Gia Lai: Bất cập trong quản lý, chăm sóc người tâm thần

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, việc người tâm thần quậy phá, chửi bới, gây án ở một số địa phương khiến dư luận lo ngại. Tuy nhiên, trên thực tế, việc quản lý, chăm sóc, điều trị cho các đối tượng này gặp rất nhiều khó khăn.

Chưa được quan tâm đúng mức

Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh có trên 1.900 người bị bệnh tâm thần, 69 gia đình có 2 người tâm thần trở lên. Trong số này, chỉ có 412 đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng. Hiện nay, 248 gia đình có người tâm thần muốn đưa người thân của họ vào trung tâm nuôi dưỡng tập trung. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có cơ sở chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần mà chỉ có Bệnh viện Tâm thần kinh, nhưng cũng chỉ dừng lại ở chức năng điều trị nội trú. Hơn nữa, những người bị bệnh tâm thần ở cộng đồng khi có biểu hiện phát bệnh nặng như có hành vi phá hoại, gây rối, gây án… mới được đưa đến bệnh viện điều trị, khi thấy bệnh thuyên giảm là lại cho về nhà.

 

Khám bệnh cho người rối nhiễu tâm trí. Ảnh: Đ.Y
Khám bệnh cho người rối nhiễu tâm trí. Ảnh: Đ.Y

Do đó, trên thực tế đã xảy ra nhiều sự việc đáng tiếc do các hành vi của người bị tâm thần gây ra. Chỉ tính riêng từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 4 vụ án hình sự liên quan đến người tâm thần và 12 vụ gây rối do người tâm thần gây ra. Điển hình là vụ Vũ Văn Đản (40 tuổi, ở thôn Phú Vinh, xã Ia Băng, huyện Chư Prông) với cuộc thảm sát kinh hoàng khiến 7 người thương vong ngày 23-8-2015.

Liên quan đến việc điều trị bệnh nhân tâm thần, bác sĩ Võ Đình Hiệp-Giám đốc Bệnh viện Tâm thần kinh tỉnh-cho biết: “Số bệnh nhân nhập viện điều trị do bị rối loạn tâm thần ngày càng tăng, không ít trường hợp liên quan đến chất kích thích như: ma túy, rượu... Trong khi đó, Bệnh viện chỉ có nhiệm vụ điều trị nội trú với những bệnh nhân ở trạng thái cấp tính và nặng, khi bệnh nhân ổn định sẽ cho ra viện để điều trị ngoại trú”.

Trong khi đó, nhiều gia đình khi thấy người thân có dấu hiệu phát bệnh lại chỉ nghĩ đến việc đưa đi tìm thầy cúng chứ chưa kịp thời đến các cơ sở y tế để được chăm sóc, chữa trị. Ngoài ra, khi điều trị ở bệnh viện về, một số bệnh nhân không được uống thuốc đầy đủ hoặc tự ý bỏ thuốc, không điều trị theo chỉ dẫn, không tái khám dẫn đến bệnh tái phát nhiều lần trở thành mãn tính. Đáng lưu ý, đại đa số người bị tâm thần đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, người thân bỏ bê không chăm sóc.

Phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần

Được biết, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện đề án “Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2020”. Mục tiêu đặt ra là có 95% số người bệnh tâm thần có hành vi nguy hiểm đến gia đình, cộng đồng và số người bệnh tâm thần lang thang được phục hồi chức năng luân phiên tại các cơ sở bảo trợ xã hội; 95% số người rối nhiễu tâm trí có nguy cơ cao bị tâm thần, người bệnh tâm thần được tư vấn, trị liệu tâm lý và sử dụng các dịch vụ công tác xã hội khác... Bên cạnh đó, hình thành các nhóm cán bộ, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội kết hợp với nhân viên y tế trợ giúp phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần tại xã, phường, thị trấn.

Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Thành-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, việc thực hiện đề án vẫn còn một số khó khăn. Đó là chưa có sự phối hợp trong tổ chức tập huấn về biện pháp chăm sóc, điều trị người tâm thần; chưa xây dựng được mạng lưới công tác xã hội tuyến cơ sở; việc xác định mức độ khuyết tật đối với người tâm thần của hội đồng xác định mức độ khuyết tật còn nhiều khó khăn. “Trước những khó khăn nêu trên, thời gian tới, chúng tôi sẽ huy động sự tham gia của xã hội, nhất là gia đình, cộng đồng trợ giúp về vật chất, tinh thần, qua đó phục hồi chức năng cho người tâm thần để ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội”-ông Thành cho biết.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm