GGN vinh danh Vịnh Hạ Long-Cát Bà là di sản địa chất quốc tế lần thứ 2

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập được tổ chức tại Cao Bằng, Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu (GGN) đã vinh danh Vịnh Hạ Long-Cát Bà là một trong 100 di sản địa chất quốc tế lần thứ 2.
Vịnh Hạ Long nằm ở phía Tây vịnh Bắc Bộ bao gồm vùng biển đảo thuộc thành phố Hạ Long, Cẩm Phả và một phần của huyện đảo Vân Đồn của tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Vịnh Hạ Long nằm ở phía Tây vịnh Bắc Bộ bao gồm vùng biển đảo thuộc thành phố Hạ Long, Cẩm Phả và một phần của huyện đảo Vân Đồn của tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Ngày 11/9, tại Cao Bằng, Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu (GGN) tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập.

Dịp này, GGN đã vinh danh Vịnh Hạ Long-Cát Bà là một trong 100 di sản địa chất quốc tế lần thứ 2; tôn vinh những đóng góp của các nhà khoa học đã đặt nền móng cho việc hình thành GGN.

Dự buổi lễ có bà Lidia Brito, Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về Khoa học Tự nhiên; Chủ tịch GGN Nikolas Zouros; ông Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam; lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng cùng hơn 500 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự.

Chủ tịch GGN Nikolas Zouros ôn lại chặng đường 20 năm thành lập GGN UNESCO. Sau 20 năm, mạng lưới đã có 213 Công viên địa chất của gần 50 quốc gia ở châu Á-Thái Bình Dương, châu Âu, châu Mỹ và khu vực vùng biển Caribe, châu Phi...; mạng lưới đang thẩm định thêm 15 Công viên địa chất mới.

Đại diện tỉnh Quảng Ninh đón nhận Chứng nhận vinh danh Vịnh Hạ Long - Cát Bà là một trong 100 di sản địa chất quốc tế lần thứ 2. (Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN)
Đại diện tỉnh Quảng Ninh đón nhận Chứng nhận vinh danh Vịnh Hạ Long - Cát Bà là một trong 100 di sản địa chất quốc tế lần thứ 2. (Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN)

Quá trình xây dựng và phát triển GGN đã thực hiện nhiệm vụ giữ gìn, bảo tồn và phát huy các loại hình di sản địa chất, đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa vật thể và phi vật thể, các hoạt động bảo vệ môi trường, vì sự phát triển của cộng đồng và phát triển bền vững; nâng cao tinh thần đoàn kết giữa các thành viên Mạng lưới trong việc thực hiện các mục tiêu chung của Công viên địa chất toàn cầu.

Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về Khoa học Tự nhiên Lidia Brito nhấn mạnh, bà có cảm xúc khó tả khi lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập GGN diễn ra trong bối cảnh cơn bão Yagi đã tàn phá nặng nề các nước trong đó có Việt Nam. Bà chia sẻ sâu sắc với người dân Việt Nam nói chung và người dân Cao Bằng nói riêng.

Từ thiệt hại của cơn bão này, bà kêu gọi các quốc gia cần có những giải pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu; khắc phục hậu quả biến đổi khí hậu; cùng nhau xây dựng những chiến lược để đối phó, thích ứng với sự biến đổi của khí hậu; hình thành, xây dựng mô hình tốt, có kinh nghiệm trong phản ứng với thách thức của tự nhiên...

UNESCO sẽ tăng cường năng lực cho thanh niên trong ứng phó với những thách thức của thiên nhiên.

Tôn vinh những đóng góp của các nhà khoa học đã đặt nền móng cho việc hình thành GGN. (Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN)

Tôn vinh những đóng góp của các nhà khoa học đã đặt nền móng cho việc hình thành GGN. (Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN)

Tại Lễ kỷ niệm, bà Lidia Brito kêu gọi các quốc gia nỗ lực bảo tồn di sản trên toàn cầu. Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về Khoa học Tự nhiên nhấn mạnh, khi mới thành lập, GGN là một khái niệm mới nên đã có những rụt rè, miễn cưỡng trong điều hành, thực hiện các dự án.

Vượt qua những khó khăn đó, GGN đã ngày càng được mở rộng đến nhiều quốc gia. Thời gian tới, UNESCO sẽ hỗ trợ kỹ thuật, chuyên môn để đưa Công viên địa chất toàn cầu thật sự là mô hình đặc biệt; tăng cường tính minh bạch của mạng lưới; hướng dẫn vận hành đối với mạng lưới, hướng dẫn quy định thẩm định hồ sơ.

Các quốc gia thành viên tiếp tục đẩy mạnh sự phát triển của Công viên địa chất toàn cầu gắn với phát triển du lịch bền vững.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh nhấn mạnh, năm 2024 là cột mốc quan trọng đối với GGN, đánh dấu 20 năm thành lập Mạng lưới hợp tác toàn cầu giữa các Công viên địa chất trên toàn thế giới nhằm thúc đẩy ba mục tiêu chính là bảo tồn Di sản địa chất và hành tinh Trái Đất, giáo dục cộng đồng về khoa học Trái Đất và thúc đẩy sự phát triển bền vững của địa phương.

Kể từ năm 2015, khi Cao Bằng được tiếp cận mô hình Công viên địa chất toàn cầu với sự hỗ trợ rất lớn của Viện Khoa học, Địa chất và Khoáng sản Việt Nam và chuyên gia UNESCO, đặc biệt, kể từ khi chính thức được công nhận là thành viên chính thức của GGN vào tháng 4/2018, thông qua việc xây dựng và phát triển danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, du lịch Cao Bằng tăng trưởng khá nhanh; công tác bảo tồn tài nguyên du lịch được chú trọng; nhiều hoạt động hỗ trợ, cải thiện sinh kế cho người dân được triển khai; người dân tích cực tham gia và chung tay cùng chính quyền bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch...

Theo Chu Hiệu (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

(GLO)- Ẩn sâu trong núi rừng và có phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, thác Ya Gloong (thuộc địa phận làng Đăk Bớt, xã Đak Trôi, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) là điểm đến lý tưởng của du khách gần xa khi đến khám phá, chiêm ngưỡng.