tới 1.7.2025

Quốc hội đồng ý tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong nửa đầu năm 2025; đồng thời yêu cầu chấm dứt việc miễn thuế với hàng giá trị dưới 1 triệu nhập khẩu qua các sàn thương mại điện tử như Shopee, Temu.

Tập huấn kiểm kê tài sản công

Tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công

(GLO)- Ngày 28 và 29-11, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai.