Gia Lai: Trung thu này đèn lồng Việt “lên ngôi”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những ngày này, không khí Trung thu như trở nên sôi động hơn bởi mặt hàng đèn lồng truyền thống đang tạo nên cơn sốt trên thị trường. Khắp phố phường TP. Pleiku tràn ngập sắc đỏ của vô số những đèn lồng dân gian vốn quen thuộc với mọi tầng lớp người dân Việt Nam. Và điều đặc biệt là chúng được sự đón nhận nhiệt thành của hầu hết người dân Phố núi.    

Đa dạng về mẫu mã

 

Đèn lồng Việt với nhiều mẫu mã sáng tạo, đẹp mắt. Ảnh: Trần Dung
Đèn lồng Việt với nhiều mẫu mã sáng tạo, đẹp mắt. Ảnh: Trần Dung

Năm nay, thị trường đèn lồng Việt Nam nổi bật hơn hẳn với nhiều sản phẩm mới được đầu tư, chăm chút kỹ lưỡng về mẫu mã, nhằm thu hút thị hiếu của khách hàng “nhí”. Ngoài những kiểu mẫu quen thuộc như đèn ông sao, đầu lân, mặt nạ… thì năm nay thị trường đèn lồng truyền thống còn có thêm nhiều sản phẩm mới với những loại lồng đèn xếp giấy in hình họa tiết nổi bật và các hình vẽ ngộ nghĩnh như các con vật, nhân vật hoạt hình… Hầu hết những sản phẩm này được làm từ chất liệu khung tre, giấy xếp, giấy bóng kính và phim màu. Nhiều loại đèn lồng giấy được thiết kế dựa vào các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử Việt Nam như đèn lồng Quốc Tử Giám, chùa Một Cột, đèn lồng hoa sen,...
 

Nhiều cửa hàng bày bán 100% đèn lồng truyền thống. Ảnh: Trần Dung
Nhiều cửa hàng bày bán 100% đèn lồng truyền thống. Ảnh: Trần Dung

Đa số tiểu thương kinh doanh mặt hàng đèn lồng Trung thu trên địa bàn TP. Pleiku đều rất vui vẻ và hài lòng với các mặt hàng đèn lồng Việt năm nay. Có nhiều cửa hàng đã nhập 100% hàng truyền thống về bày bán trong dịp Trung thu này. “Qua việc thăm dò thị trường, biết được ưu điểm của hàng nội và khách hàng cũng khá ưa chuộng chúng nên cửa hàng chúng tôi đã nhập về số lượng lớn các loại đèn lồng thủ công với đủ loại mẫu mã sinh động. Chủ yếu chúng tôi lấy hàng từ các làng nghề truyền thống tại Bình Định, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Gia Lai”- Anh Lê Anh Phước (chủ cửa hàng đèn lồng tại số 21-Trần Phú-TP. Pleiku) cho biết.

Dòng lồng đèn truyền thống năm nay giá cả không mấy biến động nên đáp ứng được nhu cầu bình dân của khách hàng. Với đèn lồng giấy xếp con thú, đèn kéo quân giấy bóng kính, đèn ông sao sẽ có giá từ 15.000 đồng đến 80.000 đồng/chiếc.

 

Đèn lồng Việt là lựa chọn an toàn của các bậc phụ huynh cho con em mình. Ảnh: Trần Dung
Đèn lồng Việt là lựa chọn an toàn của các bậc phụ huynh cho con em mình. Ảnh: Trần Dung

Ngoài ra, còn có thêm các sản phẩm đèn chạy pin phát nhạc có giá từ 50.000 đồng đến 150.000 đồng/chiếc. Chị Trần Thị Loan (thôn Đoàn Kết-xã Ia Boòng-huyện Chư Prông) đặc biệt yêu thích những kiểu mẫu của đèn lồng truyền thống. Chị vui vẻ chọn cho con trai của mình một sản phẩm và chia sẻ: “Năm nay tôi không phải băn khoăn nhiều khi chọn mua đèn lồng Trung thu cho con bởi có rất nhiều mẫu mã đẹp và an toàn. Đặc biệt, tôi rất ấn tượng với nhiều loại đèn lồng có những đoạn nhạc Việt rộn ràng quen thuộc “Tùng rinh rinh, tùng tùng rinh rinh...”.
 
Đèn lồng Việt chiếm lĩnh thị trường

Sự trở lại của đèn lồng Việt năm nay đã tạo nên “cơn sốt” trên thị trường đồ chơi cho trẻ em dịp Trung thu tại Gia Lai. Những ngày gần đây, đèn lồng nội địa được tiêu thụ mạnh hơn nhiều so với những mùa Trung thu trước. Nếu như trước đây đèn lồng Trung Quốc chiếm đến 70-80% lượng hàng trên thị trường thì năm nay con số ấy đã được đèn lồng Việt Nam chiếm lĩnh. Người tiêu dùng quay lại với giải pháp lồng đèn thuần Việt với mục đích vừa truyền thống vừa an toàn.

