Gia đình Cội nguồn yêu thương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khi mệt mỏi với cuộc sống xô bồ, bon chen, mỗi người đều muốn tìm kiếm một chốn bình yên để an trú. Và không đâu khác, nơi ấy chính là gia đình. Ở đó, tình yêu luôn tràn đầy và vô điều kiện.

Ảnh minh họa: HUY TỊNH
Ảnh minh họa: HUY TỊNH


1. “Nếu lúc đó cứ ép con phải làm theo ý mình, thì có lẽ ...”-chị Hồ Thị Kim C. (tổ 3, đường Ngô Gia Khảm, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) bỏ lửng câu nói. Gần 1 năm trước, vợ chồng chị dường như suy sụp hoàn toàn khi cậu con trai lớn đang theo học lớp 11 đòi nghỉ ngang để đi học nghề. Anh chị vốn không áp đặt con cái phải học thật giỏi, sau này phải thi đậu vào trường đại học này hay cao đẳng kia nhưng vẫn mong con trai sẽ hoàn thành chương trình THPT trước khi lựa chọn nghề nghiệp. Không muốn con sẽ phải hối hận sau này, vợ chồng chị dành nhiều ngày phân tích, khuyên nhủ, thậm chí vận dụng các mối quan hệ xung quanh nhờ tác động. Cuối cùng, khi không thể lay chuyển được ý định của con, thay vì căng thẳng, ép buộc, vợ chồng chị và con cùng thống nhất sẽ bảo lưu kết quả học tập 1 năm. Trong thời gian ấy, vợ chồng chị sẽ cho con học nghề sửa chữa ô tô theo sở thích, nếu không phù hợp, con sẽ quay trở về trường, tiếp tục theo học. Ngược lại, nếu con vẫn đam mê, quyết định theo học nghề đến cùng, vợ chồng chị cũng sẽ thuận theo. Đến giờ, vợ chồng chị đã “chấp nhận thực tại”, không so sánh con mình với con hàng xóm, thậm chí “nhìn con quần áo, tay chân lấm lem dầu máy mà vui vẻ với công việc thì mình cũng an tâm phần nào”-chị C. bộc bạch.


2. Đang có công việc ổn định ở một tổ chức đoàn thể cấp tỉnh, chị H.M. (đường Phạm Văn Đồng, tổ 1, phường Thống Nhất, TP. Pleiku) quyết định nộp đơn xin nghỉ việc. Quyết định này của chị theo nhìn nhận của số đông là... bồng bột. Bởi lẽ, trở thành công chức là điều nhiều người muốn còn không được, huống hồ chị đã gắn bó 21 năm. Thế nhưng với chị, thay đổi công việc đơn giản là để cảm thấy cuộc sống bớt gò bò, có nhiều thời gian dành cho gia đình, con cái hơn. Chị H.M. chia sẻ: “Mình làm tất cả đều vì con nhưng công việc đôi lúc đòi hỏi mình phải đi sớm, về muộn, rồi thỉnh thoảng đi cơ sở nên không có nhiều thời gian dành cho gia đình. Các con ngày càng lớn, cần nhiều thời gian để quan tâm, chăm sóc. Vì vậy, mình muốn tìm kiếm công việc khác phù hợp hơn”. Sẵn có nghề may, chị bàn với gia đình đầu tư máy móc, mở một cơ sở nhỏ chuyên nhận may gia công. “Ban đầu, mọi người trong gia đình khá lo lắng, vì tiền đầu tư máy móc rất tốn kém trong khi công việc mới mình chưa có kinh nghiệm, rồi việc tìm kiếm lao động để họ gắn bó lâu dài... Nhưng khi mình quyết định làm, mỗi người đều xắn một tay hỗ trợ. Mẹ mình tuy đã lớn tuổi nhưng hàng ngày vẫn hỗ trợ cơm nước cho các cháu và cho các thợ, ông xã tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần cũng phụ vợ soạn hàng đem đi giao”-chị H.M. chia sẻ. Hiện tại, cơ sở may gia công của chị đã đi vào hoạt động với 10 lao động nữ, trong số đó đa phần đều do chị đào tạo cơ bản từ đầu. Chị tâm sự, cơ sở mới đi vào hoạt động chưa lâu nên không dám nói trước điều gì, nhưng đúng như mong muốn ban đầu, đó là chị có thời gian dành cho gia đình, có thể đưa đón các con đi học.


3. “Gia đình là bệnh viện tốt nhất để chữa lành mọi vết thương”-điều đó rất đúng với trường hợp của chị Phạm Thị T. (đường Vạn Kiếp, phường Thống Nhất, TP. Pleiku). 29 tuổi, chị T. quyết định ly hôn, trở thành mẹ đơn thân của 2 đứa con, đứa lớn 8 tuổi, đứa nhỏ mới gần 3 tuổi. Chị T. trải lòng: “Lúc 3 mẹ con bơ vơ nhất, bố mẹ chính là điểm tựa để mình có động lực, niềm tin làm lại từ đầu”.


Chị T. kể thêm: “Gia đình tan vỡ là điều chẳng ai mong muốn. Mình cũng muốn các con có một mái ấm trọn vẹn, có đủ cả cha lẫn mẹ nhưng khi yêu thương đã hết, niềm tin không còn, nếu cố níu giữ chỉ là gánh nặng”. Cuộc hôn nhân của chị kéo dài khoảng 9 năm, trong đó chỉ có nửa thời gian đầu là hạnh phúc, ấm êm. Vài năm trở lại đây, chồng chị thay đổi hoàn toàn tính nết, từ người cần cù, siêng năng bỗng bỏ bê gia đình, sa đà vào bài bạc và các cuộc nhậu thâu đêm suốt sáng. Đã không ít lần chị phải đứng ra trả nợ thay chồng, thậm chí có lúc ốm đến nhập viện chị T. vẫn phải vác con theo cùng vì không nhận được sự chia sẻ từ chồng. Vì con, chị đã nhiều lần tha thứ với hy vọng một ngày nào đó chồng mình sẽ thay đổi. Nhưng rồi, sự chịu đựng của con người có giới hạn, chị đã quyết định chấm dứt cuộc hôn nhân không hạnh phúc và đồng ý bán hết nhà cửa, đất đai để trả nợ cho chồng. Kể lại câu chuyện khi bản thân đã vượt qua giai đoạn chông chênh sau ly hôn, chị T. bộc bạch: “Khi biết chuyện, bố mẹ chỉ động viên chứ không một lời trách móc. Hiện tại, mình đang gửi 2 con nhỏ về ngoài quê Thanh Hóa nhờ bố mẹ chăm sóc để yên tâm đi làm, vài năm sau khi cuộc sống ổn định sẽ đón các con vào ở cùng”.

Những câu chuyện trên càng xác tín một điều rằng: Dẫu cuộc sống phía trước vẫn còn nhiều điều khiến mỗi người phải đắn đo, trăn trở, song chỉ cần có gia đình làm điểm tựa thì tất cả mọi giông bão đều dừng lại sau cánh cửa.


An Nguyên
 

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.