(GLO)- Sáng 20-1, tại trụ sở UBND TP. Pleiku, Ban An toàn Giao thông tỉnh Gia Lai tổ chức lễ ra quân Năm An toàn giao thông 2015. Đến dự buổi lễ có ông Kpă Thuyên-Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh và hơn 500 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, công nhân, viên chức, đoàn viên thanh niên TP. Pleiku.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên phát động lễ ra quân. Ảnh: Vĩnh Phúc |
Phát biểu phát động lễ ra quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên khẳng định, thời gian qua, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh ta đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tai nạn giao thông từng bước đã được kéo giảm, ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người dân dần được cải thiện. Tuy nhiên, hiện nay tình hình tai nạn giao thông, vi phạm trật tự giao thông ở nước ta nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng vẫn diễn biến phức tạp; ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông còn hạn chế; số người chết do tai nạn giao thông vẫn còn ở mức cao gây thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản của nhân dân. Nhiều nạn nhân là lao động chính của các gia đình đã chết hoặc bị thương tật suốt đời. Hậu quả của tai nạn giao thông mà gia đình nạn nhân phải gánh chịu không có gì bù đắp được, ảnh hưởng đến đời sống, hạnh phúc của mỗi gia đình và xã hội cũng bị tổn thương nghiêm trọng.
Đông đảo cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, công chức, viên chức và đoàn viên thanh niên tham dự lễ phát động. Ảnh: Vĩnh Phúc |
Để thực hiện Năm An toàn giao thông 2015 với chủ đề “Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện” và mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”, thay mặt UBND tỉnh, Phó Chủ tịch Kpă Thuyên yêu cầu các cấp chính quyền và các ban ngành trong tỉnh cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; tổ chức thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân giữ gìn trật tự an toàn giao thông” trong các cơ quan, trường học, doanh nghiệp, các khu dân cư trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cần thường xuyên, liên tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về an toàn giao thông đến các tầng lớp nhân dân; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về quản lý hoạt động vận tải khách và hàng hóa đến các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp vận tải và người điều khiển phương tiện.
Lực lượng Cảnh sát diễu hành sau trên đường phố Pleiku sau lễ phát động. Ảnh: Vĩnh Phúc |
Các ngành chức năng cần nâng cao năng lực hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trong đó tập trung vào quản lý kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; tăng cường quản lý điều kiện bảo đảm an toàn giao thông của các công trình kết cấu hạ tầng giao thông đang khai thác và trong quá trình thi công nâng cấp, bảo trì, sửa chữa; đẩy mạnh hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, nhất là các hành vi vi phạm của xe chở khách, hành vi chở quá tải trọng phương tiện trong vận tải hàng hóa; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm của người thi hành công vụ trong khi làm nhiệm vụ…
Vĩnh Phúc