Gia Lai: Doanh nghiệp nhỏ và vừa chồng chất khó khăn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước nay, doanh nghiệp (DN) vẫn được “mặc định” là nguồn gốc của sự thịnh vượng. Trong khi đó phần lớn DN trên địa bàn tỉnh Gia Lai là DN vừa và nhỏ, đồng nghĩa với việc nhóm này luôn phải đi tiên phong để thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Song thời điểm này, với chồng chất khó khăn, dường như DN đang… thui chột dần ý chí khi mà có quá nhiều DN đang suy kiệt bởi các khoản nợ vay ngân hàng, bởi hàng tồn kho, mất thị trường xuất khẩu…

Doanh nghiệp lao đao

Là một trong những DN ăn nên làm ra, nhưng Công ty TNHH Sản xuất Đá bazan Đào Kỳ (thôn 2, xã Kông Yang, huyện Kông Chro) từ đầu năm đến nay đang trong tình trạng phải hoạt động cầm chừng. Ông Bùi Văn Chỉnh- Quản đốc Nhà máy trầm giọng cho biết: “Sản phẩm của Công ty chủ yếu xuất sang các nước hàn đới như Đức, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ… Nhưng do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế nên theo đó mà tình hình sản xuất khá trì trệ theo. Lượng hàng bán ra ít hẳn. Bình thường, mỗi tháng Công ty xuất khoảng 6 container (tương đương 60 khối đá) thì nay giảm chỉ còn 50%. Mà thị trường nội địa lại không chuộng sản phẩm này lắm.

 

Phân loại hạt điều tại Olam. Ảnh: Hà Duy
Phân loại hạt điều tại Olam. Ảnh: Hà Duy

Hiện Công ty cố gắng hoạt động để giải quyết việc làm cho công nhân (công ty có trên 30 công nhân, trong đó 30% là nữ)”.

Đó chỉ là một trong rất nhiều DN gặp khó trong thời điểm hiện tại. Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có gần 100 DN ngừng hoạt động, trong đó có khoảng 40 DN và đơn vị trực thuộc bị giải thể, 14 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, gần 50 DN không hoạt động tại trụ sở đăng ký. Nguyên nhân vẫn được xác định là bởi DN khó tiếp cận với nguồn vốn vay với lãi suất phù hợp để tái sản xuất, mặc dù tỉnh đã tích cực thực hiện các chính sách miễn, giãn, giảm thuế cho các DN theo đúng quy định.

Thêm nữa, hiện tại, việc thành lập DN cũng khá dễ dàng đã tạo điều kiện để những DN thiếu năng lực hoạt động, DN “ma” đua nhau mọc lên nhằm để có điều kiện vay vốn sử dụng vào mục đích khác, tăng thu lợi nhuận. Các DN ở địa phương bị thất thu đáng kể khi giá nông sản liên tục xuống thấp và bị một số DN lại cạnh tranh không lành mạnh, nhất là trong hoạt động thu mua nông sản.

Tại Gia Lai, cùng với cà phê, hồ tiêu thì cao su là mặt hàng xuất khẩu đóng góp đáng kể vào tăng thu ngân sách. Song từ cuối năm 2011 đến nay, giá mủ cao su liên tục tụt giá khiến nhiều chủ vườn cao su, dù đã đến kỳ khai thác nhưng nhiều chủ vườn ngại ngần chưa khai thác mủ, bởi lãi không bao nhiêu mà phải tốn tiền thuê nhân công, phương tiện vận chuyển. Những doanh nghiệp lớn, dù chủ động được hoạt động kinh doanh của mình nhưng nhìn chung đều có doanh số giảm, hàng tồn kho nhiều. Không ít công ty phải tiết giảm chi phí, cắt giảm tiền lương cán bộ, công nhân. Việc mủ cao su tụt giá khiến nhiều doanh nghiệp, người trồng cao su lâm vào khó khăn. Theo đó, cuộc sống của công nhân cũng trở nên lao đao.

Giảm nguồn thu ngân sách

Điều rất dễ thấy là hầu hết các DN vừa và nhỏ đều phải tồn tại dựa vào nguồn vốn vay. Và thực tế, các DN nhỏ dường như luôn phải cần sự tạo điều kiện của các ngân hàng thương mại về tín dụng. Thời gian gần đây, do khó khăn chung của nền kinh tế, các DN vừa và nhỏ rơi vào thua lỗ, dừng hoạt động hoặc phá sản nên việc tiếp cận vốn ở khu vực này lại càng khó khăn hơn. Dòng vốn đi vay trước đó của những DN này bị tắc, bị chôn trong các dự án, nên họ, hoặc sẽ chết, khá hơn là… ngắc ngoải. Chỉ riêng chuyện lãi trả ngân hàng thôi cũng đã đau đầu chứ đừng nói tới các khoản chi phí duy trì hoạt động hàng ngày. Và hậu quả kéo theo là nợ đọng thuế.

Thời gian qua, việc nợ đọng kéo dài đã ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu ngân sách của tỉnh. Và đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều khó khăn trong việc tăng thu ngân sách cho địa phương. Nếu suốt nhiều năm liền, TP. Pleiku, thị xã An Khê, huyện Chư Sê và Chư Prông… là những địa phương luôn đứng đầu về thu ngân sách toàn tỉnh nhờ số lượng doanh nghiệp hùng hậu thì năm nay lại nằm trong nhóm thu không đạt tiến độ do các DN gặp khó, nợ thuế. Đến đầu tháng 8, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 2.058 tỷ đồng, bằng 61% dự toán (DT) Bộ Tài chính giao và bằng 57% DT HĐND tỉnh giao. Riêng TP. Pleiku, từ một đơn vị chiếm tới 2/3 số thu ngân sách toàn tỉnh những năm trước, hiện chỉ mới thực hiện được trên 55% kế hoạch.

Nhằm hạn chế tình trạng thất thu, UBND tỉnh đã ra nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành tăng cường kiểm tra, rà soát thực tế về năng lực tài chính, quy mô hoạt động từ khâu cấp phép thành lập doanh nghiệp, có kế hoạch hậu kiểm doanh nghiệp nhằm hạn chế tình trạng mua bán hóa đơn lòng vòng, DN trốn thuế, nợ đọng thuế kéo dài gây thất thu cho ngân sách nhà nước... Nhưng nhìn tình hình thực tế, những khó khăn về phía DN vẫn sẽ còn kéo dài dù các gói hỗ trợ từ phía Nhà nước vẫn được chú trọng triển khai.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.