 

Người tiêu dùng quay lại với giải pháp lồng đèn thuần Việt với mục đích vừa truyền thống vừa an toàn. Ảnh: Trần Dung
Người tiêu dùng quay lại với giải pháp lồng đèn thuần Việt với mục đích vừa truyền thống vừa an toàn. Ảnh: Trần Dung

Một chủ cửa hàng đồ chơi trẻ em trên đường Hai Bà Trưng (TP. Pleiku) cho biết: "Tôi đã hạn chế lấy hàng Trung Quốc và tăng cường hàng Việt Nam bởi nhu cầu của khách hàng năm nay đã thay đổi rõ rệt. Không chỉ là người lớn mà hầu hết trẻ em cũng rất chuộng những loại đèn lồng bằng giấy do người Việt mình làm. Đây là thời điểm cửa hàng chúng tôi bán rất chạy mặt hàng này”.

Phần lớn các cửa hàng kinh doanh đèn lồng đều phải liên tục nhập hàng về hoặc tự làm ra những sản phẩm tương tự để phục vụ nhu cầu ngày một cao của người dân. Cửa hàng của ông Từ Tiến Huy (số 57 Hoàng Văn Thụ-TP. Pleiku) là một trong những cửa hàng luôn tăng cường số lượng cũng như mẫu mã các loại đèn lồng truyền thống. Nhiều đèn lồng ngôi sao lớn hay đèn lồng hoa sen đều do chính tay ông Huy thiết kế và hoàn thành.

 

Cửa hàng đèn lồng Trung Quốc vắng khách dịp Trung Thu. Ảnh: Trần Dung
Cửa hàng đèn lồng Trung Quốc vắng khách dịp Trung thu. Ảnh: Trần Dung

Nhiều bậc phụ huynh đã rất kĩ lưỡng khi chú trọng đến xuất xứ cũng như độ an toàn cho con em mình khi chọn mua mặt hàng đồ chơi Trung thu. “Các năm trước tôi cũng bị sức hút của nhiều loại đồ chơi có xuất xứ Trung Quốc do chúng bắt mắt và nhỏ gọn. Nhưng năm nay tôi không còn tin tưởng vào độ an toàn của chúng nên chọn mua cho con mình đèn lồng trong nước”- chị Nguyễn Thị Phượng (phường Hoa Lư-TP. Pleiku) chia sẻ. Hiện nay, mặt hàng đèn lồng nhựa Trung Quốc tuy không áp đảo thị trường như mọi năm nhưng vẫn được bày bán tại một số nơi trên địa bàn TP. Pleiku. Tuy nhiên, dù giá chỉ dao động từ 15.000 đến 50.000 đồng/sản phẩm nhưng hầu như chúng không thể tiêu thụ được nhiều.
 
Ông Lý Trọng Huy-Phó chánh Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ- Phó đoàn kiểm tra liên ngành về chất lượng đồ chơi trẻ em, cho biết: “Trong dịp Tết Trung thu, mặt hàng đồ chơi trẻ em được tiêu thụ mạnh, đặc biệt là các loại đèn lồng. Đoàn liên ngành đã xây dựng chuyên đề kiểm tra ngay từ đầu tháng 8 cho đến cuối tháng 9 với 25 cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng này. Trong đó, 15 cơ sở tại TP. Pleiku và 10 cơ sở tại các huyện, thị xã trong toàn tỉnh. Chúng tôi chủ yếu tập trung kiểm tra ở các cơ sở đầu mối, xử lý ngay những trường hợp hàng hóa không có xuất xứ rõ ràng, nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng trong dịp Tết Trung thu”.

Trần Dung

Có thể bạn quan tâm

Sản phẩm bò một nắng Mười Đức (huyện Krông Pa) đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Ảnh: N.D

Chương trình OCOP: Động lực phát triển kinh tế nông thôn

(GLO)- Sau 5 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều loại nông-lâm-thủy sản đặc trưng của tỉnh được đầu tư khai thác, chế biến thành sản phẩm OCOP, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đây là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn của tỉnh.

Dự án trụ sở HĐND-UBND TP. Pleiku đang được đơn vị thi công gấp rút hoàn thành các hạng mục còn lại. Ảnh: Q.T

Pleiku tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

(GLO)- Ủy ban nhân dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đang tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và các xã, phường quyết liệt triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn. Thành phố quyết tâm đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 95% theo kế hoạch.

Chư Pưh: Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư

Chư Pưh: Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư

(GLO)- Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, những năm qua, huyện Chư Pưh luôn là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, tại Hội nghị Liên kết, kêu gọi đầu tư và kết nối tiêu thụ sản phẩm huyện năm 2024 vừa được tổ chức, hàng loạt dự án trên các lĩnh vực được UBND huyện và các nhà đầu tư ký kết biên bản hợp tác.

Sản phẩm được trao giải thưởng Mai An Tiêm của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang. ở xã Nam Yang, huyện Đak Đoa. *Ảnh: Hoàng Cư

Gia Lai có 3 sản phẩm được trao giải thưởng Mai An Tiêm

(GLO)- Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân mới ký quyết định công nhận danh hiệu sản phẩm tiêu biểu của Hợp tác xã năm 2024 và trao giải thưởng Mai An Tiêm lần thứ nhất. Toàn quốc có 100 sản phẩm thì Gia Lai có 3 sản phẩm được công nhận danh hiệu sản phẩm tiêu biểu của Hợp tác xã năm 2024 và trao giải thưởng Mai An Tiêm

Nhiều hội viên nông hội mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: H.D

Tăng khả năng tiếp cận vốn cho nông hội

(GLO)- Mô hình nông hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần giúp nông dân chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng giá trị các sản phẩm.