Gạo ST25 do kỹ sư Hồ Quang Cua và nhóm cộng sự sẽ sang Mỹ bảo vệ danh hiệu gạo ngon nhất thế giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cuộc thi Gạo ngon Việt Nam lần thứ 2 - 2020, đã trao giải Nhất cho gạo ST25 do kỹ sư Hồ Quang Cua và nhóm cộng sự thuộc DNTN Hồ Quang Trí (tỉnh Sóc Trăng) lai tạo. ST25 sẽ tiếp tục đi thi Gạo ngon Thế giới tổ chức tại Mỹ vào tháng 12 tới, để bảo vệ danh hiệu gạo ngon nhất thế giới.

Các giám khảo tại Cuộc thi Gạo ngon Việt Nam lần thứ 2 - 2020.
Các giám khảo tại Cuộc thi Gạo ngon Việt Nam lần thứ 2 - 2020.
Năm ngoái, tại cuộc thi Gạo ngon Thế giới tổ chức ở Philippines, gạo ST25 đã vinh dự đạt giải Nhất. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đạt được danh hiệu này trong cuộc thi gạo ngon quốc tế.
10 năm định hình ST25
Nói với Thế giới Tiếp thị, kỹ sư Hồ Quang Cua cho biết lai tạo giống ST25 cũng như những giống ST khác, đó là một hành trình dài đi từ nghiên cứu, thực nghiệm đến việc được chấp nhận.
"Thời gian nghiên cứu cho ra một giống lúa chất lượng như mong muốn tốn nhiều chi phí, thời gian. Tôi cứ làm, cứ nghiên cứu, khi đã bắt tay làm thì chỉ hoặc là có giống tốt, hoặc là không. Như ST25, đến 10 năm mới cho ra kết quả", ông Cua tự hào. 
Cha đẻ gạo ST25 cho rằng con đường nghiên cứu, thực nghiệm giống lúa mới không đơn giản nên ít người dấn thân. Nhưng trước yêu cầu ngày càng cao của thị trường và biến đổi khí hậu, ngành lúa gạo phải thay đổi, thích nghi.
ST25 là giống lúa không cảm quang, chu kỳ sinh trưởng 95-105 ngày, có thể trồng 2 vụ mỗi năm. Đặc biệt, đây là giống thích nghi rộng, có thể phát triển tốt trên đất luân canh lúa - tôm nước lợ cũng như mùa đông lạnh trên cao nguyên. Về chất lượng, ưu điểm của ST25 là mặt gạo trắng tự nhiên, cơm thơm mùi dứa, dẻo, dẽ hơn ST24 nên được người tiêu dùng không thích cơm quá mềm ưa chuộng.

Các giám khảo chấm, thẩm định tìm gạo ngon nhất tại cuộc thi Gạo ngon Việt Nam lần thứ 2 - 2020, tổ chức vào ngày 3/11
Các giám khảo chấm, thẩm định tìm gạo ngon nhất tại cuộc thi Gạo ngon Việt Nam lần thứ 2 - 2020, tổ chức vào ngày 3/11
Ông Nguyễn Thường Quân - Chủ tịch Hội Đầu bếp Việt Nam, nhận định yêu cầu của gạo ngon là phải đồng đều về màu sắc, hình dáng. Sau khi nấu, cơm phải có độ trắng, mùi thơm, dẻo, ngọt, có độ thuần và giữ nguyên hạt. "ST25 vẫn vượt trội, hạt dài, khô, hơi dẻo và có mùi thơm đặc trưng của hương cốm, lá dứa", ông Quân nói và cho biết cuộc thi năm nay chưa tìm được giống gạo thơm nào trong nước vượt mặt ST25.
Kỹ sư Hồ Quang Cua cho biết, sau một năm ST25 được vinh danh gạo ngon nhất thế giới, sức hút của ST25 nổi lên thấy rõ và đang được tiêu thụ tốt. Không chỉ người tiêu dùng nội địa mà hơn chục nước trên thế giới cũng liên hệ, đặt vấn đề mua gạo. 
Nhờ tác động của thương hiệu và một số yếu tố khác, giá gạo Việt Nam thời gian đã tăng đáng kể, vừa kích thích tiêu dùng vừa mang lại lợi ích cho nông dân. 
"Có được thành quả là điều rất mừng, tức thành tựu của mình được công nhận. Tôi hy vọng kết quả này sẽ củng cố, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế", kỹ sư Hồ Quang Cua nói.
Không chỉ là gạo ngon
Bình quân, Việt Nam xuất khẩu 6,4 - 7 triệu tấn gạo mỗi năm vào hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2019, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 6,3 triệu tấn với giá trị hơn 2,8 tỷ USD. 10 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo ước đạt 5,35 triệu tấn, tương đương 2,64 tỷ USD, tăng gần 10% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Lê Thanh Hòa - Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) cho biết 2 năm qua, ngành lúa gạo chứng kiến những bước ngoặt lớn, trong đó có ST25 được công nhận là gạo ngon nhất thế giới. 
Việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng đi đúng hướng, các doanh nghiệp tập trung vào giống lúa chất lượng cao, chống chịu dịch bệnh.

Nhiều thương hiệu gạo Việt có mặt tại Cuộc thi Gạo ngon Việt Nam lần thứ 2.
Nhiều thương hiệu gạo Việt có mặt tại Cuộc thi Gạo ngon Việt Nam lần thứ 2.
Ông Hòa nhận định, ngành gạo trong nước đang thay đổi cơ cấu đi từ chất lượng thấp, trung bình lên chất lượng cao. Đây là hướng đi đúng đắn khi Việt Nam gia nhập các FTA thế hệ mới và những hiệp định thương mại khác.
Theo Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, ông Huỳnh Văn Thòn, bên cạnh yếu tố ngon, giống gạo phải mang tính thương mại cao. "Tôi kỳ vọng rất nhiều vào xuất khẩu gạo, bởi ngành lúa gạo Việt Nam có lợi thế hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Giống do người Việt lai tạo nên thích ứng được các biến đổi khí hậu. Nhu cầu về gạo của thế giới luôn thay đổi, Việt Nam có thể thay đổi theo thị hiếu. Thứ ba, lúa của Việt Nam là lúa ngắn ngày, làm 3 vụ mỗi năm, vừa đảm bảo an ninh lương thực vừa đủ sản lượng xuất khẩu", ông Thòn nói với Thế giới Tiếp thị.
Ông Thòn cho biết nông dân, kỹ sư và các nhà khoa học hiện nay rất giỏi, cùng với những ưu đãi về thổ nhưỡng, khí hậu, Việt Nam hoàn toàn có được những loại gạo ngon, tính thương mại tốt. 
"Tại sao có nhiều điều kiện mà Việt Nam không thành tay chơi lớn, đó là trăn trở, băn khoăn lớn nhất của tôi hiện nay. Cần liên kết, làm tốt logistics và đặc biệt xây dựng thương hiệu gạo Việt để đón hiệp định thương mại", ông Thòn nêu.
Theo Hồng Phúc (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Từ những thực vật hoang dại, nhưng với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, nhiều startup đã cho ra đời những sản phẩm bất ngờ. Không chỉ nâng tầm giá trị tài nguyên sẵn có, họ còn tạo cơ hội đưa sản phẩm vươn xa.